Ông Tư Đáng hiền khô, vợ ông còn hiền hơn nữa! Hai vợ chồng được người trong ấp cưu mang giúp đỡ, có một mảnh đất nhỏ dựng nhà chòi ở, rồi cả ngày đi gặt mướn kiếm sống.
Ông Tư Đáng sống chan hòa với mọi người, hễ trong ấp có chuyện gì khó là xung phong đi giúp, nên ai nấy đều quý mến. Nhưng cái số không may khi vợ ông đột ngột mất sớm, để lại ông với sáu đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Nuốt nước mắt vô lòng, ông thành gà trống nuôi con. Dịp nọ người ta khuyên ông Tư Đáng đi thêm bước nữa nhưng ông tuyệt đối không chịu, nói rằng tụi nhỏ chỉ có một người má thôi nhen! Rồi trời thương khi con ông đều giỏi giang, cứ thế mà lớn lên thành tài. Ông tự hào lắm, ở cái tuổi xế chiều này đã có thể yên tâm sống vui vẻ.
2. Có đợt, ông Tư Đáng để ý trong ấp Dơi còn nhiều người già neo đơn không nơi nương tựa, nhìn vậy mà ông lại trầm tư suốt. Bữa nọ, một anh nhân viên sales từ công ty tôn đến quảng cáo sản phẩm, tư vấn rất nhiệt tình. Ông ngồi nghe được một chốc, liền gật gù mà rằng:
- Chú nói phải nhen, cái nhà đâu phải chỉ cần có bốn bức tường là xong, còn phải có mái nhà chắc chắn để che mưa che gió, cho người ta yên tâm sống. Tui cũng vừa manh nha ý nghĩ, xây một cái nhà khang trang chút đỉnh, lợp tấm tôn cho tốt tốt.
Anh nhân viên sales niềm nở hỏi, bác định xây nhà để dưỡng già ư? Ông Tư Đáng lắc đầu cười, con cháu tui ra riêng, giờ tui sống có mình ên, mất bao nhiêu đất đâu chú, cái nhà hiện tại tui đang ở được xây lại từ hồi vợ tui mất tới giờ! Tui ấy mà, muốn xây nhà mới là cho những người già neo đơn ở trong ấp Dơi này đó!
Vậy là xong! Một ngôi nhà khang trang đã được dựng lên. Bao nhiêu tiền con cháu làm ăn gửi về hiếu thuận, ông để dành cất đấy, giờ đem ra xây cái viện dưỡng lão cho người dân trong ấp với cái tên “Chiếc ô xanh”. Sau đó, bao nhiêu cụ già neo đơn cơ nhỡ không nơi nương tựa ở ấp Dơi đều kéo về đây sống. Ngày ngày cơm nước đầy đủ ba bữa, được chăm sóc tận tình, họ còn có thể bầu bạn tâm sự với nhau.
Lần đầu tiên nhìn thấy khung cảnh ấm cúng đó, ông Tư Đáng mừng rơi nước mắt, thế là từ giờ không còn cụ già nào phải lay lắt ngoài đường nữa, mà sẽ ở dưới mái nhà che mưa chắn gió này sống an ổn.
Người ta thắc mắc hỏi, sao phải đặt tên viện là “Chiếc ô xanh”? Ông Tư Đáng cười hiền, đôi mắt nhăn nheo già nua sáng bừng khi hồi tưởng:
- Hồi vợ chồng tôi mới tới đây, mọi người đều cưu mang giúp đỡ. Ơn nghĩa đó, tui nhớ mãi! Nhiều khi lòng tốt đâu cần gì to tát, chỉ cần khi trời mưa mà cho người ta cái ô để che khỏi bị ướt, đã là quý lắm thay!
Vừa nói, ông Tư Đáng vừa ngước nhìn ngôi nhà giản dị tràn đầy tình thương mà đối với ông chính là một “chiếc ô” lớn và kể từ giờ sẽ mãi che chở cho bao nhiêu mảnh đời già nua khỏi bị “ướt mưa”!
3.
