Chiến binh của những chiến dịch tình người

Hầu hết phóng viên Thanh Niên tại các văn phòng đại diện đóng trên khu vực miền Trung đều là người bản địa.

Mỗi khi “đòn gánh miền Trung” oằn mình vì bão lũ thì cùng với những tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các nhóm thiện nguyện và đồng bào cả nước..., Thanh Niên và bạn đọc Thanh Niên luôn là người “đi trước về sau” trong những “chiến dịch” mang tên Tình người này.
1. Hầu hết phóng viên Thanh Niên tại các văn phòng đại diện đóng trên khu vực miền Trung đều là người bản địa. Họ sinh ra, lớn lên, đi học rồi trở về làm việc ngay chính quê hương, vì thế, mỗi khi miền Trung “trở trời hơi gió” họ đều cảm nhận được như cảm nhận từ chính bản thân mình: “Đến hẹn”, bão lũ “lại lên”.
Nếu như phóng viên chỉ với nhiệm vụ đi tác nghiệp trong bão lũ đã là một chuyện khó khăn, nguy hiểm, thì phóng viên ở miền Trung không chỉ dừng lại ở đó, họ thực sự trở thành những “chiến binh” đúng nghĩa của từ này.

tin liên quan

Thương lắm miền Trung quanh năm mưa lũ
Sự biến đổi khí hậu đã và đang chứng minh sức mạnh hoang dã của nó. Miền Trung lại một lần nữa oằn mình hứng chịu và chống chọi với mưa lũ.
Nói thế là vì, khi có bão lớn, lũ dâng, là khi Báo Thanh Niên, như một phản xạ tự nhiên, có mặt ở những nơi khó khăn nhất để giúp đỡ người dân trong cơn hoạn nạn. Những lúc đó, phóng viên vừa là người kết nối với địa phương chuyển hàng cứu trợ đến tận tay bà con, vừa là người lấy thông tin, chụp ảnh, quay clip, viết bài với tất cả các thể loại cho một tòa soạn truyền thông đa phương tiện, không chỉ về cứu trợ mà cả những vấn đề thời sự.
Tất cả phải diễn ra cùng lúc, tất cả phải nhanh nhạy và chính xác, chính xác và chặt chẽ như khi mang một phần quà đến cho người đứng trên nóc nhà, trên ngọn cây tránh lũ, làm sao để họ có chiếc bánh mì không bị ngậm nước dùng lót dạ mà chiếc thuyền chòng chành mình đang đứng không bị lật vậy.
Hầu như năm nào các tỉnh miền Trung cũng bị bão lũ, dù lúc lớn, lúc nhỏ khác nhau, nhiều năm (như 2008, 2010, 2013, 2016) mỗi đợt, anh em phóng viên phải đi 40 ngày trời ròng rã mới trở về lại cơ quan. Họ đã đặt chân đến hầu hết các bản làng xa xôi nhất, đường đi nguy hiểm nhất và họ có nhiều người quen nhất, rất khó để có ai có thể sánh bằng.
Phóng viên Trương Quang Nam với học sinh vùng lũ Quảng Bình
2. Tôi được Ban Biên tập Báo Thanh Niên giao phụ trách Văn phòng đại diện tại miền Trung. Vì có tham gia giảng dạy ở các trường đại học nên phóng viên gọi bằng thầy.
Trong số sinh viên và có thể gọi là “lính” của tôi có Nguyễn Phúc, thường trú tại Quảng Trị. Bình thường, tôi vẫn coi Phúc như học trò, như con cháu nên đôi khi cũng nạt nộ ra trò. Nhưng trong thâm tâm thì rất thương và quý Phúc. Dù còn trẻ và vào công tác ở báo mới chỉ vài năm nhưng Phúc là người rất nhanh nhạy, nhiệt tình và có trách nhiệm. Mỗi khi có bão lũ, chuyện gì giao cũng được Phúc hoàn thành xuất sắc.
Đợt lũ lớn ở Quảng Bình vừa rồi, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, bạn đọc thông qua Thanh Niên ủng hộ đồng bào miền Trung rất nhiều, để kịp thời đưa quà đến tận tay bà con, tôi điều Nguyễn Phúc từ Quảng Trị, Hoàng Sơn, Trần Ngọc Đức từ Đà Nẵng ra cùng Trương Quang Nam ở Quảng Bình và tôi chia làm nhiều mũi đi cứu trợ.
Nguyễn Phúc đã phải đưa vợ và hai đứa con còn nhỏ, một đứa đang bị ốm ra Đồng Hới gửi nhà bà con. Hằng ngày, Phúc chạy đôn chạy đáo, sáng Quảng Bình, chiều Quảng Trị sáng hôm sau lại Quảng Bình...
Không chỉ lấy thông tin, chụp ảnh, quay clip, viết bài với tất cả các thể loại mà còn kết nối với địa phương tổ chức phát quà, lo chứng từ thanh toán một cách rất chặt chẽ theo quy định của cơ quan, tối về còn thức chăm con. Đó là một khối lượng công việc cực lớn nhưng cậu ta chưa bao giờ tỏ ra mệt mỏi mà ngược lại, tràn đầy năng lượng. Trên cả phương diện làm sếp và làm thầy, tôi đều tự hào về Phúc.
