Chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu 'do thám' của Trung Quốc

05/02/2023 07:30 GMT+7

Chiến đấu cơ Mỹ đã bắn hạ một khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Nam Carolina hôm 4.2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu nói trên hôm 1.2, nhưng Lầu Năm Góc đã khuyến nghị nên đợi cho đến khi có thể thực hiện việc này trên mặt nước để bảo vệ dân thường khỏi các mảnh vỡ rơi xuống trái đất từ độ cao hàng nghìn m.

"Họ đã hạ nó thành công và tôi muốn khen ngợi những phi công của chúng ta đã làm được điều đó", Tổng thống Biden cho hay sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ.

Mỹ bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc, Bắc Kinh phản đối

Nhiều máy bay chiến đấu và máy bay tiếp nhiên liệu đã tham gia nhiệm vụ bắn hạ khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc, nhưng chỉ có một chiếc là máy bay chiến đấu F-22 từ Căn cứ Không quân Langley ở bang Virginia đã thực hiện vụ này lúc 14 giờ 39 phút ngày 4.2 (theo giờ Mỹ), sử dụng một tên lửa không đối không siêu thanh AIM-9X, theo Reuters dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ.

Các quan chức Mỹ cho biết khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ khoảng 6 hải lý, trên vùng nước tương đối nông.

Chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc - Ảnh 1.

Một máy bay bay qua khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc khi khinh khí cầu bay ngoài khơi bờ biển bang Nam Carolina (Mỹ) ngày 4.2.2023.

Reuters

Việc bắn hạ khinh khí cầu diễn ra ngay sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ ba sân bay khu vực - Wilmington, Myrtle Beach và Charleston, vì những gì họ thông báo vào thời điểm đó là một "nỗ lực an ninh quốc gia" không được tiết lộ. Các chuyến bay đã được khôi phục lại vào chiều 4.2.

Tuy khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc đã bị bắn hạ, nhiều câu hỏi vẫn còn đó là Trung Quốc có thể đã thu thập được bao nhiêu thông tin trong chuyến bay của khinh khí cầu trên khắp nước Mỹ.

Khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc lần đầu tiên bay vào không phận Mỹ ở Alaska vào ngày 28.1 trước khi di chuyển vào không phận Canada vào ngày 30.1. Sau đó, nó lại vào không phận Mỹ phía bắc Idaho vào ngày 31.1, theo Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ. Sau khi bay qua đất liền Mỹ, khinh khí cầu quay trở lại vùng biển rộng, khiến việc bắn hạ trở nên khó khăn.

Khí cầu gián điệp - vì sao vẫn được sử dụng trong thời đại tên lửa?

Các quan chức Mỹ đã không tiết lộ công khai sự hiện diện của khinh khí cầu trên khắp nước Mỹ cho đến ngày 2.2.

Hôm 4.2, Lầu Năm Góc thông báo phát hiện khinh khí cầu thứ hai của Trung Quốc, lần này trên bầu trời Mỹ La tinh. Cùng ngày, Hãng AFP dẫn lời chuyên gia William Kim của tổ chức Sáng kiến Marathon ở Washington D.C cảnh báo rằng trong khi khinh khí cầu đầu tiên có bề ngoài giống loại khảo sát thời tiết, nhưng nó lại có những điểm đặc biệt.

Theo đó, phía Mỹ phát hiện khinh khí cầu mang theo những thiết bị điện tử cung cấp chỉ dẫn và thu thập thông tin, được vận hành bằng các bảng điện mặt trời. Nó cũng được trang bị công nghệ điều hướng tiên tiến mà hiện Mỹ vẫn chưa áp dụng. Chuyên gia Kim cũng lưu ý có thể Trung Quốc sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) cho khinh khí cầu. Đây là công nghệ cho phép ghi nhận những thay đổi trong không khí, điều chỉnh cao độ và hướng tới nơi muốn đến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.