Chàng trai "hóa" vỏ đầu bút bi thành mô hình robot, khủng long... đỉnh cao |
nvcc |
Đó là những con robot, khủng long… được làm từ đầu vỏ bút bi được “biến hóa” một cách điêu luyện và tinh tế. Sau khi đăng tải các tác phẩm của mình lên mạng xã hội, Nguyễn Đình Văn (20 tuổi, quê Trà Vinh) không khỏi bất ngờ bởi nhiều người đón nhận nhiệt tình. Đến hiện tại, những tác phẩm của Đình Văn nhận được hàng ngàn lượt yêu thích từ cộng đồng mạng và các bạn trẻ.
Từ ráp chơi ngẫu hứng đến những mô hình tinh xảo
Nguyễn Đình Văn chia sẻ anh bắt đầu làm các mô hình trên từ năm 2016. Tính đến nay, Văn sở hữu được hơn 10 mô hình lớn, nhỏ.
Trao đổi với với Báo Thanh Niên, chàng trai 20 tuổi thông tin, lúc đầu anh và một vài người bạn phổ thông của mình lấy phần nắp của cây bút bi bị hư hoặc hết mực để ráp lại chơi theo cách ngẫu hứng nhưng rồi mọi người lại bỏ đi sau đó.
“Thấy tiếc, tôi mới xin chúng về, những lúc buồn chán tôi đem ra xếp lại. Tôi còn dùng keo 502 kết nối chúng với nhau rồi lấy kiềm để cắt, tẩy các vết bẩn, mài dũa để mô hình trở nên giống với những con vật, robot… như hiện tại”, anh nói.
Những mô hình bằng đầu vỏ bút bi |
nvcc |
Văn cho hay để làm được mô hình phải trải qua nhiều khó khăn |
nvcc |
Văn nói tiếp: “Lúc đầu, tôi gặp khá nhiều khó khăn khi các sản phẩm tạo ra có bộ phận không đồng đều, lệch bố cục, các vết cắt vẫn còn thô sơ, mô hình bị dính keo. Đặc biệt, khi tôi lỡ tay làm rớt mô hình thì nó rã ra làm nhiều mảnh nhỏ”.
Các sản phẩm được Văn làm cẩn thận, chi tiết |
nvcc |
Theo chàng trai quê Trà Vinh, để tạo ra một sản phẩm, đầu tiên anh lên mạng xem và tải các hình ảnh liên quan đến mô hình, sản phẩm mình muốn làm, đồng thời phải tưởng tượng trong nhiều giờ để định hình các khớp.
Được biết, Văn thường lấy hình tượng các loài khủng long, côn trùng hay các nhân vật trong game hoặc trong phim ảnh để tạo nên một mô hình, sản phẩm.
"Hầu như các sản phẩm tôi làm đều là lần đầu tiên nên rất mới mẻ, bản thân phải tự suy nghĩ và tưởng tượng nhiều để tạo ra hình dáng", Văn bộc bạch.
Nguyễn Đình Văn đam mê với việc lắp ráp đầu vỏ bút bi |
nvcc |
Tiếp đến, Văn sẽ làm khung xương để mô phỏng sơ khai hình dáng của mô hình, sản phẩm mà mình làm.
Văn nói: "Bước này mất rất nhiều thời gian, tôi phải cắt nhỏ các nắp bút bi để dán chúng lại với nhau sao cho các chi tiết cứng, vững và tạo thành hình dáng mà tôi đang hướng đến. Sau cùng là tôi cân chỉnh và vệ sinh các lớp bụi bám lên mô hình".
Vì bận việc học nên mỗi ngày chàng trai 20 tuổi chỉ dành 2 - 3 giờ để "dựng" sản phẩm cỡ lớn, do đó thời gian hoàn thành chúng kéo dài rất lâu từ 4 tuần hoặc hơn. Còn các mô hình nhỏ, Văn làm liên tục khoảng 1 ngày thì xong.