Trong ấp Dơi có mẹ con bà Hai Lành. Bà mẹ năm nay ngoài sáu mươi, bị câm, hiền như cục đất. Riêng thằng con Tám Đinh thì chuyên đánh lộn có tiếng. Đợt kia nó hăng máu, vừa đi nhậu xỉn về đụng trúng người ta, liền rút dao đâm tại chỗ.
Người dân quanh đây vốn đã không ưa gì thằng quỷ đó, nay thấy nó đi tội thì hả dạ, lời bàn ra bàn vô còn ác chiến hơn! Và cái người suốt ngày phải lãnh lấy từng ánh mắt, từng lời nói căm ghét kia, dĩ nhiên là bà Hai Lành. Nhưng bà cứ im lặng chịu đựng, cho dù không bị câm thì bà cũng chẳng nói lại lời nào đâu vì cái tánh hiền ơi là hiền từ đó tới giờ rồi. Thậm chí mấy đứa nhỏ còn nghịch ngợm viết lên tường kiểu như “Tám Đinh ác ôn” hay “Thằng Đinh vô trại” đầy khắp các nẻo đường.
Ảnh minh họa |
shutterstock |
Cứ tới trưa nắng chói chang, người ta lại trông cảnh một bà già lưng còng lượm ve chai, mồ hôi nhễ nhại, đi lau những dòng chữ chửi rủa con trai bà! Người mẹ ấy câm lặng qua tháng năm, vì biết con mình xấu xa, giờ lại gây tội với đời, ai mà dung thứ...? Và y như rằng, lúc nào ông Tư Đáng cũng cầm cái nón lá đi tới, đội lên đầu cho bà, nhìn tấm lưng cong cong hệt cành khô chực gãy ấy, nói:
- Chị Hai đừng có lau nữa, kệ đi... Là thằng Đinh nó sai, bị người ta chửi. Nó bất hiếu, suốt ngày la mắng chị hoài, chị còn lo làm gì. Nghe lời tui, về nhà “Chiếc ô xanh” đi chị, chứ mình chị sống vầy sao mà khổ quá!
Khuôn mặt nhăn nhúm núp dưới chiếc nón lá, bà Hai Lành lắc đầu, miệng cứ ú ớ mấy từ vô nghĩa. Ông Tư Đáng thở dài, rồi bảo:
- Tui biết chị đó giờ không thích mang ơn người khác, thôi vậy cứ dăm ba hôm tôi kêu con Phụng đem ít gạo cho chị nhen!
Chắc có mỗi ông Tư Đáng là tận tình chăm lo cho bà Hai Lành. Cứ ít bữa, ông lại bảo đứa cháu gái Phụng mười tuổi, đem gạo qua cho bà, có khi là lương khô, hay chút mắm, muối. Bà Hai Lành ú ớ lắc đầu, còn đem đồ qua tận nhà trả lại ông mà bị ông càm ràm, bắt nhận cho bằng được!
4. Ông Tư Đáng mất. Ông mất đột ngột quá! Chẳng hề bệnh tật hay có dấu hiệu báo trước nào, chỉ vào buổi sáng đầu thu hơi se lạnh, ông cứ vậy ngủ một giấc rồi không tỉnh dậy nữa. Mấy đứa con hay tin liền chạy về, khóc la liệt trước cửa nhà. Rồi đám tang diễn ra. Người trong ấp Dơi tới dự tang đông lắm, họ thương cho người đàn ông đời trước lam lũ nuôi con, đến tuổi ngả bóng mà vẫn còn lo nghĩ cho mọi người.
Một cái dáng lưng cong cong quen thuộc chậm rãi bước vô nhà, ai nấy đang khóc than liền dừng lại, là bà Hai Lành. Bỏ cái bịch ve chai xuống đất, bà dòm dòm mọi người bằng đôi mắt lem nhem, như sợ bị chửi đánh. Nhưng tang lễ mà, đâu ai nặng nhẹ gì nữa! Thế là bà Hai Lành quỳ sụp xuống trước linh cữu ông Tư Đáng, cứ ngẩn ngơ như thể không tin vào sự thật, tiếp theo liền bật khóc.
