Báo cáo tình báo mới nhất của quân đội Anh cho biết lực lượng Ukraine đã thu hồi ít nhất 1 km lãnh thổ gần TP.Bakhmut (tỉnh Donetsk), tờ The Guardian ngày 13.5 đưa tin. Trong lúc đó, Tổng thống Ukraine gặp Giáo hoàng Francis.
Tiến triển của Ukraine ở Bakhmut
Theo tình báo quân đội Anh, khu vực vừa được thu hồi nằm ở mạn tây của kênh đào Donets-Donbass, nơi có nhiều đoạn là chiến tuyến phân cách hai phe và đóng một số vai trò đáng kể về chiến thuật. Cũng theo báo cáo, phía Ukraine chiếm được nơi này sau khi các đơn vị của Lữ đoàn súng trường cơ giới độc lập số 72 của Nga rút khỏi các vị trí ở phía nam TP.Bakhmut. Bộ Quốc phòng Anh nhận định những gì diễn ra trong vài ngày qua phản ánh tình trạng Nga thiếu hụt các đơn vị tác chiến đáng tin cậy. Moscow chưa bình luận về thông tin trên.
Xem nhanh: Chiến sự Nga-Ukraine ngày thứ 443
Cũng trong hôm qua, TASS dẫn lời một số quan chức được Nga bổ nhiệm ở "Cộng hòa Nhân dân Luhansk" tự xưng (LPR) lên án quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa hành trình do Anh viện trợ để tấn công TP.Luhansk, khiến 6 trẻ bị thương. "Theo thông tin được cập nhật, ngày 12.5, trong một vụ tấn công tên lửa vào TP.Luhansk, lực lượng vũ trang Ukraine triển khai hai tên lửa hành trình Storm Shadow (do Anh, Pháp chế tạo) và một tên lửa ADM-160B MALD (Mỹ)", theo TASS. Trước diễn biến này, một số nhà quan sát cũng cho rằng Kyiv nhiều khả năng đã nhận được vũ khí mới từ phương Tây.
TP.Luhansk cách tiền tuyến khoảng 100 km, tức nằm ngoài các tên lửa tầm ngắn hơn của quân đội Ukraine. Trước đó trong tuần, Anh xác nhận đã chuyển giao tên lửa tầm bắn tối đa 300 km cho Ukraine. Đây cũng là tên lửa tầm bắn xa nhất mà chính quyền Kyiv tiếp nhận từ các đồng minh phương Tây. Cùng ngày 13.5, đến lượt Đức công bố khoản hỗ trợ trị giá 2,7 tỉ euro, cũng là gói viện trợ quân sự lớn nhất của Berlin cho Kyiv kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Gói viện trợ bao gồm 30 xe tăng Leopard 1, 15 xe tăng phòng không Gepard, hơn 200 máy bay trinh sát và 4 hệ thống phòng không Iris-T, theo Reuters.
Lãnh đạo NATO 'trải lòng' về tương lai xung đột Ukraine
Tổng thống Ukraine gặp Giáo hoàng Francis
Chiều qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Rome gặp gỡ giới chức chính quyền Ý và Giáo hoàng Francis của Giáo hội Công giáo Rome. Cuối tháng 4, Giáo hoàng Francis từng cho biết Vatican đang tham gia sứ mệnh hòa bình trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
"Tôi gặp Tổng thống Ý Sergio Mattarella, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Giáo hoàng Francis. Đây là chuyến công du quan trọng nhằm đạt được thắng lợi cho Ukraine", ông Zelensky thông báo trên Twitter. Chưa rõ chuyến thăm có liên quan đến sứ mệnh hòa bình mà Giáo hoàng Francis từng thông báo hay không. Vatican chưa chia sẻ nội dung cuộc gặp.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang chuẩn bị tổ chức chiến dịch phản công mùa xuân. Tờ The New York Times ngày 13.5 dẫn lời các quan chức Mỹ kỳ vọng chiến dịch này có thể tạo nên tiền đề cho cuộc đối thoại với Nga. Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Nga Vladimir Putin không có dấu hiệu muốn nhượng bộ hoặc ngồi vào bàn đối thoại khi chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra khi phát động chiến sự. Giới chức lãnh đạo Ukraine cũng bác bỏ khả năng đàm phán cho đến khi đẩy lùi lực lượng Nga.
Thực hư vụ Ukraine bắn rơi tên lửa bội siêu thanh Nga bằng Patriot
Bà Avril Haines, Giám đốc Tình báo quốc gia của Mỹ, nhận định khó có khả năng người Nga sẽ nhượng bộ để ngồi vào bàn đàm phán trong năm nay. Thậm chí bà còn cho rằng nếu Ukraine và Nga đạt được lệnh ngừng bắn, đây sẽ là cơ hội để quân đội Nga lấy lại sức mạnh để tiếp tục chiến đấu trong giai đoạn kế tiếp. Về khả năng phương Tây có thể giảm bớt sự hỗ trợ đối với Ukraine theo thời gian, các lãnh đạo tài chính G7 hôm 13.5 đã kết thúc hội nghị kéo dài 3 ngày tại TP.Niigata (Nhật Bản) với cam kết sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine.
Bình luận (0)