Và như nhiều phiên chất vấn trước đó, mỗi lần những người đứng đầu ngành nhận trách nhiệm, người dân, báo giới và cả các đại biểu Quốc hội lại được một phen hoan hỉ. Nhiều đại biểu còn bày tỏ thất vọng khi không thấy bộ trưởng nhận trách nhiệm trong vấn đề chất vấn mình nêu ra. Có đại biểu thậm chí thẳng thắn khuyên bộ trưởng “trước mắt nên nhận trách nhiệm”.
Kỳ vọng của cử tri, người dân trước 2 tiếng trách nhiệm tại hội trường Diên Hồng là có lý do. Kể từ khi các phiên chất vấn tại Quốc hội được công khai thì việc các bộ trưởng nhận trách nhiệm không chỉ là câu chuyện nội bộ trong phòng họp nhà Quốc hội. Người dân kỳ vọng cùng với việc “nhận trách nhiệm”, cùng với những “xin hứa” sẽ là những hành động cụ thể tạo nên sự thay đổi thực sự trong các vấn đề mà bộ trưởng quản lý.
Đáp lại sự kỳ vọng ấy, những thuật toán thống kê cũng cho thấy từ khi các phiên chất vấn được công khai, các bộ trưởng, trưởng ngành nhận trách nhiệm, và hứa nhiều hơn trong mỗi phiên chất vấn. Thế nhưng đổi lại, người dân, cử tri cũng bắt đầu thất vọng nhiều hơn với những lần “nhận trách nhiệm” hay lời hứa của các tư lệnh ngành.
Cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước, mỗi lần được ngồi “ghế nóng”, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể lại được chất vấn về tiến độ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đã nhiều lần, Bộ trưởng Thể “nhận trách nhiệm”, “xin hứa” trước Quốc hội, cử tri nhưng dự án vẫn nhiều lần lỡ hẹn. Đến nay, sau 10 năm khởi công, cuối cùng đoàn tàu đã bắt đầu chạy, còn ông Thể đã cởi bỏ được trách nhiệm nặng nề với dự án.
Không chỉ Bộ trưởng GTVT, chiếc “phao” trách nhiệm cũng được nhiều bộ trưởng sử dụng một cách thuần thục để vượt qua “bài kiểm tra” chất vấn nhiều năm qua.
Chất vấn là hoạt động giám sát quan trọng và hiệu quả của Quốc hội khi các thành viên Chính phủ buộc phải giải trình về việc thực hiện trách nhiệm của mình. Chất vấn không nên dừng ở việc “truy” trách nhiệm suông, chỉ để hoan hỉ với việc các bộ trưởng “nhận trách nhiệm”. Cần phải có một cơ chế để giám sát, thậm chí chế tài, với những bộ trưởng, trưởng ngành “nhận trách nhiệm” hay “xin hứa” chỉ để cho có mỗi kỳ chất vấn.
Đó cũng là trách nhiệm mà cử tri chờ đợi ở Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Bình luận (0)