'Chiếc áo thiên nga' lên sân khấu hát bội

11/05/2022 06:16 GMT+7

Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM có 3 suất diễn phục vụ tại rạp Thủ Đô (Q.5, TP.HCM) vào tối 9, 11, 14.5 với vở Chiếc áo thiên nga đẹp lung linh và cảm động.

Đây cũng là vở sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu tuồng toàn quốc tổ chức tại Nghệ An từ ngày 17 - 28.5, sau liên hoan sẽ tiếp tục phục vụ học sinh, sinh viên tại nhiều quận huyện.

Chiếc áo thiên nga là kịch bản kịch nói của soạn giả Lê Duy Hạnh từng được đạo diễn Đức Thịnh của sân khấu Phú Nhuận dàn dựng với tựa đề Nỏ thần hoành tráng và rung động lòng người. Sau đó, soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương với tên gọi Chiếc áo thiên nga do đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ dàn dựng tại Nhà thi đấu Quân khu 7 (TP.HCM) thật lộng lẫy, với hơn 300 diễn viên, vũ đoàn, công nhân, hậu đài, gây ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả.

Nghệ sĩ Bảo Châu và Ngọc Giàu trong vai Trọng Thủy - Mỵ Châu

H.K

Nay NSƯT Hữu Danh lại chuyển thể thành kịch bản hát bội, với bàn tay đạo diễn của NSND Trần Ngọc Giàu, Chiếc áo thiên nga đẹp như một bài thơ bi tráng. Câu chuyện dựng nước và giữ nước thời An Dương Vương vẫn là bài học kinh nghiệm cho mãi tới ngày nay, không hề lạc hậu. Khán giả nghe kỹ từng lời, từng chữ sẽ thấm thía chuyện thế sự, nhân tình, và đau cho mối tình của Trọng Thủy - Mỵ Châu trong thời ly loạn. Điểm nhấn quan trọng nhất của vở là quan niệm về chiến tranh, hòa bình, lòng yêu nước thương dân, mà trong đó Trọng Thủy đã được người Việt cảm hóa để rồi chàng đấu tranh với vua cha Triệu Đà kiên quyết chống lại chiến tranh. Nhưng vó ngựa xâm lăng đã quét tan mơ ước của những người lương thiện, cuối cùng ngọc nát châu chìm, để lại một câu chuyện đẹp đến não lòng.

Những nghệ sĩ hát bội như Bảo Châu (vai Trọng Thủy), Ngọc Giàu (vai Mỵ Châu), Đông Hồ (Triệu Đà), NSƯT Linh Hiền (An Dương Vương), Hoàng Hà (Cao Lỗ), Minh Khương (Nhan Tấn), Kiều My (Hoàng Dung) có ngoại hình đẹp, vũ đạo chuẩn, giọng ca tốt, được khán giả vỗ tay tán thưởng liên hồi trong buổi diễn tối 9.5.

Âm nhạc đã được chọn lọc, dễ nghe, dễ hiểu, bớt tiếng Hán, bớt “ứ ư”, tâm lý nhân vật được đào sâu, rất cảm động. Thiết kế sân khấu thoát khỏi quy mô nhỏ của vở ca hát bội truyền thống mà xứng tầm của một nhà hát, đầy chất nghệ thuật, ấn tượng. Tác phẩm xứng đáng để biểu diễn nhiều suất cho học sinh, sinh viên thưởng thức, giúp hiểu và yêu hát bội. Trong đêm diễn, các bạn trẻ đã nhiệt tình vỗ tay tán thưởng, và cho biết hát bội rất dễ xem, dễ cảm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.