Ngày 18.2, Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) cho biết, Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái vừa phát hiện 1 người sử dụng công cụ kích điện khai thác thủy sản trái phép tại bờ sông Đồng Nai (thuộc P.Long Bình, TP.Thủ Đức).
Tổ công tác đã áp sát, dừng phương tiện và lấy thông tin ban đầu từ người này, tang vật liên quan đến hoạt động sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản.
Theo đó, người đàn ông cho biết tên T.T.B (48 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức), làm nghề lái ghe. Vào khoảng 19 giờ 20 phút ngày 12.2, ông B. đã dùng ghe gỗ không số gắn máy trong hiệu Kubota di chuyển từ khu vực bến đò Hội Sơn, đem theo 1 bộ công cụ kích điện để chích cá dọc tuyến sông này với mục đích buôn bán sinh sống hằng ngày.

Đánh bắt cá bằng phương pháp chích điện, người đàn ông bị tạm giữ ghe gỗ
ẢNH: PC08
Đến 20 giờ cùng ngày thì bị CSGT của Trạm cảnh sát đường thủy Cát Lái phát hiện. Phương tiện, tang vật vụ việc gồm: 1 ghe gỗ không số đăng ký, kích thước chiều ngang khoảng 1,1m, chiều dài khoảng 5 m, có gắn máy nhãn hiệu Kubota, 1 bộ công cụ kích điện, 1 bình ắc quy 150A, 12V; khoảng 5 kg cá các loại (cá chép, cá trê).
Vụ việc đã được CSGT của Trạm cảnh sát đường thủy Cát Lái lập hồ sơ ban đầu và phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý theo quy định. Số cá tang vật đã được lập biên bản thả về sông Đồng Nai - khu vực phát hiện vi phạm.
Thời gian tới, Trạm CSĐT Cát Lái sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên các tuyến thuộc địa bàn quản lý, tăng cường tuyên truyền cho các hộ dân sinh sống trên sông, ven sông và những người dân hành nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản thực hiện nghiêm Luật Thủy sản năm 2017. Qua đó, để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện tốt công tác bảo vệ, duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn TP.
Vì sao CSGT tạm giữ ghe?
Theo Điều 28 Nghị định 38/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản đối với trường hợp không sử dụng tàu cá mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, người vi phạm cũng bị tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ.

Sau khi phát hiện vi phạm, CSGT Trạm CSĐT Cát Lái tiếp tục phối hợp xử lý
ẢNH: PC08
Lãnh đạo một đội CSGT cho hay, thông thường, khi phát hiện người vi phạm chích điện đánh bắt thủy sản trên sông, CSGT sẽ yêu cầu xuất trình giấy tờ của ghe, nếu không xuất trình được giấy tờ sẽ bị tạm giữ ghe.
Về nguyên tắc, ghe muốn lưu thông trên đường thủy phải được đăng ký, đăng kiểm bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, với một số ghe gỗ nhỏ, mua về sử dụng trong gia đình, đáp ứng nhu cầu hàng ngày thì người dân không đăng ký nên khi bị tạm giữ, người vi phạm phải chứng minh được nguồn gốc ghe.
Tương tự, người vi phạm cần có giấy tờ chứng minh nguồn gốc của máy gắn trên ghe.
Khi chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính xong, cơ quan chức năng sẽ trả lại ghe, động cơ máy.
"Đánh bắt bằng phương pháp chích điện rất nguy hiểm, mang tính chất hủy hoại nguồn lợi thủy sản và nguy hiểm cho tính mạng của cả người vi phạm. Mức phạt hành vi này mang tính răn đe, không thể so với số ký cá, tôm... ở thời điểm vi phạm", CSGT chia sẻ.
Bình luận (0)