Chiếc áo yếm và chuyện đúng - đẹp trên phim

11/01/2018 06:44 GMT+7

Ngay khi vừa ra mắt, bộ phim Thương nhớ ở ai (đang phát sóng trên VTV3) đã vấp phải những ý kiến trái chiều xung quanh việc có nhiều cảnh quay nữ diễn viên mặc áo yếm nhưng không mặc áo ngực.

Phim xoay quanh thân phận người phụ nữ ở làng quê Bắc bộ những năm 1954 - 1975, do đạo diễn Lưu Trọng Ninh thực hiện. Trong nhiều cảnh phim, các nữ diễn viên chỉ mặc áo yếm, có khi không mang áo cánh bên ngoài, để lộ lưng trần phía sau. Ở một số cảnh quay, có thể thấy khá rõ bầu ngực của diễn viên sau lớp vải áo yếm.
Giữ “nguyên bản” hay cần chắt lọc ?
Một số khán giả cho rằng áo yếm mặc như trong phim là đúng với bối cảnh của phim, nhưng cũng có ý kiến khác nói “lồ lộ” như thế không phù hợp với một bộ phim chiếu cho đại chúng.
Diễn viên Ngọc Anh (vai Nhân) chia sẻ, ngay từ khi phim bắt đầu quay, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã yêu cầu diễn viên chỉ mặc áo yếm, không mặc áo ngực, đúng như cách ăn mặc của phụ nữ thời kỳ đó. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh lý giải về quyết định này: “Ngày xưa các cụ mặc thế nào thì trong phim mặc như vậy. Thời đó, phụ nữ VN chưa biết áo ngực là gì. Những gì thể hiện trong phim là hoàn toàn chân thực”.
Tiến sĩ mỹ học Nguyễn Thế Hùng nhìn nhận: “Đúng là vào thời kỳ đó, phụ nữ Bắc bộ chỉ mặc áo yếm, chứ không mặc áo ngực. Về độ chân thực thì đạo diễn đã đúng”. Đạo diễn Nguyễn Công Vượng đồng tình với quan điểm cần tôn trọng sự chân thực, nhưng cho rằng: “Có những điều cần tế nhị, để không trở thành nhạy cảm, hay đúng hơn là vô duyên, đặc biệt khi bộ phim được phát sóng trước đông người xem, trẻ có, già có, và mỗi người lại có nhận thức khác nhau. Đúng nguyên bản là như thế, nhưng chúng ta cần có sự chắt lọc”.
Tôn trọng sự thật, tôn trọng cái đẹp
Từ câu chuyện tranh cãi về chiếc áo yếm trong Thương nhớ ở ai, có thể thấy việc cân bằng giữa yếu tố “đúng” và “đẹp” luôn làm khó các nhà làm phim và nhà thiết kế trang phục đối với phim lịch sử, cổ trang.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân từng chia sẻ, khi ông tham gia làm trợ lý cho đạo diễn Pháp Pierre Schoendoerffer trong bộ phim Điện Biên Phủ, có một câu chuyện làm ông nhớ mãi. Đó là khi người thiết kế trang phục của đoàn phim đưa ra bức ảnh có mẫu trang phục phụ nữ những năm 1950, vị đạo diễn người Pháp đã gạt đi vì… không đẹp. Một vị đạo diễn khác cho rằng yếu tố “đẹp” trong phim lịch sử, cổ trang không phải lúc nào cũng đi đôi với sự chính xác của tư liệu. Ông lấy ví dụ ở thời trước phụ nữ nhuộm răng đen được coi là đẹp, nhưng nếu đưa lên phim, khán giả thời nay sẽ khó mà cảm nhận được vẻ đẹp của hàm răng ấy.
Nhà thiết kế phục trang Nguyễn Thu Hà (hiện là giảng viên Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, từng tham gia thiết kế phục trang cho nhiều bộ phim lịch sử, cổ trang như Lều chõng, Long Thành cầm giả ca, Trò đời, Người cộng sự…) kể lại câu chuyện về việc xây dựng hình ảnh Kỳ ngoại hầu Cường Để trong phim Người cộng sự: “Đoàn làm phim đã vào Huế, đến nơi gia đình ông ở, gặp người con gái út của ông, nghe những câu chuyện và xem ảnh của gia đình. Ông là người có dáng hình khá nhỏ bé. Tuy nhiên, khi lựa chọn diễn viên vào vai Kỳ ngoại hầu Cường Để, các nhà làm phim Nhật Bản và VN đã quyết định chọn diễn viên Bình Minh có dáng cao to hơn hình ảnh của nhân vật ngoài đời thực. Điều này không phải là sai lệch lịch sử, nhưng theo quan điểm của nhà làm phim đó là cách tôn trọng hình ảnh của ông”.
Thực tế, trang phục trong nhiều bộ phim lịch sử, cổ trang của nước ngoài cũng từng gặp phải tranh cãi. Bộ phim Trung Quốc Võ Mị nương truyền kỳ, lấy bối cảnh nhà Đường thế kỷ 7 - 8, với sự tham gia của Phạm Băng Băng vai Võ Tắc Thiên, đã bị khán giả phản ứng vì trang phục hở hang của các cung tần mỹ nữ. Một số nhà nghiên cứu lịch sử đã đưa ra tư liệu cho thấy phụ nữ thời Đường được phép mặc trang phục bó ngực, có phần hở hang. Tuy nhiên trước phản ứng của khán giả, Tổng cục Phát thanh truyền hình Trung Quốc yêu cầu phải cắt bỏ, hoặc dùng kỹ xảo che lại những hình ảnh hở hang trong phim.
Theo nhà thiết kế Nguyễn Thu Hà, việc thiết kế trang phục cần phù hợp với thể loại phim. Bên cạnh đó, chị cho rằng, trang phục trong phim vẫn thường cần đẹp trước, sau là đúng, nhưng đúng thì đúng như thế nào, có giống như các nhà nghiên cứu kỳ vọng hay không. Bởi thực tế những tư liệu (sử sách, hình ảnh, di vật) về trang phục trong lịch sử còn nhiều khuyết trống.
Cùng với việc nghiên cứu phong cách mỹ thuật theo từng thời kỳ, nhà thiết kế còn cần tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán, thời tiết, hay cả điều kiện, hoàn cảnh sống của nhân vật lịch sử. “Chúng tôi lựa chọn cái đúng ở đây là về mặt tinh thần. Ở đó nhìn thấy rõ tinh thần, phẩm chất của người Việt, cũng như đúng theo mong muốn, tưởng tượng của mọi người về thời kỳ lịch sử, hay nhân vật lịch sử đó”, chị nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.