Theo đó, đúng 0 giờ ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn (tức ngày 10.2), hàng vạn người dân TP.HCM cũng như du khách đã có mặt ở khu vực bến Bạch Đằng và phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1), cùng chiêm ngưỡng màn pháo hoa tầm cao đón giao thừa.
Chật kín người ngồi quây quần ở khu vực công viên bến Bạch Đằng chờ chiêm ngưỡng màn pháo hoa đón giao thừa Tết Giáp Thìn với nhiều hy vọng
Đúng 0 giờ, pháo hoa bắt đầu rực sáng bầu trời TP.HCM trong tiếng hò reo của người dân và du khách. Trong suốt 15 phút, nhiều người không rời mắt trước những màn pháo hoa, nhiều người lấy điện thoại ghi lại khoảnh khắc rực rỡ ngày đầu năm
"Càng về cuối, pháo càng hoành tráng và bắn liên tục. Không uổng công mình ngồi 3 tiếng đồng hồ để chờ đợi pháo hoa. Năm nào mình cũng ra đây ngắm để hy vọng năm mới cũng rực rỡ như pháo hoa vậy!", chị Ái Nguyên (ngụ Q.12) bày tỏ
Dù có 11 điểm bắn pháo hoa khác nhau dịp tết năm nay, song điểm bắn từ đầu đường hầm vượt sông Sài Gòn (TP.Thủ Đức) với góc nhìn từ công viên bến Bạch Đằng (Q.1) vẫn thu hút sự quan tâm đông đảo của người dân thành phố
Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, TP.HCM bắn pháo hoa tại 11 điểm, bao gồm 2 điểm tầm cao, 9 điểm tầm thấp, trải đều ở khu vực nội thành và ngoại thành. Cụ thể, 2 điểm tầm cao được bố trí tại đầu đường hầm vượt sông Sài Gòn (TP.Thủ Đức) và khu tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (H.Củ Chi).
Còn 9 điểm tầm thấp gồm: công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11), khu truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (H.Bình Chánh), quảng trường Rừng Sác (H.Cần Giờ), đền tưởng niệm Bến Nọc (TP.Thủ Đức), công viên văn hóa Q.Gò Vấp, khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (H.Hóc Môn), quảng trường trung tâm hành chính Q.7, công viên khu dân cư Bình Trị Đông (Q.Bình Tân), nhà văn hóa H.Củ Chi.
Trong tiếng pháo hoa rợp trời, nhiều người dành cho nhau những lời chúc năm mới tuyệt vời nhất, mong những điều tốt đẹp chờ đón phía trước
Bình luận (0)