Chiến dịch giải cứu ở Thái Lan chạy đua với thời gian

07/07/2018 07:56 GMT+7

Chính quyền Thái Lan hôm qua kêu gọi lực lượng cứu hộ cẩn trọng và tuân thủ biện pháp an toàn khi tham gia giải cứu đội bóng thiếu niên kẹt trong hang Tham Luang Nang Non.

Thông báo được đưa ra sau khi cựu thành viên đặc nhiệm SEAL của Hải quân Hoàng gia Thái Lan Saman Kunan (38 tuổi) thiệt mạng trong chiến dịch giải cứu đội bóng đá thiếu niên. Ông Kunan được phát hiện bất tỉnh trong hang sau khi kết thúc công việc đặt bình dưỡng khí dọc hang để cung cấp ô xy cho các thợ lặn khác tham gia cứu hộ. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu, nhưng ông không qua khỏi. Saman Kunan là tình nguyện viên tham gia chiến dịch này, từng giành giải vô địch về lặn. Theo giới chức Thái Lan, ông đã làm việc quá sức, không nghỉ ngơi đủ nên không chống chọi được với môi trường khắc nghiệt trong hang động.
[VIDEO] Giải cứu đội bóng Thái Lan: thợ lặn thiệt mạng vì thiếu dưỡng khí
Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan hôm qua cho biết dù công tác cứu hộ vẫn tiếp tục nhưng sự cố trên cho thấy mức độ nguy hiểm và khó khăn trong chiến dịch đưa các nạn nhân ra khỏi hang. “Ông ấy là một thợ lặn chuyên nghiệp, khỏe mạnh, không bệnh tật, không ai nghĩ cựu thành viên của đội đặc nhiệm SEAL có thể chết vì ngạt, thiếu dưỡng khí. Hãy nghĩ đến các em đang mắc kẹt, sẽ nguy hiểm như thế nào nếu không có phương án giải cứu an toàn”, Phó thủ tướng Prawit phát biểu với giới truyền thông.
Trong khi đó, Tư lệnh đội đặc nhiệm SEAL Thái Lan Arpakorn Yookongkaew nói rằng tai nạn xảy ra đối với thợ lặn chuyên nghiệp thì có thể xảy ra cho bất kỳ ai tham gia công tác cứu hộ. “Nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục và không bỏ cuộc”, Đô đốc Arpakorn phát biểu trong một cuộc họp báo tổ chức ngay trước hang Tham Luang Nang Non. Cũng hôm qua, một tai nạn khác cũng xảy ra đối với đội cứu hộ. Trưởng phòng cháy chữa cháy 3 của Bangkok Khao Khieupakdi bị đá đè khi đang làm nhiệm vụ. Ông Khieupakdi đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu và không nguy hiểm đến tính mạng.
[VIDEO] Đường vào hang Tham Luang giải cứu đội bóng nhí nguy hiểm như thế nào?
Hơn 1.000 người đang tiếp tục chạy đua với thời gian để giải cứu các em và huấn luyện viên đội bóng. Ngoài ngập nước, dưỡng khí hiện là vấn đề lớn và cấp thiết. Đội bóng có tên “Heo rừng” đã mắc kẹt bên trong hang động suốt 2 tuần. Hiện mức dưỡng khí bên trong hang đã rớt xuống 15%, thấp hơn so với mức trung bình 21%. Phó tư lệnh quân đội vùng 3 Thái Lan Chalongchai Chaiyakham cho biết đội cứu hộ đang tiếp tục truyền dưỡng khí vào hang để các nạn nhân duy trì trạng thái ổn định và không phải lo ngại về tính mạng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên về khả năng đưa các nạn nhân ra khỏi hang động trong một hai ngày tới, ông Chalongchai cho biết khó nói chính xác nhưng việc đưa các nạn nhân ra ngoài “đang theo đúng kế hoạch đặt ra”, đồng thời không giải thích thêm kế hoạch đó là gì. Trong khi đó, Ivan Karadzic, một thợ lặn tình nguyện người Đan Mạch tham gia trong cuộc cứu hộ, nói với Sky News rằng việc đưa 13 người ra ngoài “sẽ thực hiện trong hôm nay hoặc ngày mai”. Hiện nhiều thợ lặn quốc tế tiếp tục đến Thái Lan để hỗ trợ cuộc giải cứu.
Chính quyền Thái Lan đã ra lệnh đóng cửa gần 170 hang động ở nước này sau sự cố xảy ra ở Tham Luang Nang Non. Mục đích của lệnh đóng nhằm rà soát và chuẩn bị đưa ra quy định mới đối với việc tham quan hang động trên khắp cả nước. Ông Thanya Nettithammakun, Cục trưởng Cục Bảo tồn vườn quốc gia, thực vật và động vật hoang dã thuộc Bộ Tài nguyên môi trường Thái Lan, cho biết sắp tới sẽ có quy định nghiêm ngặt hơn đối với khách tham quan như phải đăng ký tên tuổi, bị hạn chế vào vùng nguy hiểm. Các hang động cũng phải có phương án đối phó khi xảy ra sự cố nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.