Chiến đấu cơ Su-22U rơi ở Nghệ An, 2 phi công hy sinh

27/07/2018 05:37 GMT+7

Tối 26.7, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy thi thể 2 phi công hy sinh trong vụ máy bay Su-22U bị rơi tại Nghệ An.

Thi hài 2 phi công sau đó được đưa về Nhà tang lễ Quân khu 4 (TP.Vinh, Nghệ An) để chuẩn bị làm lễ truy điệu theo nghi thức quân đội.
[VIDEO] Nỗ lực tìm kiếm máy bay SU-22 bị rơi cùng 2 phi công
Theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) máy bay Su-22U số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) gặp sự cố khi đang thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện.
Máy bay cùng 2 phi công cất cánh lúc 11 giờ 16 phút, đến 11 giờ 35 phút đã mất liên lạc. Ngay sau đó, máy bay được xác định rơi xuống địa phận làng Dừa (xã Nghĩa Yên, H.Nghĩa Đàn, Nghệ An). Một nhân chứng ở hiện trường cho biết, chiếc máy bay Su-22U đã bốc cháy trước khi đâm vào núi và gây ra một tiếng nổ lớn rồi vỡ ra nhiều mảnh nhỏ.
Máy bay Su-22U số hiệu 8551 trong một lần làm nhiệm vụ Ảnh: Nguyễn Thắng

Hai phi công quân sự của Trung đoàn 921 bay trên máy bay 8551 đã hy sinh, gồm: trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó trung đoàn trưởng - tham mưu trưởng (40 tuổi, quê P.Lê Lợi, TX.Sơn Tây, TP.Hà Nội); thượng tá Phạm Giang Nam, chủ nhiệm bay (46 tuổi, quê ở Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình).
Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng PK-KQ phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã lập đoàn công tác đến hiện trường; Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Quân chủng PK-KQ cũng lập đoàn công tác vào Nghệ An; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An và Ban Chỉ huy quân sự H.Nghĩa Đàn huy động lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn. Trong ngày, quân đội đã huy động 200 người, gồm 50 bộ đội, 70 dân quân và 100 người thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Các mảnh vỡ của máy bay Su-22U gặp nạn Ảnh: Khánh Hoan
Hiện trường chiếc máy bay gặp nạn nằm trên núi thuộc địa bàn xã Nghĩa Yên (H.Nghĩa Đàn, Nghệ An), giáp H.Như Xuân (Thanh Hóa). Để vào được hiện trường, từ QL48E chạy qua trung tâm xã Nghĩa Yên phải di chuyển qua con đường lầy lội dài khoảng 5 km. Có khoảng 3 km đường rất hẹp, bùn trơn trượt, ô tô không thể vào và phải di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ. Để đảm bảo an toàn cho công tác tìm kiếm, lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường, hạn chế người dân vào khu vực máy bay gặp nạn.
Chiếc máy bay bị nạn là 1 trong 2 máy bay huấn luyện chủ lực của Trung đoàn 921 (Trung đoàn Không quân Sao Đỏ), đóng quân tại xã Quang Tiến (Sóc Sơn, TP.Hà Nội). Hai phi công hy sinh đều có gần 1.000 giờ bay, được công nhận phi công cấp 2 và là các giáo viên bay của đơn vị, từng bay nhiều trên Mig-21.
Máy bay Su-22 là loại máy bay do Liên Xô sản xuất, được trang bị cho các đơn vị thuộc 3 sư đoàn không quân 370, 371, 372 làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Các máy bay Su-22 đều do Liên Xô viện trợ từ những năm 1980 và một phần được mua từ các nước Đông Âu sau năm 1990. Cho dù có niên hạn cao, nhưng các máy bay Su-22 của Không quân nhân dân VN đều được nâng cấp, gia hạn ở trong, ngoài nước và là một trong những loại máy bay chiến đấu chủ lực của Quân đội nhân dân VN.
Theo kế hoạch, ngày 31.7 tới đây, Sư đoàn 371 sẽ tổ chức kiểm tra bắn ném thường kỳ tại trường bắn Như Xuân (Thanh Hóa) và các đơn vị không quân trực thuộc là trung đoàn 921, 927 sẽ đưa máy bay, phi công về tập trung tại Trung đoàn 923 đóng tại sân bay quân sự Sao Vàng (Thanh Hóa) để tổ chức hợp luyện, thực hành bắn ném.
Chiều 26.7, trả lời Thanh Niên, thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết cơ quan bảo vệ an ninh của Bộ Quốc phòng và Quân chủng PK-KQ sẽ thành lập ban chỉ đạo để phụ trách điều tra nguyên nhân sự cố rơi máy bay. Theo quy định, quân đội sẽ tạm thời đình chỉ toàn bộ các hoạt động bay huấn luyện, chờ làm rõ nguyên nhân sự cố máy bay rơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.