Khi lớp bóng kiếng cuối cùng được lột ra, tôi giật mình thấy chiếc phong bì. Trong đó có 150 ngàn đồng cùng dòng chữ: "Chúc cô ngày 20.11 vui vẻ, hạnh phúc". Tôi đứng lặng vì xúc động. Hình ảnh cậu học trò gầy tong teo hiện lên trước mắt.
|
Tối 20.11 mưa lất phất bay, gió rít bên tai từng cơn, trời trở lạnh như mùa đông miền Bắc. Tôi đóng cửa sớm và chuẩn bị đi ngủ, bỗng nghe như tiếng ai gọi ngoài cổng, chạy ra, thật bất ngờ khi thấy hai vợ chồng và một đứa bé. Nhìn kĩ, tôi mới nhận ra cậu bé Thanh, lớp trưởng 3C do tôi làm chủ nhiệm.
Thanh là một học sinh giỏi, chăm ngoan nhưng gia đình cậu bé quá nghèo. Hằng ngày đi học, em chỉ có mỗi một bộ đồ mặc hết ngày này đến ngày khác nên nhăn nheo và ngả màu cháo lòng trông thật tội. Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tôi biết được ba em đi biển nhưng thu nhập bấp bênh, mẹ bán đậu hũ và đau yếu quanh năm, lại phải nuôi 4 anh em đang ăn học. Ở trường có khoản tiền gì cần đóng góp, mẹ em thường lên tận lớp gặp tôi để xin khất đóng sau. Thương hoàn cảnh của em, mỗi khi ở trường có quà từ thiện, tôi luôn ưu ái dành cho em một phần. Tôi thường xin đồ, giày dép, cặp và sách giáo khoa cũ cho em. Nhìn em vui mừng trước những món đồ ấy, lòng tôi cứ se lại.
Mời ba mẹ Thanh vào nhà, sau vài câu chuyện xã giao, mẹ Thanh đưa tặng tôi một món quà được bọc giấy kiếng cẩn thận. Tôi thoáng bối rối và từ chối vì thấy ngại. Mẹ Thanh nói: “Gia đình luôn biết ơn vì cô đã đã giúp đỡ, dạy dỗ và yêu thương cháu hết lòng. Món quà này chả đáng là bao, cô cầm lấy cho gia đình em vui”. Nghĩ cũng phải nên tôi cám ơn và đón nhận món quà trong tâm trạng vô cùng xúc động.
Chỉ với việc đêm hôm mưa lạnh, cả gia đình lên nhà thăm và nói lời chúc mừng, tôi cũng đã thấy vui và hạnh phúc vô cùng. Tiễn gia đình em về, tôi để món quà lên giá sách vì chưa dùng tới. Ngày tháng trôi qua, cho đến một buổi sáng, cần một cuốn sổ để ghi chép, chợt nhớ ra món quà ba mẹ Thanh tặng hôm 20.11, tôi bóc giấy gói. Khi lớp bóng kiếng cuối cùng được lột ra, tôi giật mình vì thấy chiếc phong bì được xếp gọn gàng trong đó. Mở ra, tôi thấy 150 ngàn đồng cùng dòng chữ: "Chúc cô ngày 20.11 vui vẻ, hạnh phúc". Tôi đứng lặng trong ít phút vì quá xúc động, nước mắt trực trào ra, nghẹn đắng nơi cổ. Hình ảnh cậu học trò gầy tong teo hiện lên trước mắt. Số tiền này, với gia đình Thanh, tôi biết chắc là món tiền không nhỏ.
Có lần nghe mẹ em nói, cả gánh đậu hũ gánh quằn vai, đi rạc cả chân, ngày hên cũng chỉ kiếm được gần một trăm ngàn đồng, những ngày bị ế thì lỗ cả vốn, thường thì một ngày chỉ kiếm được dăm sáu chục ngàn là nhiều. Tôi thật sự bối rối không biết sử sự ra sao cho vẹn toàn. Trả lại cho em, chắc chắn ba mẹ em sẽ rất buồn…còn nhận thì lương tâm tôi không được thoải mái. Sau bao suy tính, tôi đã đến thăm nhà em và mua tặng cho em một bộ đồ đi học, 20 cuốn vở trắng cùng bộ sách giáo khoa lớp 4 để sang năm em sẽ học.
Món quà tri ân làm ấm lòng thầy cô giáo, không phải thể hiện ở giá trị vật chất, nó sẽ quý giá hơn nhiều khi người tặng không vì động cơ hay mục đích nào khác ngoài tấm lòng biết ơn thầy cô đã dạy dỗ con mình. Tôi luôn cảm thấy vui và hạnh phúc vì mình đã được phụ huynh yêu thương và trân trọng như thế.
Phan Tuyết*
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một giáo viên tiểu học ở Bình Thuận
>> Những người thầy lặng lẽ nơi trường cai nghiện ngày 20.11
>> 20.11: Cần xem lại cách chúng ta đang đối xử với người thầy
>> 20.11: Xin đừng ai tặng quà!
>> Giáo viên môn phụ chạnh lòng ngày 20.11
>> Xúc động tình cảm thầy trò ngày Nhà giáo
Bình luận (0)