Chiếc máy ảnh của Ronald Haeberle

14/03/2014 09:57 GMT+7

Trong vụ thảm sát Mỹ Lai cách đây 46 năm (16.3.1968), ông Ronald Haeberle, tác giả của bộ ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai, sử dụng đến hai chiếc máy ảnh. Một chiếc hiệu Lecia, một chiếc hiệu Nikon-F. Chiếc Lecia là do quân đội Mỹ cung cấp cho phóng viên chiến trường, còn chiếc Nikon-F là của riêng ông. Có lẽ nếu không có chiếc máy ảnh Nikon - F ấy thì chắc vụ thảm sát Mỹ Lai mãi mãi chìm trong góc tối của cuộc chiến tranh.

 
Chiếc máy ảnh Nikon-F của Ronald - Ảnh: Trần Đăng

Ronald Haeberle kể, ông theo chân một đơn vị bộ binh của Mỹ hành quân đến Sơn Mỹ bằng máy bay trực thăng vào buổi sáng ngày 16.3.1968. Trước đó khoảng 1 giờ, một tốp lính Mỹ đã đổ quân vào làng Sơn Mỹ. Khi chiếc trực thăng chở Ronald Haeberle cùng tốp lính Mỹ hạ dần độ cao, một cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mắt nhà báo này: nhà cháy ngùn ngụt, người già và phụ nữ dắt díu nhau chạy ra cánh đồng trước gốc Cây Gòn. Lính Mỹ tập trung họ lại rồi bắn xối xả vào đám người này. Con đường làng đang bình yên, bỗng lênh láng máu người. Tất cả những cảnh tượng rùng rợn ấy được Ronald Haeberle thu vào ống kính của mình. Máy Lacia chụp được 40 kiểu ảnh đen trắng, máy Nikon-F chụp được 19 kiểu ảnh màu.

Theo quy định của quân đội Mỹ, chiếc máy Lecia mà họ cấp thì sau khi chụp ảnh, phóng viên phải giao lại cho người quản lý. Ronald đã thực hiện đúng chức phận của một phóng viên chiến trường, đang hưởng lương của quân đội Mỹ. Ông đã giao lại toàn bộ số phim chụp được bằng chiếc máy ảnh Lecia. Thế nhưng, “nhà quản lý” của ông đâu biết, 19 bức ảnh màu mà Ronald chụp bằng chiếc máy Nikon-F đã trở thành “nhân chứng sống” của vụ thảm sát. Ronald đã giữ lại những tấm ảnh vô giá ấy cho đến cuối năm 1969, ông mới cho công bố lần đầu trên Tạp chí Life, làm rúng động lương tri toàn thế giới.

Trong Bảo tàng Sơn Mỹ hiện nay, có một bức ảnh chụp một phụ nữ bị bắn vỡ đầu, miệng vẫn còn ngậm vành nón. Bà là mẹ của Trần Văn Đức, một nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát. Năm 2011, sau 43 năm im lặng, Ronald trở lại Sơn Mỹ và tặng chiếc máy ảnh đầy kỷ niệm cho Trần Văn Đức như một món quà rớm máu của đời ông.

“Bây giờ, chiếc máy ảnh này vĩnh viễn thuộc về anh!”, ông trao chiếc máy ảnh cho Đức rồi nói. Chợt trong đôi mắt xanh biếc của Ronald lăn ra hai giọt nước. Có lẽ sau hơn 40 năm, ông mới có dịp rơi nước mắt lần nữa trên mảnh đất đau thương này.

Trần Đăng

>> Thêm một cuốn sách về vụ thảm sát Mỹ Lai
>> Người Mỹ làm phim về vụ thảm sát Mỹ Lai
>> Người ngăn chặn cuộc thảm sát Mỹ Lai qua đời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.