Chiến lược vắc xin cho người cao tuổi

02/11/2024 18:08 GMT+7

Hiện nay chúng ta chỉ mới có đề cập đến việc tiêm vắc xin cho trẻ em, chưa có chiến lược vắc xin cho người cao tuổi.

Ngày 2.11, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) tổ chức hội nghị lão khoa mở rộng lần thứ 8 năm 2024 với chủ đề "các bệnh lý lão khoa trong giai đoạn già hóa dân số". Hội nghị mang lại nhiều thông tin cập nhật, kiến thức và các kết quả nghiên cứu giá trị, giúp nâng cao hiểu biết và chất lượng điều trị cho người cao tuổi.

Tại hội nghị, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) nêu vấn đề tiếp cận và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành y tế: "thách thức và lộ trình".

Chiến lược vắc xin cho người cao tuổi- Ảnh 1.

Cần có chiến lược vắc xin cho người cao tuổi để sống khỏe mạnh

ẢNH: T.L

Theo ông Quang, cách mạng công nghiệp 4.0 gồm 3 tổ hợp chính: Công nghệ vật lý, công nghệ số và công nghệ sinh học. Trên nền tảng, Bộ Y tế xây dựng khung chương trình khung khoa học công nghệ giai đoạn 2025 - 2030, gồm 5 trụ cột.

Đó là nghiên cứu phát triển, ứng dụng kỹ thuật, phương pháp tiên tiến trong: Chẩn đoán và điều trị; dự phòng và phát triển vắc xin, sinh phẩm; phát triển thuốc và thiết bị y tế; phát triển dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; nghiên cứu khoa học cung cấp bằng chứng phục vụ quản lý, xây dựng chính sách y tế.

Với định hướng như vậy, trong chuyên ngành lão khoa, ông Quang nhấn mạnh cần tập trung nghiên cứu, phát triển chẩn đoán, điều trị bệnh mãn tính; sa sút trí tuệ, tâm thần kinh; y học tái tạo, tế bào gốc, gien trị liệu…

"Nên có định hướng phát triển chuyên ngành lão khoa trong khối y tế công cộng và y tế dự phòng. Trong đó có nghiên cứu dịch tễ các bệnh người cao tuổi, như: Bệnh mãn tính, tâm thần kinh, mô hình chăm sóc sức khỏe, mô hình phát triển thể chất - tinh thần người cao tuổi… để duy trì sức khỏe và chất lượng sống người cao tuổi", ông Quang nói.

Đặc biệt, theo ông Quang, hiện nay chúng ta chỉ mới đề cập đến vắc xin cho trẻ em, chưa đề cập đến vắc xin cho người cao tuổi. Do vậy, cần đánh giá tổng thể việc sử dụng vắc xin cho người cao tuổi. Và để có chiến lược vắc xin cho người cao tuổi thì bắt buộc phải xây dựng mô hình bệnh tật, dịch tễ học để đưa ra chiến lược chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Ngoài ra, cần nghiên cứu công nghệ y tế, thiết bị y tế hỗ trợ người cao tuổi trong sinh hoạt… Đặc biệt nghiên cứu những chính sách để phục vụ người cao tuổi.

Cuối cùng, theo ông Quang, hiện nay việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là bác sĩ chuyên ngành lão khoa còn rất khiêm tốn. Cả nước chỉ mới có 2 cơ sở đào tạo chuyên ngành lão khoa là Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Do đó, nên có những định hướng phát triển nguồn nhân lực cho chuyên ngành lão khoa.

Dịp này, Bệnh viện Thống Nhất ra mắt Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam.

Theo Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện Thống Nhất một sáng kiến quan trọng trong việc phát triển hoạt động ghép tạng, mở ra nhiều cơ hội cứu sống cho các bệnh nhân đang cần sự giúp đỡ.

Trong những năm gần đây, Bệnh viện Thống Nhất đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực khoa học và phát triển kỹ thuật y tế. Với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất đã thực hiện thành công các ca ghép thận, giúp mang lại hy vọng mới cho nhiều bệnh nhân. Hiện tại, bệnh viện cũng đang chuẩn bị cho kỹ thuật ghép gan, dưới sự ủng hộ và hỗ trợ chuyển giao từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.