Một cuộc chiến không tiếng súng nhưng thật sự khốc liệt và cam go, của những chiến binh blouse trắng với kẻ thù vô hình - Covid-19. Chúng tôi biết rằng, nơi tuyến cuối này, mỗi một phút giây nỗ lực của người lương y là một niềm hy vọng cho sự sống đang nằm đó được hồi sinh.
Đứng giữa lằn ranh sinh tử
Một ngày dài 24 tiếng như đúng nghĩa của nó đối với những người túc trực tại Trung tâm hồi sức ICU - Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid 19 số 16. Mọi thứ được tính toán bằng từng phút giây, để giành lại sự sống cho những người đang nằm cận kề bên cái chết. Và chúng tôi - những người được giao trọng trách đứng giữa ranh giới sinh tử, làm lá chắn bảo vệ an toàn tính mạng cho từng bệnh nhân.
Đã có những người được bình yên trở về với gia đình, cũng có những người không thể nào trở lại. Những cảm xúc thắt nghẹn ấy, chính chúng tôi, những bác sĩ tuyến cuối, là người nếm trải rất rõ và chưa khỏi bàng hoàng.
Chúng tôi ý thức rằng, đằng sau những thứ “dã chiến” này là một cuộc chiến thật sự, phân ranh giữa sinh và tử.
Nơi đây, ngày bắt đầu bằng những âm thanh quen thuộc tút tút của monitor và kết thúc bằng sự mệt nhoài, căng thẳng, kiệt sức sau ca trực. Đã có những ngày áp lực khi chứng kiến số ca bệnh vượt mốc 10.000 và hàng trăm người lần lượt ra đi. Ở đây, chỉ có khoảng 250 bác sĩ nhưng số bệnh nhân vượt gấp nhiều lần. Có những người mà chúng tôi chưa kịp biết tên, địa chỉ thì họ đã phải ra đi…
Cả đội ngũ gần như phải gồng mình chiến đấu. Chưa bao giờ, màu áo trắng blouse lại binh biến liên tục trong một thời gian gấp rút như vậy. Với các bác sĩ ICU, những đau thương, mất mát, những hụt hẫng hay vỡ òa, đều là thứ cảm xúc quá lớn mà mỗi người phải chứng kiến trong một đời làm nghề y.
Lãnh đạo Bộ Y tế thăm hỏi các y bác sĩ làm nhiệm vụ |
Hơn 3 tháng đi qua, cả nước đã đương đầu với cuộc chiến chống dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Chắc hẳn, mỗi chúng ta đều cảm nhận đầy đủ những vất vả về thể chất, những ảnh hưởng về tinh thần của đội ngũ y bác sĩ nói riêng và lực lượng tuyến đầu nói chung.
Kể làm sao hết những mất mát mà chúng ta đã trải qua trong đại dịch. Kể làm sao hết những nghĩa cử cao đẹp mà mỗi lương y đã cống hiến, để dành lại cuộc sống bình yên cho bao người.
Bởi vậy, khi chứng kiến những ngày số ca xuất viện tăng, số ca tử vong giảm, người bệnh có thể tự làm chủ hơi thở của mình, mới thấu hiểu được những hạnh phúc không thể đo đếm được với người thầy thuốc. Đó chính là động lực để mỗi người cùng bước tiếp.
Khi Tổ quốc gọi tên
Rõ ràng giữa muôn vàn khó khăn của dịch bệnh, sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc lại được phát huy cao độ. Chúng ta đã chiến đấu quên mình và sẵn sàng chi viện tiếp sức đồng đội từ Bắc chí Nam khi Tổ quốc gọi tên. Toàn bộ lực lượng ngành y đã được huy động, toàn bộ vật lực đã được tập trung, không một ai đứng ngoài cuộc. Dịch không ở yên một nơi và họ - những “chiến binh” cũng sẵn sàng xông pha từ tuyến đầu đến tuyến cuối.
