Chiếc kèn trong phổi bé trai 7 năm, nhiều bệnh viện không phát hiện

26/12/2023 20:37 GMT+7

Bé trai ngậm chiếc kèn thổi và bị rơi vào đường thở 7 năm qua, đi nhiều bệnh viện nhưng không được phát hiện.

Ngày 26.12, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bé trai 15 tuổi (ngụ Phú Yên), lấy ra dị vật là chiếc kèn đã ở trong phổi 7 năm.

Gia đình cho biết, 7 năm trước, bé ngồi ngậm chiếc kèn và thổi (chiếc kèn này lấy ra từ chiếc giày trẻ em). Lúc đó bạn bé đến vỗ vào lưng và bé bị sặc làm kèn rơi vào trong nhưng không khó thở, tím tái. Bé báo người nhà là nuốt chiếc kèn vô bụng, người nhà có nghe bé thở ra tiếng kèn vào thời điểm đó. Bé được đưa đến khám tại bệnh viện gần nhà chụp X-quang kiểm tra, tuy nhiên bác sĩ cho rằng chiếc kèn sẽ theo đường ăn ra ngoài nên không can thiệp gì. Sau đó bé vẫn thở bình thường, không khó thở hoặc viêm phổi, lâu lâu bị ho và mua thuốc về uống tự hết.

Chiếc kèn trong phổi bé trai 7 năm, nhiều bệnh viện không phát hiện- Ảnh 1.

Chiếc kèn lấy ra từ phổi bệnh nhân

BVCC

Nhưng cách nay hơn 1 tháng, bé bỗng nhiên ho nhiều hơn và người nhà đưa bé đến khám tại 2 bệnh viện ở TP.HCM, nghi lao phổi, được điều trị phác đồ lao phổi, tái khám mỗi 10 ngày/1 lần. Đợt tái khám thứ 3 tình trạng vẫn không cải thiện, bé ho nhiều. Kết quả chụp CT-Scanner phổi, nghi là dị vật nên bệnh viện cho thuốc về uống, tái khám sau 10 ngày. Sau đó tái khám thì không còn thấy dị vật, xét nghiệm lao âm tính, bé được chẩn đoán viêm phổi phải.

Tuy nhiên, khi bé về quê và đến khám tại bệnh viện ở Bình Định, tại đây chụp CT-Scanner phổi lại nghi dị vật đường thở nên người nhà xin chuyển Bệnh viện Nhi đồng 1 nội soi đường thở.

Lấy ra thành công

Sáng 24.12, Phòng khám Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận bệnh nhi đến khám vì lý do ho kéo dài, đã chữa trị nhiều nơi không khỏi. Bác sĩ nhận định đây là ca dị vật chiếc kèn khó và hy hữu, lại nằm trong phổi quá lâu và rất sâu ở phế quản hạ phân thùy phổi bên phải.

Đúng ngày Giáng sinh 25.12, ê kíp phẫu thuật của Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi đồng 1 đã nội soi vào đường thở để xác định vị trí của chiếc kèn. Phẫu thuật viên gặp khó khăn trong việc tiếp cận chiếc kèn do dụng cụ nội soi không đủ độ dài để xuống sâu phế quản hạ phân thùy phổi, đồng thời mô hạt mọc rất nhiều tạo thành 1 khối mô che chắn dị vật. Bên cạnh đó, khi đưa ống nội soi vào thì máu chảy nhiều vào lòng đường thở gây khó khăn cho việc quan sát của phẫu thuật viên cũng như ê kíp gây mê. Sau hơn 90 phút ca nội soi lấy chiếc kèn ra từ phổi bệnh nhi thành công.

TS-BS Phú Quốc Việt, Phó trưởng khoa Tai mũi họng, một trong các bác sĩ trực tiếp tham gia cuộc mổ cho biết: "Sau nhiều nỗ lực soi, ê kíp đã thấy được dị vật, nhưng vị trí dị vật là 1 thử thách cho phẫu thuật viên. Chúng tôi sử dụng kỹ thuật 4 tay, tức 2 bác sĩ phụ nhau cùng soi và gắp dị vật cùng lúc. Sau lần đầu thất bại, lần thứ hai đã thành công lấy được dị vật ra khỏi đường thở. Kết quả nội soi lại đường thở khá ổn định, không còn chảy máu. Đây có thể coi là một nỗ lực hết mình của ê kíp phẫu thuật, lấy cho bằng được chiếc kèn ra khỏi người bệnh. Hiện bé có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường".

Theo bác sĩ, đây được xem là món quà Giáng sinh đầy ý nghĩa mà tập thể ê kíp mổ dành cho ba mẹ của bé, "món quà dị vật chiếc kèn", kích thước nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.