Chiếc cầu nối trong ngành y tế

27/10/2024 09:00 GMT+7

Cơn mưa tháng bảy ồ ạt khiến hoạt động của người dân Tây Đô có phần gián đoạn… Ấy vậy mà công việc của chị Phạm Thị Yến Loan, cử nhân xã hội học, đang làm tại Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, chẳng chậm đi một nhịp nào.

Sáu giờ sáng, ngày gió bão cũng như những nắng đẹp, chị đã có mặt tại quầy hướng dẫn cùng với các đồng nghiệp đón tiếp, hướng dẫn bệnh nhân quy trình khám chữa bệnh. Có lẽ chị đã dậy từ rất sớm mới có thể hoàn tất bữa sáng cho mẹ già và hai con nhỏ. Chị dường như thấu hiểu tâm lý của nhiều cô bác phải lặn lội, bắt xe từ các huyện, thị xa xôi - rất nóng lòng khi phải hoãn lại việc đồng áng, vườn tược, buôn bán để đến đây kiểm tra sức khỏe.

Hướng dẫn khám bệnh - một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng xem ra chẳng mấy dễ dàng, lại phải đòi hỏi sự mềm dẻo, niềm nở lẫn kỹ năng quản lý cảm xúc; bởi lẽ chỉ trong một ngày, nhân viên công tác xã hội có thể tiếp xúc với hàng trăm, hàng nghìn người gắn với những sự việc có nhiều yếu tố mang tính "rất tình huống". Bệnh nhân tỏ vẻ sững sờ do hiểu không đúng những quy định liên quan đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Khi thì họ không giấu nổi sự nóng lòng vì số lượng người đến khám quá đông trong khi mình còn lâu mới đến lượt. Lắm lúc họ lo lắng ra mặt vì người nhà đang đau yếu hoặc chấn thương, gặp trở ngại khi di chuyển mà bệnh viện không phải lúc nào cũng đáp ứng xe lăn được đầy đủ,... Đấy là lúc họ rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ những người làm công tác xã hội như chị Yến Loan và các đồng sự.

Chiếc cầu nối trong ngành y tế- Ảnh 1.

Loan hướng dẫn bệnh nhân quy trình khám bệnh ngoại trú

ẢNH: Tư liệu Phòng Công tác xã hội

Gần một thập kỷ cống hiến cho ngành y tế, chị Loan đã giúp đỡ rất nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kể về tấm gương người tốt - việc tốt nơi môi trường bệnh viện, người ta thường hay liên tưởng đến những bác sĩ giỏi chuyên môn, những điều dưỡng ân cần, những kỹ thuật viên có thành tựu nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, có sáng kiến, sáng tạo nhằm cải tiến chất lượng. Nói về những gương mặt điển hình trong lĩnh vực thiện nguyện, người ta lại hay nghĩ đến những nhà hảo tâm đã bỏ ra nhiều khoản tiền tài trợ lớn... chứ ít ai nhớ đến sự đóng góp thầm lặng của những người làm công tác kết nối. Thiết nghĩ, nếu chỉ có những thầy thuốc tận tâm, những tấm lòng nhân ái mà thiếu đi vai trò của nhân viên công tác xã hội thì có lẽ nhiều bệnh nhân nghèo khó có thể được hỗ trợ đúng lúc.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, chị Loan đã phối hợp với các đồng nghiệp vận động được hơn 415 triệu đồng trao trực tiếp và hỗ trợ đóng viện phí cho hàng trăm bệnh nhân tại đơn vị thận nhân tạo và các khoa lâm sàng. Số tiền chị Loan kịp thời chuyển đến đã giúp ông Nguyễn Văn Me (63 tuổi), làm nghề mua bán ve chai ở huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ trở về từ cửa tử; giúp em Huỳnh Văn Tiền (17 tuổi), ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long - bị bại não từ nhỏ, cha bỏ đi từ lâu - tiếp tục cuộc sống; hỗ trợ cho vợ chồng bà Đặng Thị Mười (72 tuổi) có thêm chút tiền sinh hoạt khi phải thuê trọ tá túc, ra vào bệnh viện lọc máu thường xuyên; giúp cho bà Trần Ngọc Hồng (61 tuổi), bị liệt tứ chi hơn 10 năm cùng người chồng bất hạnh bị mất đi thính lực có cơ hội chữa bệnh... Kể làm sao cho hết những những mảnh đời éo le đã được giúp đỡ vì cứ mỗi một ngày trôi qua số hồ sơ công tác xã hội được lưu trong phòng lại dày hơn một chút và dường như số người yếu thế trong cộng đồng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống. Gần đây nhất, chị còn vận động được 10 máy phun khí dung để bệnh nhân có điều kiện thuận lợi chăm sóc sức khỏe, phần nào giải quyết được vấn đề phải chờ đợi khi số người bệnh đông mà trang thiết bị lại không đủ nhiều để đáp ứng kịp thời.

