Chiến sự Armenia-Azerbaijan: Hai bên tố nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn

12/10/2020 08:58 GMT+7

Azerbaijan và Armenia đã cáo buộc nhau vi phạm các điều khoản của lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh, làm nổi lên câu hỏi liệu thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian thật sự có ý nghĩa hay không.

Lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan đã có hiệu lực vào ngày 10.10. Nhưng trong vòng vài phút sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm các điều khoản của lệnh ngừng bắn tại khu vực ly khai Nagorno-Karabakh.
Lệnh ngừng bắn, do Nga làm trung gian, nhằm mục đích ngừng chiến sự để cho phép các lực lượng Armenia tại vùng Nagorno-Karabakh và quân đội Azerbijan trao trả tù nhân và tử sĩ.

Những người phụ nữ khóc khi người thân của họ mất tích dưới đống đổ nát của một vụ nổ do trúng tên lửa trong cuộc giao tranh giành vùng ly khai Nagorno-Karabakh ở thành phố Ganja (Azerbaijan) ngày 11.10

Reuters

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Armenia cáo buộc Azerbaijan đã pháo kích vào một khu định cư trong lãnh thổ Armenia, trong khi lực lượng người Armenia ở Karabakh cáo buộc quân đội Azerbaijan đã tiến hành một cuộc tấn công mới.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan thì đăng tải nhiều video về các cuộc không kích vào các phương tiện quân sự mà không đề cập đến địa điểm hoặc ngày tháng chính xác. Azerbaijan cũng cáo buộc phía Karabakh pháo kích vào lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, cả hai bên bác bỏ cáo buộc của phía bên kia về hoạt động quân sự.

Các đội tìm kiếm và cứu hộ làm việc tại khu vực bị trúng tên lửa trong cuộc giao tranh ở Nagorno-Karabakh, tại thành phố Ganja (Azerbaijan) ngày 11.10

Reuters

Tổng thống Azerbihan Ilham Aliyev nói rằng các bên tham chiến hiện đang cố gắng tìm kiếm một cuộc dàn xếp chính trị. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người đã đứng ra hòa giải, hôm 10.10 cho biết hai bên đã đồng ý tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình thực chất.
Các cuộc giao tranh mới trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập niên đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn giữa Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh thân cận của Azerbaijan, và Nga - quốc gia có hiệp ước quốc phòng với Armenia. Các cuộc đụng độ cũng làm gia tăng lo ngại về an ninh của các đường ống dẫn dầu và khí đốt của Azerbijan đến châu Âu. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.