Chiêm ngưỡng tượng Phật A Di Đà thời Lý từng bị mất trộm phần đầu

18/02/2024 18:20 GMT+7

Bức tượng Phật A Di Đà vô cùng quý hiếm mang giá trị lịch sử, văn hóa thời Lý đã từng bị kẻ gian lấy cắp phần đầu; sau nhiều tháng, người dân phát hiện phần đầu bức tượng bị vứt bỏ lăn lóc nơi nghĩa địa.

Tượng Phật A Di Đà được thờ tại chùa Ngô Xá (tên chữ là "Phi Lai tự, thôn Ngô Xá, xã Yên Lợi, H.Ý Yên, tỉnh Nam Định). Tượng có chiều cao tổng thể 200 cm, gồm phần tượng và bệ tượng, được làm bằng đá nguyên khối, màu xám, thô ráp (đá cát).

Chiêm ngưỡng tượng Phật A Di Đà thời Lý từng bị mất trộm phần đầu- Ảnh 1.

Tượng phật cao 92 cm, rộng 72 cm, đường kính bệ sen 76 cm được tạc bằng đá nguyên khối

CÙ HIỀN

Phần tượng phật cao 92 cm, rộng 72 cm, đường kính bệ sen 76 cm được tạc bằng đá nguyên khối, sơn thếp vàng, ngồi trong tư thế thiền định, hai đầu gối khuỳnh rộng, thế ngồi hơi dướn mình ra phía trước. Đầu và thân tượng ghép với nhau bằng mộng (có thể tháo rời).

Khuôn mặt phật và dáng hình bức tượng là nam giới, tóc xoắn ốc, giữa đỉnh đầu có một khối u nổi (nhục khấu), tai giống người thực, to nhưng không chảy. Khuôn mặt hình trái xoan, mắt nhìn xuống, sống mũi thẳng, nhân trung lớn có hai vòng tròn ở hai bên, miệng mím nhẹ, cổ cao ba ngấn.

Thân tượng thon, bụng mảnh dẹt, mặc pháp y với hai lớp áo mỏng bó sát người, xếp thành nhiều nếp. Thân tượng liền khối với cổ bệ. Cổ bệ hình tròn dẹt, 2 mặt trên dưới phẳng, xung quanh chạm nổi 2 con sư tử trong tư thế nhìn nghiêng, miệng cùng ngậm chung một viên ngọc, đuôi chụm nâng hình lá đề. Toàn bộ tượng còn nguyên vẹn.

Phần bệ tượng cao 108 cm được chia thành 2 phần. Phần thứ nhất là đài sen dùng để đặt tượng. Đài sen hình tròn dẹt, mặt ngoài tạo 2 lớp cánh sen nổi ôm sát nhau. Lớp cánh trên to mập, cứ một cánh to xen một cánh nhỏ. Lớp dưới cánh dài nhỏ, bố trí so le với lớp trên. Trên mặt các cánh sen chạm nổi hình một đôi rồng chầu, thân hình mềm mại, đầu hướng lên trên, với các chi tiết hoa văn dày đặc được chạm đục tinh tế.

Phần thứ 2 là chân bệ, mặt hình bát giác, khối hình chóp cụt, gồm 2 bộ phận ghép với nhau. Nửa trên phần sát với cổ bệ chạm nổi một bông sen 2 lớp cánh lật úp, tiếp đến là các tầng bát giác giật tam cấp, cứ một mặt to xen một mặt nhỏ, mặt đứng chạm đôi rồng đuổi nhau, mặt nằm chạm hoa cúc dây hình sin; nửa dưới có đế bằng, thân tạo 2 tầng, chạm nổi hoa văn sóng nước.

Đây là một trong hai pho tượng phật thời Lý bằng đá còn nguyên vẹn của Việt Nam tính đến nay, không chỉ có giá trị đặc biệt về nghệ thuật chạm khắc thời Lý mà còn là minh chứng đặc biệt để nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc, vị thế của Bảo tháp Chương Sơn trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam thời Lý. Đồng thời cũng là cơ sở để nghiên cứu, đối chiếu, so sánh giữa nền mỹ thuật thời Lý với các giai đoạn trước và sau đó.

Chiêm ngưỡng tượng Phật A Di Đà thời Lý từng bị mất trộm phần đầu- Ảnh 2.

Phần bức tượng Phật A Di Đà cao 92 cm, bệ tượng cao 108 cm

CÙ HIỀN

Ngày 30.12.2013 tượng Phật A Di Đà được công nhận bảo vật quốc gia.

Theo ông Hoàng Văn Cương, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, do đầu tượng được khớp nối với thân bởi mộng và ngõng, có thể tháo rời, nên năm 2000, đầu tượng đã bị kẻ gian lấy cắp. Lực lượng chức năng truy lùng khắp cả nước, kiểm soát chặt các cửa khẩu để tìm lại bảo vật nhưng không tìm thấy.

Gần 1 năm sau, người dân bất ngờ phát hiện phần đầu tượng bị lấy cắp bị vứt rơi lăn lóc tại nghĩa địa xã Yên Lợi, vẫn được bọc cẩn thận trong tấm vải đỏ.

Theo các nhà khảo cổ học, chỉ có pho tượng Phật A Di Đà của chùa Ngô Xá đủ tư cách đại diện cho điêu khắc nhân dạng Phật giáo thời Lý, vì duy nhất tượng này còn nguyên vẹn, chưa có một vết nứt vỡ nào. Các pho tượng Phật khác thời Lý đều không còn nguyên vẹn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.