Chiêm ngưỡng sâm Ngọc Linh quý hiếm - 'Quốc bảo của Việt Nam'

15/09/2019 10:24 GMT+7

Dưới những tán rừng nguyên sinh trên đỉnh Ngọc Linh có một loại cây mà đồng bào Xê Đăng xem như báu vật, đó là sâm Ngọc Linh. Giờ đây, sâm Ngọc Linh đã được coi là “Quốc bảo của Việt Nam”.

Khoảng 10 năm trở về trước, lá sâm Ngọc Linh vẫn còn là một thứ rất thường, nhiều khi người dân bản địa còn đem cho... heo ăn. Nhưng nay đã hoàn toàn khác xưa, giá sâm Ngọc Linh tăng chóng mặt. Đến nay sâm Ngọc Linh đã mang một tầm giá trị mới. Từ những cây mọc dại ở tự nhiên trong rừng già, đến nay đã mang thương hiệu “Quốc bảo của Việt Nam”.

Ngọc Linh là một trong những dãy núi đẹp và huyền bí mà nhiều người muốn khám phá, quanh năm mây mù bao phủ. Nơi đây cảnh sắc đẹp tuyệt vời với những khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi, không khí trong lành, quanh năm mát mẻ. Đặc biệt, dãy Ngọc Linh vắt ngang tỉnh Quảng Nam và Kon Tum còn có sản vật hết sức quý hiếm, chính là sâm Ngọc Linh

ẢNH: TUẤN TÚ

Sâm Ngọc Linh thích hợp với nhiệt độ ban ngày từ 20°C-25°C, ban đêm 15°C-18°C, có thể sống rất lâu, thậm chí trên 100 năm, và đặc biệt sinh trưởng khá chậm. Vào đầu tháng 1 hàng năm, sâm xuất hiện chồi mới sau mùa ngủ đông. Từ tháng 4 đến tháng 6, cây nở hoa và kết quả. Tháng 7 bắt đầu có quả chín và kéo dài đến tháng 9. Cuối tháng 10, phần thân tàn lụi dần, lá rụng, để lại một vết sẹo ở đầu củ sâm và cây bắt đầu giai đoạn ngủ đông hết tháng 12

Ảnh: Tuấn Tú

Quả cây sâm Ngọc Linh mọc tập trung ở trung tâm của tán lá, dài độ 0,8 cm-1 cm, rộng khoảng 0,5 cm-0,6 cm, sau hai tháng bắt đầu chuyển từ màu xanh đến xanh thẫm, vàng lục, khi chín ngả màu đỏ cam với một chấm đen không đều ở đỉnh quả. Mỗi quả chứa một hạt, một số quả chứa 2 hạt, và số quả trên cây bình quân khoảng 10 đến 30 quả

Ảnh: Tuấn Tú

Nghiên cứu đã chỉ ra thân và rễ củ sâm Ngọc Linh chứa 52 saponin triterpen có tính kháng khuẩn, kháng ung thư, axid béo…

Ảnh: Mạnh Cường

Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam từng băng rừng, lội suối đi bộ hàng giờ để vào đến các vườn sâm nằm trên đỉnh Ngọc Linh

Ảnh: Tuấn Tú

Cây sâm được phát hiện ở độ cao từ 1.200 m trở lên, đạt mật độ cao nhất ở khoảng từ 1.700-2.000 m dưới tán rừng già; có dạng thân khí sinh thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím, nhỏ, có đường kính thân độ 4-8mm, thường tàn lụi hàng năm, tuy thỉnh thoảng cũng tồn tại một vài thân trong vài năm

Ảnh: Mạnh Cường

Huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) không chỉ có bảo vật quốc gia là giống sâm trên đỉnh Ngọc Linh, mà ở đó còn có những cảnh đẹp khiến người ta mê mẩn

Ảnh: Tuấn Tú

Một cây sâm tự nhiên mọc ngay trên thân cây gỗ cổ thụ dưới cánh rừng già trên đỉnh Ngọc Linh

Ảnh: Mạnh Cường

Đỉnh núi Ngọc Linh cao hơn 2.500 m nằm trên dãy Trường Sơn, trải dài ở 3 tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum và Quảng Nam. Phía Quảng Nam thuộc xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, ở đó người dân trồng sâm dưới những cánh rừng cổ thụ. Núi Ngọc Linh cách trung tâm huyện Nam Trà My hơn 10 km. Để khám phá ngọn núi này, du khách phải cuốc bộ, leo những dốc dựng đứng

Ảnh: Tuấn Tú

Những kho chứa thóc của người dân Xê Đăng trên dãy núi Ngọc Linh, nơi có sản vật quốc gia ngự trị

Ảnh: Tuấn Tú

Cây sâm góp phần rất lớn phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương thời gian qua. Đây được xem là tín hiệu tích cực, tạo điều kiện thay đổi cách nghĩ, cách làm, góp phần vào quá trình nâng cao chất lượng đời sống đồng bào tại Nam Trà My

