Chiến lược điện toán AI của Huawei hướng tới 'vượt trên ngăn chặn'

19/09/2019 15:02 GMT+7

Huawei đã công bố một chiến lược điện toán mới có thể làm thay đổi không chỉ tương lai của công ty mà cả cách thức thế giới nhìn nhận về thương hiệu gây tranh cãi này.

Công khai tham vọng trở thành nhà cung cấp giải pháp nền tảng cho ngành ICT toàn cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), hôm 18.9, Huawei đã công bố một chiến lược điện toán mới có thể làm thay đổi không chỉ tương lai của công ty mà cả cách thức thế giới nhìn nhận về thương hiệu gây tranh cãi này.
Phát biểu tại Thượng Hải trước 2.000 khách mời trong khuôn khổ sự kiện thường niên dành cho cộng đồng ICT quốc tế, Huawei Connect 2019, Phó chủ tịch Huawei Ken Hu tiết lộ những nét chính của kế hoạch hành động nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của Huawei ra khỏi mảng thiết bị viễn thông truyền thống, hiện là đối tượng của lệnh cấm khắc nghiệt từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Bóng ma lệnh cấm” vẫn còn đó, câu hỏi đầu tiên dành cho ông Hu tại cuộc họp báo là về những khó khăn trong việc triển khai mạng 5G tại các thị trường quốc tế, tuy nhiên Phó chủ tịch Huawei nhanh chóng gạt qua một bên: “Các cáo buộc về đe dọa an ninh đối với mạng 5G của Huawei là vô căn cứ và dựa vào tin đồn”; "từ vài tháng nay, tôi không còn quan tâm đến số lượng hợp đồng 5G đã ký kết”. Theo nguồn chính thức từ công ty có trụ ở Thâm Quyên, tính đến tháng 9.2019, đã có trên 50 nhà mạng châu Á, châu Âu, Nam Mỹ… hợp tác với Huawei để xây dựng mạng di động thế hệ mới.
Thách thức với Huawei, theo ông Ken Hu, nằm ở chỗ khác, đó là thị trường điện toán AI được ước tính lên tới 2.000 tỉ USD. Một đại dương xanh mà Huawei đang hướng tới, với những đề xuất hợp tác mở cho các nhà phát triển phần mềm và đối tác thương mại. Điện toán AI được Ken Hu giải thích đơn giản: kể từ khi khái niệm điện toán ra đời, tất cả những gì lập trình viên cần làm là đưa ra một bộ quy tắc và các tham số, máy tính đưa ra kết quả. Mô hình điện toán này chạy tốt cho các bài toán như phân tích số liệu điều tra dân số hay tính toán quỹ đạo của một vật thể. Nhưng thực tiễn có những bài toán kiểu khác mà người ta không thể đặt ra các quy tắc định trước, ví dụ như nhận diện giọng nói hay nhận diện hình ảnh. Để giải quyết các bài toán này, các nhà khoa học phát minh ra mô hình điện toán thống kê, hay điện toán AI. Điện toán AI ước tính sẽ chiếm 80% toàn bộ năng lực tính toán của toàn thị trường. Và đó là tương lai của Huawei.

Phó chủ tịch Huawei Ken Hu tiết lộ những nét chính của kế hoạch hành động nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của Huawei ra khỏi mảng thiết bị viễn thông truyền thống

