Chiến đấu với đời thường

10/10/2018 09:34 GMT+7

26 tuổi, trung úy sĩ quan thông tin ở chiến trường K đã là thương binh nặng nhất, 1/4. Tròn 30 tuổi, giấu thân phận thương binh, vào lại Sài Gòn kiếm sống...

Gần 60 tuổi, chống nạng đi học Cao đẳng Xây dựng và Đại học Luật để quản lý công ty vài trăm công nhân. Đó là câu chuyện của cựu chiến binh Phạm Hào Quang (64 tuổi, ở Q.Tân Phú, TP.HCM).
Lăn lộn chiến trường
Sinh năm 1954 ở xã Hưng Lộc, TP.Vinh (Nghệ An), đang học lớp 10 thì ông đi bộ đội, vào chiến trường B3 chiến đấu trong đội hình trung đoàn 66 (binh đoàn Tây nguyên), tiếp quản Sài Gòn ngày 30.4.1975 và làm nhiệm vụ quân quản TP.
Tháng 8.1975, thượng sĩ Phạm Hào Quang khoác ba lô ra Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay là Bắc Giang) học khóa V-D28 (1975 - 1979) Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật thông tin. “Thật ra lúc ấy chỉ muốn thi Đại học Vinh và làm thầy giáo. Nhà có 8 anh em, trong đó 7 trai, anh cả thương binh Quảng Trị, anh thứ hai hy sinh ở Cần Thơ. Mình mà xin ra quân là mấy đứa em trai lại phải đi bộ đội, vào chiến trường Tây Nam đánh nhau mịt mù, nên cũng gắng theo học để phục vụ lâu dài và các em yên tâm sản xuất ở quê”, ông Quang kể.
Cuối năm 1979, sau khi kết thúc nhiệm vụ tăng cường chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược tại mặt trận Lạng Sơn, Phạm Hào Quang về trường nhận bằng tốt nghiệp và được cử đi học thêm 6 tháng chuyên ngành thông tin không quân, sau mới nhận quyết định công tác tại Ban Thông tin, Phòng Tham mưu Sư đoàn không quân 376 đóng quân tại Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Do là sĩ quan trẻ, lại đã trải qua chiến đấu nên trung úy Quang được điều sang làm nhiệm vụ quốc tế tại Trung đoàn căn cứ không quân 901 đóng ở sân bay Pochentong (PhnomPenh, Campuchia).
Đây là đơn vị tiền phương của Quân chủng Không quân (QCKQ) làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Cựu chiến binh Phạm Hào Quang kể: “Sang nước bạn làm việc, không khi nào được mặc quân phục. Đêm đến, nhồi gối đắp chăn trên giường giống y như người nằm, còn mình thì bò xuống hầm hào ngủ để không bị lính Polpot mò vào mưu sát” và say sưa kể về những chuyến bay làm nhiệm vụ chuyển tiếp trên không, vận tải giữa Tân Sơn Nhất - PhnomPenh. Đại tá Lê Tiến Phước, nguyên Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tiền phương của QCKQ phía nam kể: Ngày 27.10.1980, máy bay chở đoàn cán bộ quân đội từ Tân Sơn Nhất sang Siem Reap đang bay trên vùng trời Campuchia, thì bị lính Polpot bắn tấn công, trung úy Phạm Hào Quang bị trọng thương, phải đưa về nước.
Lăn lóc thương binh
Chiến đấu với đời thường 1
Thương binh Phạm Hào Quang điều trị tại Bệnh viện Quân y 175, đầu năm 1983
Sau khi bị thương, trung úy Phạm Hào Quang được đưa về điều trị tại Quân y viện 175 TP.HCM trong hơn… 2 năm trời với 4 lần lên bàn mổ và bệnh án của ông ghi chi chít: Vỡ hộp sọ, vỡ gan, gãy xương cổ, gãy xương sườn, liệt tứ chi... Những y bác sĩ của khoa ngoại thần kinh của Bệnh viện 175 những năm 1981 - 1982 vẫn nhớ đến hình hài dúm dó của bệnh nhân Phạm Hào Quang thường được gọi đùa là “Phó chủ tịch hội đồng y khoa B6” do nằm quá lâu trong viện. Thời điểm ấy, thương binh từ chiến trường K về điều trị chật 175. Thi thoảng có người cùng quẫn lên cơn, đòi tự sát, trốn ra cổng quậy phá là “Phó chủ tịch” lại được ngồi xe lăn ra khuyên nhủ. Có lần, một thương binh tay lăm lăm lựu đạn, gào lên giữa đường “Chết mẹ cho rồi”. Ông Quang lăn xe đến cười: “Sống mới khó, chết dễ ợt. Ngon buông tay để cùng chết, rồi mang tiếng nhục là giết anh em đồng chí” khiến người thương binh bừng tỉnh cài chốt lựu đạn, cả bệnh viện đồng loạt thở phào.