Ảnh: Mạnh Cường

Để bảo vệ an ninh cho vườn sâm, nhiều người đã lắp camera để quan sát nhằm phòng tránh người khác đột nhập nhổ trộm sâm

Ảnh: Mạnh Cường

Những năm qua, dù chưa đến mức độ báo động nhưng tình trạng người dân và doanh nghiệp tham gia trồng hạt để tạo giống sâm con không rõ nguồn gốc đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Vì thế, việc quản lý chặt chẽ giống sâm quý cũng là một trong những vấn đề hết sức cần thiết, nhằm ngăn chặn hiện tượng giống sâm ngoại lai có cơ hội tồn tại ở “thủ phủ sâm Ngọc Linh”.

Ảnh: Mạnh Cường

Du khách nước ngoài khám phá các vườn sâm trên đỉnh Ngọc Linh

Ảnh: Mạnh Cường

Lo lắng trước tình trạng dịch bệnh ở sâm giống đang ngày trở nên phức tạp và có xu hướng lan rộng, chính quyền và người trồng sâm ở Nam Trà My đang nỗ lực tìm cách ngăn ngừa giúp “thủ phủ Ngọc Linh” được an toàn

Ảnh: Mạnh Cường

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My cho hay, không ai khác, việc phòng ngừa dịch bệnh trên cây sâm, bảo tồn củ sâm chất lượng, cũng như ngăn chăn tình trạng đưa sâm giống ngoại lai vào trồng xen kẽ với sâm Ngọc Linh, phải do cộng đồng người trồng sâm Nam Trà My thực hiện. Muốn làm điều đó, trước hết phải tập trung công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để người dân thấy rõ trách nhiệm của mình với giá trị của cây sâm, chung tay giữ vững thương hiệu “Quốc bảo của Việt Nam"

Ảnh: Mạnh Cường

Những cây sâm có tuổi đời từ 10 - 15 tuổi được trồng trên đỉnh Ngọc Linh. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My cho hay, đánh giá từ cơ quan chuyên môn, trên cây sâm đang xảy ra dịch bệnh rỉ sắt và lở cổ rễ, trong đó bệnh lở cổ rễ là nguy hại nhất, chủ yếu xuất hiện và gây bệnh ở cây con trong vườn ươm. Thời gian qua, bệnh này đã làm chết hàng loạt cây con giống tại một số vườn ươm ở các thôn 3 (xã Trà Cang) và thôn 2, thôn 3 (xã Trà Linh), gây thiệt hại rất lớn về kinh tế của đồng bào Xê Đăng

Ảnh: Mạnh Cường

Trước sự tác động mạnh mẽ từ nhiều phía, cây sâm của đỉnh núi thiêng Ngọc Linh đang đứng trước những nguy cơ rủi ro về chất lượng sâm giống, sâm củ cũng như dịch bệnh cây sâm và an ninh trật tự

Ảnh: Mạnh Cường

Thân rễ có đường kính 1-2 cm, mọc bò ngang như củ hoàng tinh trên hoặc dưới mặt đất độ 1-3 cm, mang nhiều rễ nhánh và củ. Các thân mang lá và tương ứng với mỗi thân mang lá là một đốt dài khoảng 0,5-0,7 cm, tuy sâm chỉ có một lá duy nhất không rụng suốt từ năm thứ 1 đến năm thứ 3, và chỉ từ năm thứ 4 trở đi mới có thêm 2 đến 3 lá

Ảnh: Mạnh Cường

Nam Trà My được biết đến là thủ phủ của sâm Ngọc Linh

Ảnh: Tuấn Tú

Hiện vào mùng 1 hàng tháng, phiên chợ sâm Ngọc Linh được mở tại trung tâm huyện, giá dao động loại 30 củ/kg khoảng 60-80 triệu đồng; loại 10 củ một kg giá 80-100 triệu đồng. Riêng lá sâm tươi 5,5-6,5 triệu đồng mỗi kg.

Ảnh: Mạnh Cường

Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, thị trường tiêu thụ sâm Ngọc Linh khắp mọi tỉnh thành trên cả nước và cả nước ngoài.
Trước đó, phát biểu tại lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 3, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng giá trị của sâm Ngọc Linh không chỉ ở quy mô địa phương, mà đã lan tỏa cả nước và thế giới.
Để làm tốt công tác bảo tồn, phát triển giống sâm quý, bên cạnh chủ động hợp tác với các cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam và quốc tế trong việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nâng tầm các vườn sâm quy mô của Nhà nước, cần xây dựng khu vực sản xuất hạt giống, cây sâm con đạt chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu chất lượng giống sâm hiện nay.
Đồng thời huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư các thiết bị máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm tạo ra các giống sâm vô tính và hữu tính, phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen sâm Ngọc Linh quý hiếm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.