BTC

Chiến lược điện toán AI của Huawei được công bố trước hết bao gồm tham gia đổi mới kiến trúc của các bộ vi xử lý. Dự án Da Vinci của Huawei ra mắt từ năm ngoái được hứa hẹn là kiến trúc duy nhất thế giới hỗ trợ tất cả các kịch bản trí tuệ nhân tạo trên mọi thiết bị và đám mây. Thứ hai, Huawei bắt đầu chế tạo nhiều dòng chip phục vụ các nhu cầu khác nhau như dòng Ascend tích hợp trí tuệ nhân tạo, dòng Kirin dành cho thiết bị cầm tay và Hongho dành cho màn hình thông minh. Đáng chú ý là chiến lược kinh doanh các sản phẩm của Huawei, theo đó nhà sản xuất này sẽ mở các thiết bị phần cứng như server AI cho đối tác, cho phép đối tác tích hợp điện toán AI của Huawei vào các thiết bị và giải pháp của riêng họ. Các phần mềm của Huawei cũng sẽ có mã nguồn mở, bao gồm server, hệ điều hành, cơ sở dữ liệu. Thứ tư, nhằm tạo ra hệ sinh thái mở, Huawei cam kết đầu tư 1,5 tỉ USD cho chương trình hỗ trợ các nhà phát triển, lên tới khoảng 5 triệu lập trình viên trên toàn cầu, để phát triển các ứng dụng và giải pháp thông minh thế hệ mới.
Nếu triển khai thành công, chiến lược điện toán AI sẽ mở ra triển vọng lớn cho Huawei vượt qua vòng kiềm tỏa, ngăn chặn hiện nay của Mỹ ở lĩnh vực viễn thông. Khi ấy Huawei sẽ trở thành nhà cung cấp giải pháp cho các ứng dụng AI, được dự đoán có mặt ở mọi ngành kinh tế, mọi lĩnh vực của cuộc sống - một cuộc tái định vị triệt để toàn bộ thương hiệu hiện nay.

Khách tham quan tại Huawei Connect 2019

BTC

Quan trọng không kém, nó cho phép Huawei tham gia sâu vào nghiên cứu cơ bản, đặt nền tảng cho những thay đổi công nghệ định hình tương lai của thế giới trong vài chục năm tới. Một ví dụ là dự án thiên văn SKA (Square Kilometer Array), dự án nghiên cứu quốc tế trị giá hàng tỉ đô la, nhằm mục đích tạo ra kính thiên văn lớn nhất từ trước đến nay. Các nhà khoa học đã đặt hàng nghìn anten nhỏ ở Nam Phi và Úc, sử dụng siêu máy tính để tổng hợp dữ liệu tạo thành “bức ảnh bầu trời” chi tiết chưa từng có. Trung Quốc là một trong 20 quốc gia tham gia dự án, trong đó Huawei cung cấp Atlas 900, cụm đào tạo trí tuệ nhân tạo nhanh nhất thế giới. Để quét 200.000 ngôi sao nhìn từ Nam bán cầu và tìm ra một thiên thể với những đặc điểm cụ thể nào đó, trước đây các nhà khoa học phải mất 169 ngày làm việc liên tục. Nhờ sức mạnh AI của Atlas 900, việc này giờ đây chỉ mất 10 giây.
Sau 40 năm cải cách mở cửa, đến nay Trung Quốc đã có tiền để đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. Đó là điều Giáo sư Gao Wen, Giám đốc Phòng nghiên cứu Peng Cheng thuộc Trường đại học Bắc Kinh thẳng thắn chia sẻ. Không chỉ là vấn đề vị thế quốc tế của Trung Quốc, việc đi đầu trong công nghệ AI - nơi nghiên cứu cơ bản rất nhanh chóng biến thành ứng dụng, còn tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp như Huawei nắm bắt cơ hội nghìn tỉ ở phía trước, cả ở thị trường nội địa và quốc tế. Tại cuộc triển lãm bên cạnh Huawei Connect 2019, hàng loạt doanh nghiệp cũng trưng bày những giải pháp đa dạng về "thành phố thông minh", "sân bay thông minh","đường sắt thông minh", "đại học thông minh", "tài chính thông minh"..., tổng cộng khoảng 500 dự án đã triển khai. Một tương lai đã thành hình trong đó Huawei đóng vai trò cung cấp nền tảng công nghệ bao gồm điện toán đám mây - AI - 5G - Internet vạn vật cho thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.