Chiến dịch chống IS sang giai đoạn mới

25/11/2015 10:25 GMT+7

Đợt tấn công liên hoàn tại Paris vào ngày 13.11 đã dẫn đến nhiều chuyển biến về mặt ngoại giao và quân sự trong chiến lược tại Syria của Pháp.

Đợt tấn công liên hoàn tại Paris vào ngày 13.11 đã dẫn đến nhiều chuyển biến về mặt ngoại giao và quân sự trong chiến lược tại Syria của Pháp.

Các binh sĩ canh gác tại ngoại ô Saint-Denis của Paris - Ảnh: Lan ChiCác binh sĩ canh gác tại ngoại ô Saint-Denis của Paris - Ảnh: Lan Chi
Phóng viên Thanh Niên đã có dịp trao đổi với nhà báo Alain Barluet, Phó tổng biên tập nhật báo Le Figaro, về những chuyển biến nói trên. Ông Barluet là một nhà quan sát kỳ cựu về lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Tàu sân bay Charles de Gaulle, soái hạm của Pháp, đã bắt đầu tham chiến tại Trung Đông. Điều này sẽ dẫn đến những thay đổi gì?
Nhà báo Alain Barluet - Ảnh: Nhân vật cung cấp
       Nhà báo Alain Barluet - Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Tàu Charles de Gaulle rời cảng Toulon, miền nam Pháp ngày 18.11 và đến vùng Vịnh vào cuối tuần qua, mang theo 26 chiến đấu cơ (18 chiếc Rafale và 8 chiếc Super - Etendard). Với soái hạm này, lượng máy bay chiến đấu của chúng tôi tại Trung Đông đã tăng lên hơn gấp 3 lần. Trước đó, Pháp chỉ có 12 chiến đấu cơ, gồm 6 chiếc Rafale ở UAE và 6 chiếc Mirage 2000 ở Jordan. Sau vụ việc ngày 13.11, Tổng thống François Hollande lập tức cho tăng cường tấn công các cơ sở hạ tầng trọng yếu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria như những khu khai thác và lọc dầu, trại huấn luyện, trung tâm chỉ huy... Với soái hạm Charles de Gaulle, tần suất không kích sẽ còn cao hơn nữa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp cần phải giải quyết. Chẳng hạn Raqqa, hiện được xem là “thủ đô” của IS, có khoảng 500.000 dân. Các tay súng của tổ chức này trà trộn vào cộng đồng dân cư. Làm sao xác định đúng mục tiêu tấn công để không ảnh hưởng đến dân thường là điều không hề đơn giản. Nếu dân thường bị thương vong sẽ làm hận thù thêm chồng chất.
Tổng thống Pháp đang có một tuần lễ cực kỳ bận rộn về mặt ngoại giao khi liên tục gặp gỡ lãnh đạo của các nước Anh, Mỹ, Đức, Nga... Ông Hollande vận động cho một đại liên minh?
- Pháp đã bị tấn công “ngay tại nhà” và không thể không phản ứng. Thảm kịch ngày 13.11 đã dẫn đến nhiều biến chuyển. Về mặt quân sự, chúng tôi đã thật sự sang một giai đoạn mới. Và ở giai đoạn mới này có một thay đổi rất quan trọng là Pháp đã đề cập khả năng phối hợp với Nga để tấn công IS tại Syria. Sau 18 tháng lạnh nhạt vì khủng hoảng ở Ukraine và bất đồng quan điểm về vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, hiện Paris đã xem việc tiêu diệt IS là mục tiêu lớn nhất nên đã gác lại những căng thẳng về ngoại giao. Các lãnh đạo quân sự của Nga và Pháp đã bắt đầu liên lạc, trước tiên để tránh đụng độ khi tổ chức không kích ở cùng một khu vực. Tuần này, Tổng thống Hollande gặp lần lượt các nhà lãnh đạo Anh, Đức, Mỹ và đến ngày 26.11 sẽ sang Moscow để thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sau cuộc thảo luận này, nhiều khả năng một đại liên minh chống IS sẽ được thành lập.
Đại liên minh chỉ tham gia không kích hay về lâu dài sẽ xem xét gửi bộ binh đến Syria?
- Hiện giới chức quân sự Pháp đều cho biết vẫn chưa dự tính gửi bộ binh tham chiến ở Syria. Nhưng theo tôi đây là khả năng không thể loại trừ vì chiến dịch chống IS được dự đoán sẽ kéo dài, chỉ dội bom sẽ không thật sự hiệu quả. Hiện các nước phương Tây vẫn hỗ trợ các lực lượng tại chỗ như quân đội Iraq, lực lượng phòng vệ người Kurd hay phe nổi dậy “ôn hòa” ở Syria... để họ tự giành lại các khu vực đã bị IS chiếm. Nhưng hỗ trợ như thế vẫn chưa đủ.
Lựa chọn chiến lược thế nào là hợp lý chắc chắn sẽ được Paris cân nhắc rất kỹ, trong bối cảnh ngân sách dành cho quốc phòng bị thắt chặt. Trước đó, chính phủ thông báo từ năm 2014 - 2019 sẽ giảm 34.000 quân nhân, sau vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 1, con số này giảm còn 15.500. Và sau vụ tấn công ngày 13.11 vừa qua, Tổng thống Hollande tuyên bố bỏ dự định cắt giảm nhân sự trong quân đội. Hiện tại, ngoài các chiến dịch quân sự ở nước ngoài, đặc biệt là tại châu Phi, 10.000 binh sĩ Pháp còn tham gia “mặt trận” trong nước. Trách nhiệm giữ an ninh vốn là của cảnh sát và hiến binh nhưng khi “chiến sự” đã lan đến tận Paris, sự tham gia của quân đội là rất cần thiết dù trước đó, việc binh sĩ tuần tra tại các thành phố là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Có một điểm rất thú vị là từ sau thảm kịch ngày 13.11, số lượng các bạn trẻ Pháp tìm hiểu hoặc đăng ký nhập ngũ đã tăng vọt. Tinh thần dân tộc của một thế hệ chưa hề biết đến chiến tranh đang lên rất cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.