Chiến lược của Apple khi sản xuất iPhone 16 tại Ấn Độ

28/09/2024 15:30 GMT+7

Tập đoàn Apple của Mỹ đang muốn đa dạng chuỗi cung ứng của những sản phẩm iPhone đời mới nhất, được cho là nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Quyết định sản xuất dòng iPhone 16 mới ra mắt tại Ấn Độ đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chiến lược của Apple, khi họ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình trong bối cảnh xuất hiện những thách thức về địa chính trị, theo South China Morning Post ngày 12.9.

Chuyển dịch sang Ấn Độ

Trước đây, Tập đoàn Apple, có trụ sở tại bang California (Mỹ), phần lớn dựa vào Trung Quốc để sản xuất và chế tạo các mẫu iPhone cao cấp nhất, trong khi Ấn Độ chủ yếu là nơi sản xuất các dòng iPhone đời cũ hơn. Tuy nhiên, các hãng truyền thông đưa tin Apple quyết định sản xuất quy mô lớn các dòng iPhone 16, bao gồm phiên bản cao cấp iPhone 16 Pro, tại Ấn Độ, trong khi vẫn duy trì hoạt động tại Trung Quốc.

Chiến lược của Apple khi sản xuất iPhone 16 tại Ấn Độ- Ảnh 1.

Apple muốn có những sản phẩm điện thoại đời mới nhất là iPhone 16 "Made in India"

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH DAILYO/APPLE INC

Các chuyên gia nhận định đây có thể là chiến lược của Apple nhằm xây dựng chuỗi cung ứng ổn định ngoài Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung xuất hiện nhiều căng thẳng. Ngoài ra, điều này còn cho thấy sự tin tưởng ngày càng tăng vào năng lực sản xuất công nghệ cao của Ấn Độ.

South China Morning Post dẫn lời ông Karthik Nachiappan, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á, thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng: "Những động thái này phản ánh sự thay đổi lớn hơn đang diễn ra, khi các công ty công nghệ hàng đầu như Apple, Microsoft, Amazon chuyển dịch hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, do nhiều rủi ro về an ninh và kinh tế".

“Ấn Độ đang ở vị thế thuận lợi cho sự thay đổi này và đã thực hiện một loạt các chính sách, ưu đãi và trợ cấp”, ông Nachiappan nói thêm.

Đi đầu trong những nỗ lực này là chương trình Khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) của Ấn Độ. Chương trình này sẽ trợ cấp cho các công ty phần cứng, bao gồm nhà cung cấp của Apple là Tập đoàn Foxconn Technology (có trụ sở tại đảo Đài Loan), để thúc đẩy sản xuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Apple lần đầu quyết định lắp ráp iPhone tại Ấn Độ vào năm 2017 và đã tăng cường sản xuất trong những năm gần đây. Theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys (có trụ sở tại Singapore), Apple đã sản xuất gần 15 triệu chiếc iPhone tại Ấn Độ vào năm 2022, tăng lên 25 triệu chiếc vào năm ngoái, tương đương khoảng 12% tổng số điện thoại hãng này sản xuất. Trong nửa đầu năm 2024, Apple đã sản xuất ít nhất 18 triệu điện thoại tại Ấn Độ và dự kiến nước này sẽ chiếm 23% tổng sản lượng vào cuối năm 2025.

“Với việc dòng iPhone 16 Pro đang được sản xuất tại Ấn Độ, rõ ràng là năng lực sản xuất của Apple tại quốc gia này dần trở nên hiệu quả hơn”, ông Sanyam Chaurasia, nhà phân tích cấp cao tại Canalys, cho biết.

Vào tháng 6.2023, CEO Apple Tim Cook và các giám đốc công nghệ khác đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhấn mạnh rằng quốc gia Nam Á này đại diện cho một “cơ hội lớn”.

Trong ngày 10.9, nhà sản xuất linh kiện điện tử của Mỹ là Jabil cho biết họ sẽ thành lập một nhà máy sản xuất tại bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ với khoản đầu tư 20 tỉ rupee (238 triệu USD). Với động thái này, Jabil sẽ tham gia cùng một số nhà cung cấp của Apple đã có trụ sở tại Tamil Nadu, bao gồm Foxconn và Pegatron.

Theo ông Nachiappan, đây là một động thái hợp lý đối với các công ty có trụ sở tại Mỹ như Apple để mở rộng địa điểm sản xuất, đặc biệt là khi có nguy cơ căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Chiến lược của Apple khi sản xuất iPhone 16 tại Ấn Độ- Ảnh 2.

Điện thoại iPhone được trưng bày tại cửa hàng của Apple ở thành phố Mumbai, Ấn Độ năm 2023

ẢNH: REUTERS

Trung Quốc vẫn là thị trường chủ đạo

Dù có sự chuyển dịch, Trung Quốc vẫn được xem là thị trường thiết yếu với Apple. Hãng điện thoại của Mỹ gặp khó khăn về doanh số vào đầu năm nay, khi phải cạnh tranh với những nhà sản xuất nội địa Trung Quốc như Tập đoàn Huawei Technologies. Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research (trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc) hồi tháng 3 chỉ ra doanh số bán iPhone tại Trung Quốc đã giảm 24% trong 6 tuần đầu năm nay.

Các thị trường mới nổi ở châu Á có thể là lựa chọn để Apple chuyển dịch sản xuất, dù vậy về lâu dài, Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất quan trọng, do tình hình sản xuất thiết bị ngày càng phức tạp và khó khăn trong việc đào tạo lao động có tay nghề, theo ông Chaurasia.

Cơn đau đầu mới của Apple: ChatGPT bị cấm ở Trung Quốc

Mặc dù Ấn Độ đã mở rộng mạng lưới cung ứng, nước này hiện chỉ tập trung vào lắp ráp sản phẩm cuối cùng, trong khi Trung Quốc vượt trội về nhiều khía cạnh của quy trình sản xuất và chế tạo.

Hầu hết điện thoại iPhone vẫn tiếp tục được lắp ráp tại Trung Quốc và các chuyên gia lưu ý rằng Apple sẽ phải đối mặt với những thách thức để tiếp tục mở rộng tại Ấn Độ. Ông Chaurasia nêu ra thách thức chính là quá trình học hỏi để có thể đào tạo lực lượng lao động có tay nghề, khi quy trình thiết kế thiết bị ngày càng phức tạp và tinh vi hơn.

Ngoài ra, căng thẳng giữa Bắc Kinh và New Delhi có thể ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của Ấn Độ, khi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải chịu thuế quan và giám sát chặt chẽ hơn. Sau cùng, chuyên gia Nachiappan lưu ý việc Ấn Độ có đẩy mạnh hợp tác với Apple và các nhà cung cấp để tạo một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong nước hay không, hay vẫn chỉ tập trung vào việc lắp ráp, vẫn còn là dấu hỏi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.