Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", khi Quân đội Nhân dân Việt Nam bằng sức mạnh và lòng tự tôn dân tộc đã đánh bại quân đội liên hiệp Pháp hùng mạnh, được trang bị khí tài hiện đại cùng lực lượng tham chiến hùng hậu. Hòa bình được lập lại ở miền Bắc, những người lính đi chiến đấu xa nhà nhiều năm bắt đầu được trở về nhà.
"Chiến tranh thật tàn khốc, tiểu đội hy sinh hết, chỉ còn mình tôi"
Một ngày hè tháng 4, chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Văn Nguyện (96 tuổi, trú tại khu dân cư Khánh Hội, P.Nam Đồng, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương), ngôi nhà nằm sâu trong một con ngõ nhỏ. Nơi đây là nhà cụ Nguyện và vợ là cụ Hoàng Thị Sợi.
Thấy chúng tôi đến, cụ Nguyện đi pha trà mời khách. Khi được biết ý định của chúng tôi muốn tìm hiểu về quãng thời gian tham gia kháng chiến, đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nét mặt người lính già thoáng nét đượm buồn.
Cụ Nguyện sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1944, cha của cụ Nguyện mất. Cũng trong năm này, anh thanh niên Nguyễn Văn Nguyện bắt đầu tham gia đội du kích chống Pháp của xã Nam Đồng.
Đến năm 1948, khi vừa tròn 18 tuổi, anh du kích Nguyện bị quân Pháp bắt tại đình làng Khánh Hội, sau đó bị đưa đi tù tại TP.Hải Dương và cuối năm 1949 thì đưa lên giam giữ tại nhà tù Lạng Sơn.
Cũng trong năm này, cụ Nguyện trốn trại giam rồi gia nhập Tiểu đoàn 154, Trung đoàn Sông Lô (hiện là Trung đoàn 209), thuộc Sư đoàn 312. Sau đó, đơn vị di chuyển lên Cao Bằng.
Tại đây, đơn vị tham gia chiến dịch Biên giới năm 1950, chiến dịch Hòa Bình năm 1951 - 1952 với các trận đánh ác liệt, sau mỗi chiến dịch lại trở về Phú Thọ để huấn luyện, rèn quân. Đến tháng 8.1953, đơn vị của cụ Nguyện được lệnh hành quân lên Điện Biên Phủ. Lúc này, cụ Nguyện mang quân hàm thượng sĩ, chức vụ Tiểu đội trưởng.
Ngày 13.3.1954, trận đánh đồi Him Lam là trận mở màn trong chiến dịch Điện Biên Phủ của quân đội ta. Trận đánh này tiểu đội do cụ Nguyện làm Tiểu đội trưởng, thuộc Sư đoàn 312 đã trực tiếp tham gia. Quân ta đã giành chiến thắng, nhưng tiểu đội chỉ còn mình cụ Nguyện sống sót, 11 chiến sĩ còn lại đã hy sinh.
Sau khi quân đội ta củng cố lực lượng, đến ngày 30.3.1954, tiểu đội của cụ Nguyện tiếp tục được bổ sung quân, tham gia chiến đấu chiếm đồi D1. Trận đánh này, tiểu đội hy sinh 6 chiến sỹ, chiếm một nửa quân số.
"Giữa tháng 4.1954, tôi tham gia trận đánh cuối cùng, đơn vị tôi vượt cầu Mường Thanh để tấn công sân bay Mường Thanh. Trận đánh kết thúc, quân ta thắng lợi, tiểu đội của tôi hy sinh 3 chiến sĩ, còn lại 3 người. Chiến tranh thật tàn khốc, tôi may mắn hơn những đồng đội khi còn sống trong khi quá nửa đơn vị hy sinh. Cái giá phải trả cho độc lập, tự do của đất nước là rất đắt. Giờ đây, khi đã ở độ tuổi gần đất xa trời, nhiều đêm tôi vẫn mơ về họ", cụ Nguyện bùi ngùi.
Ký ức ‘khoét núi, ngủ hầm’ và khối bộc phá ngàn cân trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Gia đình tưởng đã hy sinh nên lập bàn thờ
Theo cách mạng tròn 10 năm, 6 năm kể từ khi địch bắt, trốn trại rồi trở về với cách mạng tham gia kháng chiến chống Pháp, khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, tháng 12.1954, anh lính trẻ Nguyễn Văn Nguyện được đơn vị cho phép về thăm nhà.
Cụ Nguyện nhớ lại: "Thời điểm này, đất nước ta còn rất khó khăn, khi về phép thăm nhà, đơn vị cấp cho tôi 3 kg gạo. Tôi trở về nhà lúc này chỉ có mẹ tôi ở nhà, bà đang hái rau ở vườn. Khi tôi cất tiếng chào, mẹ tôi như người ở cõi chết trở về. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau mừng mừng, tủi tủi. Mẹ tôi bảo tưởng rằng tôi đã chết kể từ khi bị địch bắt, giam cầm rồi bặt vô âm tín nên đã lập bàn thờ ngày ngày khói hương".
Về phép được 7 ngày, cụ Nguyện trở lại đơn vị. Từ năm 1955 - 1960, đơn vị của cụ Nguyện sang nước bạn Lào giúp mở đường. Đến năm 1960, cụ Nguyện phục viên trở về quê nhà. Từ năm 1960, cụ Nguyện tham gia đội dân quân du kích tại địa phương, đến năm 1981 thì thôi tham gia công tác.
Trong quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cụ Nguyện đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý như: Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, Huy chương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Kỷ niệm chương Quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào…
Về già sống vui, sống khỏe, sống có ích
Dù ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng trong những câu chuyện mà cụ Nguyện kể cho chúng tôi như mới xảy ra ngày hôm qua, với từng thời điểm, từng sự kiện lịch sử của đất nước. Điều đó cho thấy cụ Nguyện trí tuệ vẫn minh mẫn.
"Gần 100 tuổi rồi, tôi không còn khỏe nữa, trước kia tôi vẫn giữ thói quen dậy sớm, tập thể dục buổi sáng. Nhưng từ mấy năm nay do ảnh hưởng của tuổi tác, tôi không tập nữa. Mỗi bữa tôi ăn 1 bát cơm, tôi không ốm đau vặt, tuổi già chủ yếu là đau nhức xương mỗi khi trái gió trở trời. Tôi không hút thuốc, không uống rượu, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh để không phiền đến con cháu", cụ Nguyện chia sẻ.
Vợ chồng cụ Nguyện sinh được 6 người con, 4 người con làm ăn sinh sống ở H.Đăk Hà (Kon Tum), 2 người con sinh sống ở quê đều có gia đình riêng. Vợ chồng cụ không ở với người con nào dù được các con thuyết phục, cụ nói ở đất quê, đất hương hỏa của tổ tiên đã quen, cuối đời không muốn đi đâu nữa. Vì vậy, 2 người con của cụ mỗi ngày đều thay phiên nhau đến lo cơm nước và trông nom bố mẹ.
Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quyết định cân não làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Trãi, Phó chủ tịch UBND P.Nam Đồng, cho biết ở địa phương chỉ duy nhất cụ Nguyễn Văn Nguyện là người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử còn sống. Trước đó, ở phường cũng có một vài cụ nhưng đều đã mất.
"Từ khi trở về sinh hoạt tại địa phương, cụ Nguyện và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Cụ là người sống có kỷ luật, luôn chan hòa, vui vẻ với nhân dân trong khu xóm, là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo", ông Trãi nói thêm.
Bình luận (0)