Chiếc áo bà ba gắn liền với văn hóa Nam bộ

17/09/2023 06:49 GMT+7

Trong khuôn khổ Festival áo bà ba Hậu Giang 2023 diễn ra từ 29.9 - 1.10, ngày 16.9, tại Đài truyền hình Hậu Giang diễn ra buổi giao lưu văn hóa với chủ đề Áo bà ba xưa và nay - Những cung bậc cảm xúc.

NSND Trà Giang, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, giáo sư Bùi Chí Trung, nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh, doanh nhân trẻ Huy Nguyễn, tiến sĩ Nguyễn Nam, thạc sĩ xã hội học Lê Minh Tiến, tiến sĩ Vũ Khánh Vy, tiến sĩ Ethan C.Brown (Mỹ), chuyên gia truyền thông - nhà báo Vũ Mạnh Cường tham gia buổi giao lưu, chia sẻ những câu chuyện về truyền thống, bản sắc văn hóa, về những hồi ức trong cuộc đời họ cùng chiếc áo bà ba.

Chiếc áo bà ba gắn liền với văn hóa Nam bộ - Ảnh 1.

Chiếc áo bà ba gắn liền với đời sống và văn hóa vùng đất Nam bộ

BTC

Chiếc áo bà ba gắn liền với văn hóa Nam bộ - Ảnh 2.

Chiếc áo thuộc về văn hóa mặc của người Nam bộ

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, văn hóa Nam bộ phát triển trên dưới 300 năm và luôn thay đổi. Con người khi tiếp nhận vùng đất mới, tiếp nhận văn hóa mới làm phong phú cuộc sống. "Có tài liệu ghi rằng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, cộng đồng người Hoa lai Malaysia (cộng đồng người bà ba) đến Nam Kỳ sinh sống, chuyên nghề thầu xây dựng, buôn bán lúa gạo. Áo bà ba được truyền qua người Việt. Ngoài ra còn có chè bà ba của cộng đồng này ở Nam bộ", ông Trảng nói.

Tiến sĩ Nguyễn Nam thì khẳng định áo bà ba là độc nhất thuộc về người dân Nam bộ. Vẻ đẹp người phụ nữ càng được tôn vinh khi mặc áo bà ba, vừa kín đáo vừa gợi cảm.

Tiến sĩ Ethan C.Brown cho rằng: "Tôi là người Mỹ gốc Anh, tổ tiên của tôi cũng có trang phục truyền thống nhưng dần mai một theo thời gian. Thế hệ chúng tôi cảm thấy hoang mang về sự mất mát di sản của mình. Sự kết nối giữa thế hệ hiện tại với tổ tiên là đặc biệt quý giá. Ðừng nghĩ áo bà ba thuộc về thời xưa. Ðây là truyền thống văn hóa rất đáng quý, cần gìn giữ".

Nhà thiết kế Minh Hạnh đưa ý kiến: "Rõ ràng chiếc áo bà ba là hiện thân của quá khứ đáng trân trọng và hào hùng, là nền tảng cho chúng ta bước tiếp ở hiện tại. Tôi nghĩ nhiều người lãng quên chiếc áo bà ba khá lâu nên hy vọng Hậu Giang sẽ tiếp nhận chiếc áo này như là di sản của tỉnh".

Ký ức không phai về áo bà ba

Nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng xuất thân từ xứ Huế, nơi phụ nữ thường xuyên mặc áo dài. Sau năm 1945, đáp lời kêu gọi của đất nước, hàng ngàn thiếu nữ xếp áo dài, mặc áo bà ba bước vào cuộc kháng chiến.

"Người con gái mới 16 tuổi tự hào khi mặc áo bà ba. Chiếc áo theo tôi hàng mấy chục năm liền. Khi vào chiến khu, áo bà ba giúp chúng tôi trốn giặc thù, vượt qua đèo núi rất thuận lợi. Với tôi đoạn đời đó rất có ý nghĩa", bà Phượng nhớ lại.

Nữ nhà văn hồi tưởng năm 1972, ngôi sao Hollywood Jane Fonda sang thăm VN, ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta và không muốn có sự cách biệt về ăn mặc so với người dân. Bà Phượng đưa nữ minh tinh đến một tiệm may để may áo bà ba. "Từ hôm đó Jane Fonda đã tới thăm hỏi dân, quân, gặp gỡ nhiều lãnh đạo trong chiếc áo bà ba", bà Phượng kể.

NSND Trà Giang thổ lộ: "Tôi cảm ơn mọi người đã cho tôi trở lại miền ký ức về áo bà ba. Mẹ tôi suốt đời chỉ mặc áo bà ba".

Năm 20 tuổi Trà Giang được chọn vào vai chị Tư Hậu. Người thợ may áo bà ba cho bà mặc trong phim là vợ nhạc sĩ Trần Kiết Tường (tác giả ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người). Suốt 6 tháng quay phim Chị Tư Hậu, bà luôn mặc áo bà ba. Sau này khi đóng nhiều phim như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Huyền thoại về người mẹ, Dòng sông hoa trắng… NSND Trà Giang cho biết: "Tôi trưởng thành cùng nhân vật khi thể hiện hình ảnh phụ nữ VN bình thường giản dị nhưng bất khuất trong chiến tranh, trong cuộc sống và họ luôn mặc chiếc áo bà ba".

GS-TS Bùi Chí Trung đưa ra lời khuyên để quảng bá Hậu Giang: "Vùng đất này cần phát huy năng lực về nhân sự của địa phương, tư duy sáng tạo đổi mới. Nhân sự trẻ là lợi thế của Hậu Giang. Lễ hội áo bà ba muốn ghi dấu ấn thì người dân địa phương phải gắn chặt tâm tư, cuộc sống vào nó".

Festival áo bà ba do UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức diễn ra từ 29.9 - 1.10 tại TP.Vị Thanh, với nhiều hoạt động mang đậm giá trị truyền thống dân tộc, hơi thở văn hóa Nam bộ.

Ngoài buổi giao lưu Áo bà ba xưa và nay - Những cung bậc cảm xúc, Festival áo bà ba Hậu Giang 2023 còn có các hoạt động khác như: biểu diễn nghệ thuật, thời trang, ca nhạc, ẩm thực, triển lãm ảnh, thi vẽ tranh, diễu hành... với điểm nhấn là chương trình trình diễn nghệ thuật về áo bà ba, triển lãm ảnh áo bà ba từ xưa đến nay, ẩm thực truyền thống Nam bộ cùng các buổi biểu diễn đờn ca tài tử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.