Hơn 3 tháng chi viện TP.HCM, màu áo trắng blouse từ mọi miền Bắc, Trung, Nam của Tổ quốc đã nhanh chóng hợp thành một khối đoàn kết. Ở đó, đâu chỉ là con số báo cáo 28.000 người chi viện cùng thành phố đồng lòng chống dịch, mà còn có cả sự hiệp sức đồng lòng của lãnh đạo ngành, địa phương, các tình nguyện viên và cả người dân cả nước.
Tận tình chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình |
Trong những ngày cam go, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chúng ta thật sự xúc động trước những tình cảm mà mọi người đã gửi đến đội ngũ ngành y. Xúc động trước những lời động viên của những em nhỏ, những cụ già viết thư thăm hỏi...
Thật ấm lòng trước những quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, tuyến cuối. Và càng vững niềm tin hơn khi các cô, chú là y bác sĩ, thầy thuốc dù nay đã nghỉ hưu vẫn trở lại xắn tay đồng hành, chia lửa cùng lớp đàn em chống dịch.
Mỗi người đã thật sự chung sức, đồng lòng ngay từ những điều đơn giản nhất, để những chiến sĩ nơi trên mặt trận chống dịch càng vững niềm tin hơn vào một hậu phương vững chắc.
Chúng ta sẽ đón ngày “bình thường mới”
Những ngày TP.HCM chuẩn bị cho một kịch bản “bình thường mới”, dù nhịp độ công việc nơi đây vẫn hối hả nhưng trên từng gương mặt đồng đội, bệnh nhân rạng rỡ lên một niềm vui khác lạ. Niềm vui chung của muôn người được trở về cuộc sống bình thường.
Dù trận chiến chống dịch phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng chắc chắn những ngày kiên cường chiến đấu vừa qua, là những ngày đầy tự hào của những chiến binh blouse trắng.
Hôm nay, có những “người hùng” bước ra từ cuộc chiến chống dịch, chào tạm biệt thành phố để trở về nơi công tác. Có những người còn ở lại chiến đấu cho những ca bệnh chưa kịp hồi sinh. Họ từng gắn bó, “đồng cam cộng khổ” rồi lại chia tay, nên ít nhiều lưu luyến, bịn rịn nhưng nghĩa đồng bào, tình đồng nghiệp vẫn vẹn nguyên trong cảm xúc của mỗi người.
Xúc động trước những lời động viên của mọi người dành cho đội ngũ ngành y |
Hẳn chúng ta sẽ có nhiều bài học rút ra sau từng đợt dịch bệnh. Có người sẽ cẩn trọng hơn trước sự nguy hiểm của các biến chủng vi rút mới. Có người sẽ quan tâm đến sức khỏe, cách sinh hoạt, có người sẽ thêm yêu thích công việc của mình sau những ngày dài tạm dừng để phòng bệnh.
Và với chúng tôi, đội ngũ ngành y cũng sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho nghề nghiệp, quan niệm sống và hơn hết là đạo đức làm nghề.
Mọi thứ rồi sẽ đi qua, chỉ có tình người ở lại. Rồi ngày không xa, cả nước sẽ thiết lập những ngày bình thường mới, mỗi người sẽ trở về với công việc thường nhật.
Có thể chúng ta, những người từng vào sinh ra tử, chưa rõ mặt nhau sau lớp đồ bảo hộ, bỗng bắt gặp nhau qua ánh mắt, nụ cười, để cùng thêm yêu thành phố này, yêu cuộc sống của chúng ta qua những điều bình dị, giản đơn nhất.
Cảm ơn!
Tôi thật sự biết ơn trước những cống hiến, hy sinh của mỗi người trong chúng ta đã dành cho nhau trong những ngày cuồng phong của đại dịch. Mỗi sự đóng góp vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 hôm nay, chắc chắn đều mang một ý nghĩa nhân văn và tinh thần dân tộc cao cả.
Bình luận (0)