Chiến lược mới cho Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công

10/01/2022 20:30 GMT+7

Hai học giả Mỹ mới đây đề xuất một chiến lược biến Đài Loan trở nên “không thể được muốn nữa” đến mức Trung Quốc cảm thấy không cần tiếp tục chiếm đảo này bằng vũ lực.

Chiến lược nói trên nằm trong bài viết của tiến sĩ Jared McKinney thuộc Đại học Không quân Mỹ và tiến sĩ Peter Harris, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang Colorado (Mỹ), theo báo Nikkei Asia. Bài viết có tựa đề "Broken Nest: Deterring China from Invading Taiwan" (tạm dịch: Tổ bị vỡ: Ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan).

Chiến lược “tiêu thổ”

Đề xuất chính của hai ông McKinney và Harris dành cho Mỹ và Đài Loan là đe dọa phá hủy các cơ sở của Công ty sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chip quan trọng nhất thế giới và nhà cung cấp quan trọng nhất của Trung Quốc, nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan, theo Nikkei Asia.

Nếu TSMC dừng hoạt động, “các ngành công nghệ cao của Trung Quốc sẽ bị tê liệt vào đúng lúc nước này rơi vào tình trạng ráng sức đối phó cuộc chiến tranh ồ ạt”. “Thậm chí khi cuộc chiến tranh chính thức kết thúc, tổn thất kinh tế sẽ kéo dài nhiều năm”, hai ông McKinney và Harris viết. Hai ông còn lưu ý: “Dù Trung Quốc đã nỗ lực tạo ra nền công nghiệp chip “Made in China”, chỉ có 6% số chất bán dẫn được sử dụng ở nước này được sản xuất trong nước vào năm 2020”.

Tòa nhà trụ sở của Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) ở thành phố Tân Trúc, Đài Loan

AFP

Tác giả lập luận thách thức của chiến lược là phải làm cho việc đe dọa phá hủy các cơ sở của TSMC trông như thật đến mức không thể không tin. “Một cơ chế tự động có thể được thiết kế để kích hoạt một khi cuộc tấn công được xác nhận”, tác giả viết.

Trong lúc đảm bảo các cơ sở sản xuất chip quan trọng của TSMC không rơi vào tay Bắc Kinh, Mỹ và các đồng minh cũng có thể lập các kế hoạch ứng phó biến cố để nhanh chóng sơ tán các lao động Đài Loan có tay nghề cao trong lĩnh vực này và cho họ tị nạn, theo bài viết.

Hai tác giả McKinney và Harris thừa nhận chiến lược “tiêu thổ” này sẽ không hấp dẫn đối với phía Đài Loan, nhưng cho rằng tổn thất đối với nhân dân Đài Loan sẽ ít mang tính hủy diệt hơn so với việc Mỹ đe dọa về một cuộc chiến tranh lớn hơn, với các trận chiến kéo dài ở trong, phía trên và bên cạnh Đài Loan.

Xem F-16 Đài Loan trình diễn "voi đi bộ" trong đợt tập trận lớn

Mục tiêu của quân đội Trung Quốc

Trung Quốc đã có phản hồi về chiến lược do hai ông McKinney và Harris đề xuất. Trên website của mình, Văn phòng Sự vụ Đài Loan thuộc chính phủ Trung Quốc đã đăng bài nhấn mạnh rằng việc “đại lục theo đuổi tái thống nhất với bên kia eo biển Đài Loan chắc chắn không vì TSMC”.

Một nhà phân tích Trung Quốc có kết nối trong hải quân nước này nói với hai ông McKinney và Harris rằng mục tiêu của quân đội Trung Quốc (PLA) là một cuộc tấn công thành công trong 14 giờ, trong khi PLA ước tính Mỹ và Nhật Bản cần 24 giờ để ứng phó. “Nếu kịch bản này gần chính xác, chính phủ Trung Quốc có thể có chiều hướng cố tạo sự đã rồi ngay khi tự tin vào các khả năng liên quan của họ”, hai ông McKinney và Harris viết.

Chiến lược gây tranh cãi của hai ông McKinney và Harris xuất phát từ sự thừa nhận rằng những chiến lược răn đe truyền thống, như triển khai chiến hạm Mỹ xung quanh Đài Loan, không đủ để khiến Bắc Kinh từ bỏ hành động ở eo biển Đài Loan, theo Nikkei Asia.

Trung Quốc cứng rắn "không thỏa hiệp" trong vấn đề Đài Loan

Hai tác giả cho rằng nếu muốn ngăn Trung Quốc tấn công Đài Loan, Mỹ và Đài Loan nên tìm các biện pháp hành động để không dựa vào chiến lược đe dọa đáp trả bằng quân sự của Mỹ. “Việc chỉ dựa vào các đe dọa bằng quân sự ngày càng không còn đáng tin cậy nữa nên trở nên nguy hiểm hơn”, hai tác giả nhận định.

Mặt khác, hai tác giả đề xuất tạo ra những nỗ lực nhằm thuyết phục Bắc Kinh về những “lợi thế đáng kể” để duy trì hiện trạng. Hai ông cho rằng Washington phải tuyên bố Mỹ không có kế hoạch ủng hộ Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập và sẽ không tìm cách thay đổi hiện trạng bằng cách sử dụng những chiến thuật vùng xám mà vi phạm tinh thần của việc lập lại mối quan hệ hữu nghị Mỹ-Trung, theo Nikkei Asia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.