Đợt lũ vừa rồi cũng rất đáng nhớ. Anh em cứu trợ được 5 ngày thì Trương Quang Nam, phóng viên thường trú Quảng Bình làm lễ hỏi vợ. Nam khá “kén chọn” nên hay bị chọc là ế, 34 tuổi, ngày hỏi vợ đã định, rất quan trọng, thế nhưng cận ngày rồi vẫn đi cứu trợ, chỉ xin nghỉ một ngày rồi lại tiếp tục đi.
Mà lễ hỏi cũng đâu được yên, vì Nam là phóng viên địa bàn nên chuyện gì anh em cũng phải điện thoại hỏi cả. Tự nhiên tôi thấy mình như là người có lỗi, may thay khi gặp, gia đình và cô dâu vẫn tươi roi rói. Chắc họ cũng quý Nam vì lẽ đó.
Mấy “đứa nhỏ” văn phòng miền Trung đều thế. Mỗi khi đi cứu trợ, thầy trò, anh em ngủ chung phòng, ngày đi mệt nên đêm đứa thì ngáy, đứa thì nghiến răng, đứa thì sợ ma không cho tắt điện... đủ cả. Ngọc Trí ngáy cứ ngáy, Nguyễn Tú viết bài cứ viết, đứa kiểm tra tiền bạc chứng từ cứ làm... Chẳng ai có khái niệm thời gian.
Năm 2013, đang đi cứu trợ Quảng Bình vì bão lớn, lũ to, sắp xong thì bão ập vào Quảng Nam, anh em, thầy trò lại chạy vào. Đang cứu trợ Quảng Nam được vài hôm thì Quảng Bình bị lũ chồng, phải chạy ra. Nguyễn Khoa Thị Tuyết (Tuyết Khoa) vốn ngồi lên ô tô là nôn thốc nôn tháo, sau đợt đó “bỗng dưng hết huệ” (huệ là từ phát âm giọng Huế, dùng chỉ sự... nôn).
Phóng viên Nguyễn Phúc trong chuyến cứu trợ tại Quảng Trị
3. Kỷ niệm về bão lũ thì chẳng có ai vui, tôi lại càng không vui. Hai năm liên tục được Ban Biên tập cử chỉ huy cứu trợ mà chúng tôi nói với nhau là “chiến dịch” Tình thương thì một năm mạ tôi, một năm ba tôi qua đời.
Còn nhớ, năm 2010, Quảng Bình bị lũ chồng lên lũ, ba tôi ốm nặng, bệnh viện cho về nhà, khi anh em trong đoàn công tác xã hội Thanh Niên đến thăm, ba tôi xua tay: “Các con đi đi, về với bà con, ở đó họ còn khổ hơn ông nhiều”.
Đến ngày thứ 32, tôi cùng anh em cõng hàng cứu trợ đến một xã ở huyện Quảng Trạch thì nhận được điện thoại, nhìn nét mặt thảng thốt của tôi, anh em biết ngay có chuyện. Một giờ sau tôi có mặt ở nhà, ôm ba vào lòng, cảm nhận hơi ấm từ người ông nguội dần, nguội dần...
Cũng chẳng ai như trường hợp của tôi, ba mạ tôi mất thì người đi viếng đầu tiên là các đoàn tham gia cùng Thanh Niên đi cứu trợ. Đến mức đến ngày đó hằng năm, họ lại điện thoại hỏi tôi để cùng về quê thắp hương cho ba mạ tôi. Vì tình người và cũng vì một câu chuyện khá là hy hữu.
Mất mát cá nhân thì vô cùng, khó mà diễn tả, nhưng tôi tin, ba tôi đã rất vui khi thấy công việc con mình làm. Chẳng ai muốn điều đó vì chẳng ai muốn bão lũ, nhưng mỗi khi nó đã xảy ra thì tình người lại gọi.
4. Cách làm của Thanh Niên là mỗi khi có bão lũ, đoàn công tác cùng Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên các tỉnh, thành phối hợp với địa phương khảo sát khu vực thiệt hại theo cấp độ, từ đó các đoàn viên thanh niên cơ sở đi lấy danh sách từng nhà, có xác thực của thôn, xã... Căn cứ từng nơi cần gì cấp thiết nhất thì mua hàng, đóng gói (hoặc tiền mặt)...
Một bộ phận khác phát giấy mời cho những gia đình trong diện cứu trợ (đó là nói khi có điều kiện đi lại rồi). Hẹn bà con đúng giờ, hàng đến, bà con được đọc tên, khi lên cầm theo giấy mời, ký vào danh sách là nhận ngay. Việc được chia cho nhiều nhóm nhưng quy trình như nhau, việc bố trí thời gian hợp lý nên có ngày, đoàn đi đến 6 xã, phát cho cả 2.000 người mà chưa từng xảy ra trường hợp nào trách móc.
Công việc cứu trợ không đơn giản như chúng ta từng nghĩ. Của cho không bằng cách cho, người dân ở làng xã thì vô cùng cá tính và có cả cá nhân, không nơi nào giống nơi nào, không ai giống ai.
Nhưng điểm lại suốt bao nhiêu năm qua, với hàng nghìn chuyến cứu trợ với lượng vật chất và tiền bạc lên đến hơn trăm tỉ đồng nhưng anh em miền Trung, dưới sự chỉ đạo của Ban Biên tập, sự kết nối công việc của Ban Bạn đọc Báo Thanh Niên, anh em chưa hề để xảy ra một trường hợp nào phàn nàn, hơn thế, đã tạo dựng được lòng tin, sự tín nhiệm với nhân dân và chính quyền địa phương.
Họ chỉ phàn nàn mỗi một điều là chưa thể mời anh em phóng viên tham gia cứu trợ ăn được một bữa cơm.
Chiến binh là thế!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.