Chiếc cầu nối trong ngành y tế- Ảnh 2.

Chị Loan thay mặt nhà hảo tâm hỗ trợ tiền viện phí cho bệnh nhân

ẢNH: Tư liệu Phòng Công tác xã hội

Không chỉ quan tâm đến trở ngại về chi phí điều trị cho bệnh nhân nghèo, chị Loan còn nhận thấy sự khó khăn mà thân nhân nuôi bệnh thường phải đối mặt. Vậy là, thông qua những nguồn đóng góp lương thực và nông sản... từ các nhà hảo tâm, chị Loan đã liên kết được 10 bếp ăn từ thiện cung cấp hàng nghìn suất ăn miễn phí mỗi ngày. Chú Mai Văn Bé Ba ở xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Tôi nuôi bà xã lọc thận đã hơn 2 năm, nhờ có bếp ăn từ thiện mà gánh nặng chi tiêu nhẹ được chút đỉnh". Cô Ngô Thị Bé Bảy ngụ tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ bộc bạch: "Chồng tôi bị đau khớp, teo cơ 20 năm nay, lại thêm nhiều chứng bệnh huyết áp, tiểu đường... đã ra vô bệnh viện này rất nhiều lần. Nhận được suất cơm 0 đồng, tôi thật sự rất quý. Tôi ước mong, sau này có cơ hội sẽ trở lại đóng góp giúp cho bà con".

Bên cạnh việc vận động hỗ trợ, chị Loan cùng với phòng duy trì hoạt động tự gây quỹ trong nhiều năm nay bằng cách đặt các thùng quyên góp trong phạm vi bệnh viện. Với việc photo và ép nhựa giấy tờ, các văn bản cần thiết ngay tại quầy hướng dẫn vừa tạo thuận tiện cho người dân trong quy trình khám chữa bệnh ngoại trú (nhất là đối với các bệnh nhân sử dụng giấy chuyển tuyến từ các bệnh viện quận, huyện lên) vừa tạo ra được nguồn thu ổn định. Tính từ tháng 1.2024 đến nay, hoạt động thiết thực trên đã tập hợp được hơn 64 triệu đồng. Số tiền này được nộp vào quỹ Tấm lòng vàng, được trích ra hỗ trợ lại cho bệnh nhân khi họ không còn đủ khả năng thanh toán viện phí.

Công việc của chị Loan đâu chỉ xuất phát bởi trách nhiệm mà chị còn đặt ở trong đó rất nhiều tình yêu thương. Xót xa cho những mảnh đời kém may mắn, chị luôn tận dụng từng giờ phút quý báu với công việc kết nối của mình. Đó có thể là những lúc đã quá trưa, hay cả những ngày nghỉ, khi bệnh nhân cần, khi có nhà hảo tâm liên hệ, chị Loan chẳng tiếc quỹ thời gian vốn dĩ dành riêng cho mình.

Thế nhưng, chị thường từ chối kể về bản thân bởi chị cho rằng đó là niềm tự hào, là kết quả chung của tập thể. Chị khiêm tốn cho hay, để có thể làm tốt trọng trách được giao là nhờ vào những kinh nghiệm giá trị đã được học hỏi từ cử nhân Nguyễn Thị Lợt - một điều dưỡng giỏi đã về hưu dày dặn tâm huyết trong hoạt động công tác xã hội; nhờ vào vai trò lãnh đạo có tâm, có tài là thạc sĩ Lê Thanh Lam (Trưởng phòng Công tác xã hội); nhờ vào sự tận tụy của chị em đồng nghiệp; nhờ vào tấm lòng của rất nhiều người, trong đó phải kể tới anh Hoàng Trung Kiên (nhóm Thiện Duyên), anh Giang Hoàng Cường (nhóm Từ thiện Yêu Thương), chị Vân Út (nhóm Từ thiện Đồng Cảm)...

Như một chiếc cầu bắc ngang ngành y tế, chị Loan đã nối dài những yêu thương từ các nhà hảo tâm đến những người bệnh nghèo khó, tạo nên một khối gắn kết trong cộng đồng. Và giống như những giọt nước nhỏ, mỗi việc tốt của chị đã thấm vào lòng đất, chảy về một hướng thành sông rồi tập hợp thành biển cả thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như lòng nhân ái "lá lành đùm là rách", "thương người như thể thương thân", "mình vì mọi người" của nhân dân ta. Chính công việc đã cho chị được gặp gỡ nhiều hoàn cảnh, cho chị được chạm vào tiếng lòng của những người cần được san sẻ. Tinh thần cống hiến của chị đã, đang và sẽ tiếp tục "kết nối yêu thương - sẻ chia hạnh phúc".

Chiếc cầu nối trong ngành y tế- Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.