Bà Hai Lành khóc lớn lắm, kèm theo những tiếng ú ớ. Âm thanh nức nở của một người câm mà chẳng thể nói ra niềm đau ở trong lòng bằng lời. Không ai ngờ bà khóc vậy. Ai nấy nghe rõ nỗi thương tâm đau đớn, như thể từ trong lồng ngực bà cuộn trào lên một cơn sóng dữ! Bà vừa lết vừa vạ vật khóc, run run giơ cánh tay gân guốc muốn chạm vào linh cữu ông Tư Đáng, nhưng bà không dám.
Người tới dự tang thắc mắc, bà Hai Lành sao khóc dữ vậy cà? Riêng con Phụng thì hiểu hết, bởi biết rõ cái chân tình quý giá giữa hai người già neo đơn với nhau. Nó chắc rằng, bà Hai Lành dù không thể nói cảm ơn ông ngoại nó, thế nhưng lòng bà vô cùng biết ơn ông! Nhìn cái cảnh bà cứ giơ tay về phía di ảnh ông ngoại mà con Phụng ứa nước mắt, vì nhớ ông từng nói “khi mình cần mà người ta đưa tay ra cứu giúp, đó mới là cái chơn quý”, và kể từ giờ sẽ không còn ông Tư Đáng vẫn thường đưa tay ra nắm lấy đôi tay bà Hai Lành nữa rồi...
5. - Con Phụng về! Con Phụng về kìa!
Tiếng lanh lảnh của cô Sáu Mơn từ ngoài vườn gọi vọng vào viện dưỡng lão “Chiếc ô xanh”, loáng cái mọi người đã chạy ra đón con Phụng đang bước lên bậc tam cấp, trên tay cầm bao nhiêu quà cáp, miệng cười tươi thật tươi.
- Mèn ơi dạo này con lâu về thế?
- Dạ chỗ tòa soạn con bận việc quá đó, cụ Lơn ơi!
- Bây có ăn uống đều độ không mà tau thấy bây ốm đi vậy con?
- Con khỏe mà bác Cả Điều. Cái chân bác hổm rầy đỡ chưa ạ?
Đó là mấy lời hỏi thăm nhau giữa con Phụng với các cụ già trong viện mỗi khi nó về thăm. Rồi con Phụng nhìn thấy một bà cụ lọm khọm từ nhà dưới bước lên chậm rãi, cô liền đặt quà xuống đất rồi tiến đến đặt tay lên bờ vai gầy nhom đó.
- Bà Hai Lành, con về rồi nè...
Đã ngoài bảy mươi, giờ bà Hai Lành lúc nhớ lúc quên, nhưng khi thấy khuôn mặt giống y ông Tư Đáng của con Phụng là bà nhận ra ngay, liền nắm tay đứa cháu gái mà cười trào nước mắt. Ánh mắt bà hệt như muốn hỏi, Phụng đó hử con... Ôm lấy bà, con Phụng gật đầu không nói thêm lời nào!
Ông Tư Đáng mất tới nay cũng mười lăm năm rồi, và cái viện dưỡng lão mà ông dành bao nhiêu tâm huyết tình cảm “Chiếc ô xanh” vẫn tiếp tục duy trì nhờ vào con cháu của ông. Lớn lên con Phụng làm ở tòa soạn báo, khi cô viết bài về viện dưỡng lão “Chiếc ô xanh” của ông ngoại thì các mạnh thường quân liền gửi thư về muốn chung tay góp sức. Thế là ngôi nhà bốn gian năm nào giờ đã được xây rộng ra thêm, càng nhiều cụ già neo đơn tìm đến tá túc. Bà Hai Lành nghe lời con Phụng, đã chịu về mái nhà chung ấy mà sống nốt quãng đời còn lại.
Phụng bôn ba nhiều nơi, dù đi tới đâu cô vẫn nhớ về cái viện này, nhớ nơi hàng ba lộng gió mà ông ngoại vẫn thường bắc ghế ngồi ngắm trời mây.
Đời đâu phải chỉ có tăm tối, tuyệt vọng.
Ngày mưa, chỉ cần cho người ta một chiếc ô để khỏi bị ướt…
Đời sẽ đẹp khi ta luôn thấy nó đẹp!
Bình luận (0)