“Tuổi tác và thương tật không làm ta chùn bước. Ta đã bỏ một phần máu thịt và tuổi xuân cho những cuộc binh đao dai dẳng. May mắn sống sót sau chiến tranh, ta dẫu "phế" nhưng chưa thật “tàn". Trọn cuộc đời này ta chỉ mong sao được sống bình dị, giản đơn như một công dân tử tế. Mười tám năm nay, công ty ta mang cái tên trìu mến "Hưng Lộc" - tên một xã nghèo ngoại thành Vinh. Ta đã gánh tên làng, tên xã đầy ắp tuổi thơ phiêu bạt vào Sài Gòn để mưu sinh lập nghiệp. Ta đã sống và được sống”...
(Thương binh Phạm Hào Quang)
Đầu năm 1983, ông Quang được xếp hạng thương binh 1/4, nặng nhất với tỷ lệ thương tật 81% và phong quân hàm thượng úy trước khi xuất ngũ, chuyển về nuôi dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An (xã Nghi Phong, Nghi Lộc, TP.Vinh). Thời điểm này, trung tâm đầy ắp thương binh chống Mỹ, Trung Quốc, Polpot nên việc quản lý không xuể, khiến một số anh em bị thần kinh, bất mãn trốn ra ngoài quậy phá tưng bừng. Ông Quang lại được nài nỉ làm nhiệm vụ “bán kiểm soát quân sự” vừa vận động vừa van vỉ vừa cưỡng chế đồng đội về lại trại. Đầu tháng 9.1983 ông làm đơn xin về nhà.
Gần 30 tuổi, ông mang tấm thân tàn phế về quê trong ánh mắt ái ngại của làng xóm và xót thương của bố mẹ già, 5 đứa em còn đang tuổi ăn học. Lãnh đạo xã bố trí cho công việc “trực Đảng ủy” và cho miếng đất ven đường Vinh - Cửa Hội để bán nước chè xanh, kẹo lạc. “Đêm nằm nghe tiếng kẻng chát chúa của ông đội trưởng gọi xã viên ra kho hợp tác chia sắn mua ở miền tây Quảng Bình ra, tôi bỗng trào nước mắt và nghĩ, không thể cam chịu đói khổ thế này được, phải đi”, ông Quang trầm giọng kể tiếp: “Mấy hôm sau, tôi giao hết sổ gạo, chế độ thương binh cho bố mẹ. Đứa em chở xe đạp ra ga Vinh, tôi khoác ba lô chống nạng leo lên đoàn tàu quân sự chở bộ đội vào nam, đưa thẻ thương binh xin đi nhờ”. Đó là ngày đông lạnh cuối 1983. Những người lính trẻ và tổ kiểm soát quân sự lặng lẽ dồn nhau, nhường một băng ghế cho người thương binh và cùng tựa vai nhau, đến tận ga Sóng Thần.
Lăn lê kiếm sống
Hồi còn công tác trong không quân, trung úy Phạm Hào Quang có quen với một nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ (QCKQ tạm tuyển làm công tác đảm bảo máy bay chiến lợi phẩm tại Tân Sơn Nhất) tên Ngọc, nên khi về quê, ông Quang viết thư cho ông Ngọc nhờ “giúp em công việc làm”. Thời điểm này, ông Ngọc mở quán phở Anh tại đường Kỳ Đồng nên nhận ông Quang vào làm phụ bếp. Mỗi đêm, ông Quang đạp xe gần chục cây số ra lò mổ chở xương về rửa sạch, bắc bếp ninh đến gần sáng và sau đó nhặt rau thơm, rửa bát... đến khi hết hàng. “Tuyệt đối không đến gần khách”, ông chủ quán lệnh như vậy và giải thích: “Mặt anh bị thương nhiều sẹo đỏ, khách nhìn thấy sợ, không dám ăn”.
Dân miền Nam ăn phở thường gọi “hột gà” (trứng gà) và chỉ ăn lòng đỏ. Phần lòng trắng còn lại, ông Quang xin người chủ cho ăn, để giữ không tiêu đến khoản tiền lương 1.000 đồng/tháng, đều đặn gửi bưu điện về quê cho bố mẹ nuôi em ăn học. “Tôi ăn nhiều lòng trắng trứng quá, sẹo nổi trên trán và giờ vẫn y nguyên”, ông Quang bảo.
Phụ quán phở được gần 1 năm thì ông Quang thất nghiệp vì chủ quán sang nhượng, làm nghề khác. Để kiếm miếng ăn và nhất là khoản tiền hằng tháng gửi về quê, ông làm mọi việc thuê mướn, từ bỏ mối nước đá, bán bóng bay cho đến đẩy xe bán than… “Thời điểm ấy không có chỗ ở nên cứ đêm đêm tôi đi bộ ra ga Hòa Hưng (nay là ga Sài Gòn) kiếm chỗ ngủ, chung với cả người lang thang, bụi đời, nghiện ngập. Ban đầu thấy tôi mặt mũi nhiều sẹo, mấy cô gái điếm cứ tưởng giang hồ thứ dữ nên mua đồ ăn nước uống trái cây, chiều hết mức. Khi tôi nói thật mình là thương binh đang đi làm thuê, các cô ấy tránh xa hết”, ông kể, quầng mắt ầng ậc nước… (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.