Chiến lược y tế mới của TP.HCM

12/12/2021 06:18 GMT+7

UBND TP.HCM vừa phê duyệt chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn.

Trong chiến lược tổng thể có 5 chiến lược mà TP.HCM đề ra: bao phủ vắc xin Covid-19 đến từng người dân; kiểm soát dịch bệnh Covid-19; quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; điều trị F0 tại các bệnh viện; nâng cao năng lực phòng chống dịch và truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng.

5 chiến lược lớn nhằm bao phủ vắc xin Covid-19 của TP.HCM

Đi đến từng người dân thành phố

TP.HCM xem bao phủ vắc xin Covid-19 là một chiến lược then chốt trong phòng, chống và ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 vì nó xuất phát từ các yêu cầu thực tiễn. Tính đến ngày 11.12.2021, TP.HCM có tổng cộng 483.997 ca mắc Covid-19, 18.777 ca tử vong và có hơn 14,7 triệu liều vắc xin Covid-19 được tiêm.

Trong khoảng từ ngày 1.11 - 7.12.2021, TP.HCM ghi nhận có 1.581 ca tử vong do Covid-19 (có 194 ca chuyển đến từ các tỉnh). Trong đó, có 1.435 ca (tỷ lệ 91%) có mắc các bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, thận, tim mạch...); độ tuổi từ 18 - 50 là 167 ca, từ 51 - 65 tuổi là 460 ca và trên 65 tuổi là 945 ca. Có 828 ca chưa tiêm vắc xin Covid-19 (tỷ lệ 56%), với 59 ca ở độ tuổi từ 18 - 50, 195 ca từ 51 - 65 tuổi và 566 ca trên 65 tuổi.

Người dân tại TP.HCM tiêm vắc xin vào ngày 11.12

DUY TÍNH

Dù TP.HCM đã tổ chức tiêm chủng với số lượng lớn vắc xin Covid-19 nhưng vẫn còn những trường hợp chưa tiêm, hoặc thậm chí mắc bệnh và tử vong mà vẫn chưa được tiêm. Do đó, tăng độ bao phủ vắc xin cho mọi người dân, trong đó đặc biệt đối với nhóm nguy cơ cao là một nội dung hết sức cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Mặt khác, sau giai đoạn giãn cách, TP.HCM tiếp nhận số lượng lớn người dân từ các tỉnh về sinh sống, làm việc, học tập, có những người chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin, là một trong các nhóm nguy cơ cần được quản lý, kiểm soát và can thiệp để hạn chế sự bùng phát dịch từ các nhóm nguy cơ này…

Vì vậy, chiến lược bao phủ vắc xin Covid-19 của TP.HCM là đi đến từng người dân thành phố. Nhưng để bao phủ vắc xin đến từng người dân, cần triển khai 5 chiến lược nhỏ cụ thể.

Covid-19 sáng 12.12: Cả nước 1.398.413 ca | 5 chiến lược lớn bao phủ vắc xin

5 chiến lược tiêm vắc xin

Chiến lược 1 là ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân quay về TP.HCM từ các địa phương khác. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp... phổ biến rộng rãi cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị mình về chủ trương tiêm vắc xin Covid-19 cho mọi người dân, kể cả người từ các địa phương khác trở về TP.HCM.

Chiến lược 2 là “đi từng ngõ, gõ từng nhà” không bỏ sót bất kỳ ai, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Chiến lược 3 là xây dựng dữ liệu lớn về tiêm vắc xin Covid-19.

Chiến lược 4, tăng cường truyền thông vận động người dân tham gia tiêm vắc xin Covid-19.

Chiến lược 5, mở rộng độ bao phủ vắc xin cho trẻ em đến 3 tuổi và triển khai mũi tiêm tăng cường. Theo đó, TP.HCM lập kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em từ 3 - 11 tuổi, sẵn sàng triển khai sớm nhất khi được Bộ Y tế cho phép và cung ứng vắc xin. Lập kế hoạch sớm triển khai tiêm mũi tăng cường, mũi bổ sung theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Triển khai các công trình nghiên cứu so sánh hiệu quả giữa các loại vắc xin Covid-19, tổ hợp vắc xin Covid-19 (tiêm trộn) và đánh giá hiệu lực của các loại vắc xin trong việc phòng ngừa và bảo vệ.

Trong ngày 11.12, trên địa bàn TP.HCM có 14 quận, huyện đồng loạt tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho người diện ưu tiên theo quy định (tuyến đầu chống dịch) và mũi 1, 2 cho người chưa tiêm, người trở lại TP.HCM. Các quận, huyện còn lại tiếp tục tiêm trong những ngày tới.

Tiến đến xã hội hóa tiêm vắc xin khi có quy định

Theo chiến lược vắc xin mà TP.HCM đề ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, TP.Thủ Đức, phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan lập danh sách nhóm đối tượng chưa tiêm, triển khai nhiều hình thức cụ thể để người dân có thể đăng ký và được tiêm vắc xin sớm nhất.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 thành hoạt động thường xuyên của hệ thống y tế dự phòng, tổ chức các điểm tiêm, sắp xếp lịch tiêm trên từng địa bàn quận, huyện, TP.Thủ Đức để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân, nhưng phải đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí. Tiến đến xã hội hóa tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân khi có quy định. Thiết lập đường dây nóng để người dân có thể phản ảnh chưa được tiêm vắc xin và các vấn đề liên quan đến tiêm chủng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.