Chiêm ngưỡng cây đa di sản Sơn Trà 800 tuổi vạn người mê

30/07/2022 10:46 GMT+7

Dù nằm ở khu vực khá hẻo lánh của bán đảo nhưng cây đa di sản Sơn Trà (Q.Sơn Trà, TP. Đà Nẵng ) vẫn hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan mỗi ngày vì vẻ đẹp hiếm có của nó.

Theo hồ sơ được công nhận là Cây Di sản VN vào năm 2014, cây đa nằm ở tiểu khu 63 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà được gọi tên là Cây đa núi cao, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Còn người dân địa phương và du khách thì quen gọi tên cây đa này là cây đa di sản Sơn Trà. "Từ khóa" này khá hot và du khách thường xuyên tìm kiếm mỗi khi có dịp đến tham quan thành phố biển Đà Nẵng.

Cây đa di sản Sơn Trà không khác gì một khu rừng nhỏ với thân chính cùng những rễ phụ đã phát triển thành những thân cây nhỏ

hoàng sơn

Báo cáo Xác định tuổi và đánh giá tăng trưởng Cây đa núi cao bán đảo Sơn Trà do các chuyên gia của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN thực hiện, cho biết qua khoan tăng trưởng thân cây, xác định cây đa này có tuổi đời khoảng 800 năm tuổi.

Từ trung tâm TP.Đà Nẵng, du khách đi dọc con đường Hoàng Sa hướng về bán đảo Sơn Trà. Đến đây, chỉ cần men theo tuyến đường du lịch Bãi Bắc - Ghềnh Đá - Mũi Nghê. Khi đến ngã ba Bãi Bắc, đi thêm khoảng 3,5 km, hiện ra trước mắt là cây đa đang sải cành về hướng biển.

Con đường dẫn đến cây đa 800 năm tuổi khá trắc trở nên người dân và du khách cần chọn xe máy số, tuyệt đối không dùng xe tay ga để di chuyển đến tham quan gốc đa

hoàng sơn

Lại gần, nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi chứng kiến gốc đa cao khoảng 25 m, chu vi thân cây đến 5-6 người ôm. Bộ rễ chính rộng đến hàng trăm mét vuông. Đặc biệt, mỗi cành cây vươn ra xa đều có các rễ phụ đâm xuống đất để làm "bệ đỡ" trông rất lạ mắt. Qua kiểm đếm của ngành chức năng, cây đa có khoảng 10 rễ phụ. Nhiều rễ nhỏ khác cũng đang vươn mình xuống đất giúp cân bằng thân cây.

Sinh trưởng đã 8 thế kỉ qua, cây đa di sản Sơn Trà hiện đang có xu hướng phát triển về phía biển

hoàng sơn

Những ngày hè nóng nực này, người dân và du khách tìm về gốc đa để tham quan càng đông hơn. Bởi đến đây, ngoài việc được tha hồ ngắm cảnh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của gốc đa, mọi người ai cũng có cảm giác thoải mái vì được hít thở khí trời mát mẻ.

"Với tán xòe rộng bao phủ cả một góc rừng, ngồi dưới gốc đa cứ có cảm giác mát lạnh như như ngồi điều hòa vậy. Ngồi tán cây, nắng không tới đầu, tôi thỏa thích chụp ảnh và đọc sách", chị Lê Thị Nga (du khách đến từ Huế) chia sẻ.

Du khách thích thú tham quan và nghỉ ngơi dưới tán cây đa

hoàng sơn

Đặc biệt, nhiều du khách thích thú khi thời điểm này, cây đa di sản Sơn Trà đang cho trái chín vàng rộ cả tán cây. Nếu đến gốc đa vào những lúc yên tĩnh, vắng người sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh voọc chà vá chân nâu – loài vật được mệnh danh là "nữ hoàng linh trưởng", một động vật đặc hữu của bán đảo Sơn Trà chuyền cành về ăn trái.

Thanh Niên xin mời quý độc giả chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây đa di sản Sơn Trà – một "chứng nhân" lịch sử của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng, một điểm đến du lịch trở thành niềm tự hào của người dân địa phương:

Dọc đường đến tiểu khu 63, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà tham quan gốc đa, người dân tha hồ ngắm cảnh bên núi, bên biển cực kỳ hữu tình

hoàng sơn

Cây đa hiện ra trước mắt là đại thụ có dáng đứng đặc biệt với cành nhánh, rễ phụ sum suê

hoàng sơn

Gốc chính của cây đa di sản Sơn Trà có chu vi rất rộng cùng hình thù lạ mắt

hoàng sơn

Rễ cây đa phát triển mạnh và bao trùm cả khu đất rộng hàng trăm mét vuông. Người dân thường ghé lại chiêm ngưỡng từng rễ vì sự độc đáo của nó

hoàng sơn

Dưới bóng đa già, nhiều người sẽ được nghe kể những câu chuyện lịch sử xung quanh gốc cây này. Hồ sơ đăng ký Cây Di sản VN đã nêu nhiều giá trị văn hóa lịch sử của cây đa Sơn Trà. Từ xa xưa, bán đảo Sơn Trà đã có vị trí chiến lược quân sự hết sức quan trọng

hoàng sơn

Trong những năm đầu của thế kỷ 19, các vị vua triều Nguyễn đã cho lập pháo đài phòng thủ, đài quan sát ở đây. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1858 và đế quốc Mỹ năm 1965, bán đảo Sơn Trà trở thành căn cứ địa cách mạng quan trọng của quân dân Đà Nẵng

hoàng sơn

Vị trí cây đa Sơn Trà được lực lượng tự vệ, dân quân tự vệ, biệt động thành chọn làm nơi ẩn nấp, tụ họp để trao đổi thông tin trong 2 cuộc kháng chiến

hoàng sơn

Những rễ phụ của gốc đa cắm chặt xuống đất tạo nên thế vững chắc cho cây đa. Nhìn toàn cảnh cây đa không khác gì một ngôi nhà cao lớn với nhiều cột chống cao

hoàng sơn

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.Đà Nẵng, cho rằng "cây đa di sản đầu tiên của Đà Nẵng” do ai trồng hay mọc tự nhiên là điều chưa thể khẳng định. Tuy nhiên, đầu thập niên 70 thế kỷ 18, khu vực bán đảo Sơn Trà đã có cư dân Đại Việt sinh sống, gắn với quá trình Quảng Nam mở cõi, khẩn đất lập làng hàng trăm năm trước

hoàng sơn

Ngày nay, cây đa di sản Sơn Trà thu hút ngàn hàng lượt khách tham quan mỗi ngày bởi sự hấp dẫn từ dáng đứng bề thế của nó

hoàng sơn

Mùa này, cây đa di sản Sơn Trà đang kết trái với những chùm màu vàng rất đẹp. Đây cũng chính là thứ thức ăn yêu thích voọc chà vá chân nâu. Cây đa cũng là nguồn sống của loài linh trưởng đặc hữu Sơn Trà

hoàng sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.