Khủng long từ vỏ đầu bút bi |
nvcc |
Ra lò đốt rác của trường để tìm bút cũ
Ít ai biết rằng, thời gian đầu Đình Văn cũng nhận không ít nhiều lời khen, chê từ nhiều người khi chia sẻ hình ảnh của mô hình được làm bằng đầu vỏ bút bi lên mạng xã hội.
"Mô hình đầu tiên tôi làm không đẹp vì chưa có kinh nghiệm. Một số người đã vào bình luận và chê, có một câu mà họ nói lúc đó làm tôi rất buồn là "thà mua các món đồ chơi bên ngoài giá mấy chục ngàn còn đẹp hơn mày làm". Nhưng thay vì thất vọng tôi đã cố gắng không ngừng nghỉ mỗi ngày để tạo ra những sản phẩm đẹp nhất có thể từ đầu vỏ bút bi", Văn tâm sự.
Văn kể thêm: "Đến cuối hè và đầu lớp 12 tôi có làm 1 mô hình khủng long Ankylosaurus với dạng chuyển đổi của nó, không ngờ được mọi người đón nhận nhiệt tình vì khá giống với hình dạng bên ngoài. Đó cũng là một bước ngoặt lớn để tôi làm nhiều sản phẩm khác, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê này".
Sản phẩm Ankylosaurus của Văn |
nvcc |
Văn bộc bạch: "Hồi còn học phổ thông, tôi hay chờ mọi người ra về hết, rồi cùng nhóm bạn thân ra lò đốt rác của trường để tìm bút cũ. Với bút cũ, tôi phải vệ sinh rồi phơi nắng khi đem chúng về. Những cây bị trầy nhiều tôi sẽ làm các chi tiết bên trong sản phẩm, các cây bút mới, ít trầy tôi sẽ dán nó ở bên ngoài để che đi phần xấu".
"Hiện tại, mỗi sản phẩm tôi làm tốn khoảng 200 vỏ đầu bút bi. Ngoài việc đi xin viết cũ, khi thiếu nguyên liệu, tôi đã mua thêm viết mới. Vì chỉ lấy phần đầu bút để làm nên chúng vẫn còn sử dụng được bình thường", Văn chia sẻ.
Mỗi sản phẩm của Văn được chế tác khoảng 200 đầu vỏ bút bi |
Đình Văn đang là sinh viên Trường CĐ nghề Trà Vinh. Dù bận rộn nhiều việc, nhưng anh vẫn cố gắng sắp xếp thời gian dành cho đam mê với việc làm sản phẩm từ đầu vỏ bút bi.
"Tôi hy vọng, sau này bản thân có thể kiếm tiền từ những mô hình, sản phẩm được làm từ đầu vỏ bút bi. Tôi luôn hứa với mình sẽ đưa các cây bút bi lên một tầm cao mới để mọi người chú ý tới nó hơn", Văn nói.
Hãy cùng chiêm ngưỡng một số sản phẩm khác làm từ đầu vỏ bút bi của Nguyễn Đình Văn.
Thích thú trước độ đẹp - độc - lạ
Không chỉ thả tim, Trần Thị Tuyết Mai (19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM còn "khen lấy khen để" với các tác phẩm của anh Văn.
Mai chia sẻ: "Thật không ngờ đây là sản phẩm làm từ vỏ đầu bút bi... nhìn nó rất là tinh tế, sống động. Em nghĩ tất cả mọi người lần đầu thấy cũng phải bất ngờ và thích thú trước độ đẹp - độc - lạ của các sản phẩm này".
"Đỉnh cao" hay "Tuyệt phẩm" là mỹ từ của anh Lê Hồng Sơn (26 tuổi, ngụ hẻm 451 Tô Hiến Thành, P.14, Q.10, TP.HCM) dành cho bộ sưu tập từ đầu vỏ bút bi của Đình Văn. "Khi biết những tác phẩm này được làm từ một đầu vỏ bút bi thì mình bất ngờ. Thật sự nó rất đẹp, chỉ có những người đam mê và rất tỉ mỉ mới làm được thôi", anh Sơn nói.
Bình luận (0)