Chiến dịch 'lật kèo' phút chót bầu cử Mỹ

04/01/2021 06:12 GMT+7

Trước ngày chính thức đếm phiếu đại cử tri, 11 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tuyên bố không chứng nhận chiến thắng của Tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden .

AFP hôm qua 3.1 dẫn tuyên bố chung của nhóm 11 thượng nghị sĩ Cộng hòa do ông Ted Cruz dẫn đầu, cho rằng các cáo buộc về gian lận và bất thường trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 có mức độ “vượt quá bất kỳ cáo buộc nào từng thấy”. Nhóm này thông báo sẽ phản đối việc chứng nhận kết quả kiểm phiếu đại cử tri của một số bang tại phiên họp quốc hội vào ngày 6.1.
Cuộc họp này trước nay vốn chủ yếu mang tính hình thức sau khi các đại cử tri đã bỏ phiếu xong xuôi, nhưng năm nay lại được chú ý vì quá nhiều tranh cãi.

Thêm nhiều nghị sĩ Cộng hòa lên tiếng thách thức chiến thắng của ông Biden

Phản đối vào “ngày phán quyết”

Trong thông cáo, nhóm nghị sĩ trên còn yêu cầu thành lập một ủy ban đặc biệt để tiến hành “kiểm toán khẩn cấp trong vòng 10 ngày” đối với kết quả bầu cử. Trong khi đó, Fox News dẫn lời hạ nghị sĩ Mo Brooks cho hay các hạ nghị sĩ Cộng hòa hôm qua tổ chức cuộc họp trực tuyến bất thường nhằm mục đích đảo ngược kết quả phiếu đại cử tri. Cuộc họp có sự tham dự của Tổng thống Trump, chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows và 50 hạ nghị sĩ. Ông Brooks cho hay không phải tất cả nghị sĩ tham dự đều phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri, nhưng lưu ý rằng xu hướng phản đối kết quả bầu cử đang dâng cao. Ông cho rằng sẽ còn nhiều nghị sĩ khác lên tiếng phản đối.

Nhiều nhóm đổ về thủ đô Washington ủng hộ ông Trump

Theo Fox News, lực lượng ủng hộ Tổng thống Trump đang chuẩn bị một đợt biểu tình lớn tại thủ đô Washington D.C trong ngày 6.1, khi Quốc hội đếm phiếu đại cử tri. Ít nhất 4 cuộc biểu tình đã được chuẩn bị do các nhóm ủng hộ ông. Để đối phó, Sở Cảnh sát quận Columbia thông báo sẽ phong tỏa nhiều tuyến đường, hạn chế phương tiện lưu thông từ ngày 5 - 7.1 và cấm người dân mang vũ khí tham gia các sự kiện biểu tình, ngay cả khi có giấy phép.
Theo quy định, việc có nghị sĩ phản đối không làm thay đổi kết quả bầu cử, nhưng sẽ buộc quốc hội tiến hành phiên tranh luận trong 2 giờ nếu có ít nhất 1 thượng nghị sĩ và 1 hạ nghị sĩ phản đối. Sau đó, lưỡng viện cần bỏ phiếu riêng về việc chấp nhận phản đối đó hay không. Theo ông Aseem Mulji, chuyên gia tại tổ chức Campaign Legal Center (Mỹ), nếu việc bỏ phiếu tại Thượng viện và Hạ viện về sự phản đối trên đem lại kết quả khác nhau, hoặc lưỡng viện đều bác bỏ, phản đối sẽ trở nên vô hiệu và tất cả các lá phiếu đại cử tri sẽ được đếm. Còn nếu lưỡng viện đều bỏ phiếu ủng hộ sự phản đối (quá bán ở mỗi viện), những lá phiếu đại cử tri bị phản đối sẽ không được tính.
Giới quan sát cho rằng rất khó có khả năng phản đối được chấp nhận, vì Hạ viện hiện do Dân chủ kiểm soát, trong khi không ít thượng nghị sĩ Cộng hòa cho rằng việc phản đối kết quả bầu cử sẽ tiếp tay gây cản trở quá trình chuyển giao quyền lực cũng như nền dân chủ.

Nguy cơ chia rẽ

Theo CNN, diễn biến trước ngày 6.1 đang dẫn đến nguy cơ chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa, khi một số thành viên chỉ trích nhóm 11 thượng nghị sĩ trên. Thượng nghị sĩ Mitt Romney cho rằng tình hình hiện nay không bất thường đến mức phải phản đối kết quả tại phiên họp ngày 6.1. “Số người Mỹ tham gia bầu cử lần này cao nhất từ trước đến nay, và họ đã chọn lựa”, ông nhấn mạnh. Thượng nghị sĩ Pat Toomey tại bang Pennsylvania cũng lên án động thái phản đối của nhóm trên, đồng thời khẳng định sự toàn vẹn của bầu cử tại bang này và phân tích thất bại của Tổng thống Trump là do sự ủng hộ sụt giảm tại các khu ngoại ô.
Trong khi đó, trên Twitter, Tổng thống Trump lên tiếng ủng hộ động thái của 11 thượng nghị sĩ nhằm lật ngược kết quả bầu cử. Tương tự, tờ The New York Times dẫn lời Phó tổng thống Mike Pence “hoan nghênh nỗ lực của các thành viên Hạ viện và Thượng viện dùng thẩm quyền của họ theo luật định để nêu phản đối, đưa chứng cứ đến Quốc hội và người dân Mỹ vào ngày 6.1”. Trước đó, Tổng thống Trump còn tuyên bố sẽ tung bằng chứng gian lận bầu cử vào ngày 6.1.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.