Chiến sự đến tối 10.12: Nga tố phương Tây có nguồn vũ khí mới cho Ukraine

10/12/2022 18:25 GMT+7

Nga cho rằng Mỹ và các đồng minh đang tích cực phối hợp để mua vũ khí, thiết bị từ các nước thứ 3 và gửi đến Ukraine.

Binh sĩ Ukraine nã pháo về phía lực lượng Nga ở vùng Donetsk

afp

Hãng TASS ngày 10.12 dẫn lời Đại sứ Nga Vasily Nebenzya phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng các nước gửi vũ khí cho Ukraine chắc chắn sẽ phải chịu hậu quả pháp lý.

“Chúng tôi tỉ mỉ ghi lại mọi hành động tội phạm như thế của Mỹ và các đồng minh, họ sẽ chịu hậu quả pháp lý đối với bất cứ những ai liên quan”, ông phát biểu và cho biết Nga đã theo dõi và phá hủy những phương tiện vận chuyển.

“Do kho vũ khí của phương Tây sụt giảm, Washington và các đồng minh gần đây đang cố gắng tích cực phối hợp với các nước thứ 3, mua vũ khí, thiết bị quân sự và gửi đến Ukraine. Những thỏa thuận như thế gần đây đã được Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba thừa nhận”, theo nhà ngoại giao Nga.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày thứ 289 có diễn biến gì nóng?

Theo Reuters ngày 10.12, Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine và tuyên bố sẽ cắt đứt mối quan hệ giữa Nga với Iran, sau khi phía Anh cho rằng Iran liên quan trong nỗ lực của Nga về việc tìm kiếm hàng trăm tên lửa đạn đạo kèm hứa hẹn đổi lại sự hỗ trợ quân sự chưa từng thấy.

Tehran và Moscow bác bỏ các cáo buộc của phương Tây rằng Nga đang sử dụng các máy bay không người lái (UAV) của Iran để tấn công các mục tiêu ở Ukraine.

Trong ngày 10.12, báo Kyiv Independent dẫn lời tỉnh trưởng Dnipropetrovsk Valentyn Reznichenko cho hay phía Nga nã pháo hạng nặng tại khu vực Nikopol trong đêm khiến 4 người thiệt mạng.

Tại Donetsk, tỉnh trưởng Pavlo Kyrylenko cho hay có 4 người bị thương tại Bakhmut, Avdiivka và Kostiantynivka do hỏa lực Nga.

Không quân Ukraine cho hay lực lượng nước này đã bắn hạ 10 trong số 15 UAV Shahed-136 và Shahed-131 của Nga tại Kherson, Mykolaiv và Odessa.

Mỹ ủng hộ Đức gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine

Trong vòng 24 giờ, Nga phóng 5 tên lửa, tổ chức 20 cuộc không kích và nã pháo về phía Ukraine, theo Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Ukraine. Phía Ukraine tấn công 4 chốt kiểm soát và 5 khu vực tập trung các binh sĩ Nga.

Nga chưa bình luận về những thông tin trên của phía Ukraine.

Nga tuyên bố có thể tấn công phủ đầu

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 9.12 cho biết Moscow có thể áp dụng thứ mà ông gọi là khái niệm của Mỹ về việc tiến hành các cuộc tấn công quân sự phủ đầu, đồng thời lưu ý rằng Moscow có vũ khí để làm như vậy, giữa lúc căng thẳng Nga - NATO gia tăng vì Ukraine.

"Chúng tôi chỉ đang nghĩ về việc đó. Họ không ngần ngại nói chuyện một cách công khai về việc đó trong những năm qua", AP dẫn lời ông Putin đề cập đến chính sách của Mỹ, khi ông tham dự một hội nghị ở Kyrgyzstan cùng lãnh đạo một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Ông Putin nói chuyện ‘tấn công phủ đầu’, NATO lo xung đột vượt tầm kiểm soát

Trong nhiều năm, Điện Kremlin đã bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của Washington nhằm phát triển cái gọi là khả năng Tấn công Toàn cầu Nhanh chóng Thông thường (CPGS), nhằm tấn công các mục tiêu chiến lược của kẻ thù bằng vũ khí thông thường dẫn đường chính xác ở bất cứ đâu trên thế giới trong vòng một giờ.

“Nói về một cuộc tấn công xóa sổ lực lượng, có lẽ nên suy nghĩ về việc áp dụng các ý tưởng do các đồng cấp Mỹ của chúng ta phát triển, ý tưởng đảm bảo an ninh của họ", ông Putin nói, lưu ý rằng một cuộc tấn công phủ đầu như vậy có mục đích đánh sập các cơ sở chỉ huy.

Tại Washington, các cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden coi những lời lẽ mới nhất của ông Putin là "đe dọa quân sự", cũng như là một cảnh báo ngầm khác rằng Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, theo một quan chức Mỹ giấu tên. Quan chức này lưu ý rằng học thuyết quân sự của Nga từ lâu đã tuyên bố Moscow bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trước hết để đáp trả hành vi gây hấn quân sự quy mô lớn.

Mỹ - Nga trao đổi tù nhân, có phải là chiến thắng của ông Putin?

NATO lo xung đột vượt tầm kiểm soát

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và trở thành cuộc chiến giữa Nga và NATO. "Nếu mọi thứ đi sai hướng, chúng có thể trở thành một sai lầm khủng khiếp", ông nói trên đài truyền hình NRK của Na Uy, theo AP.

"Đây là một cuộc chiến kinh hoàng ở Ukraine. Đây cũng là một cuộc chiến có thể trở thành một cuộc chiến toàn diện và rồi biến thành một cuộc chiến lớn giữa NATO và Nga... Chúng tôi đang làm việc mỗi ngày để ngăn chặn chuyện đó", ông Stoltenberg cho hay.

Theo ông Stoltenberg, người từng là thủ tướng Na Uy, "không nghi ngờ gì về khả năng xảy ra một cuộc chiến toàn diện", đồng thời nói thêm rằng điều quan trọng là phải ngăn chặn một cuộc xung đột "dính líu đến nhiều quốc gia hơn ở châu Âu và trở thành một cuộc xung đột toàn diện ở châu Âu".

Vì sao Ba Lan lại "khó thở" vì xung đột ở Ukraine?

Những phát biểu này xuất hiện sau khi Ukraine được cho là đã tấn công các căn cứ quân sự sâu bên trong lãnh thổ Nga, một diễn biến gây lo ngại rằng xung đột sẽ leo thang và lan rộng. Mỹ và các nước NATO, dù viện trợ rất nhiều vũ khí cho Ukraine, đến nay vẫn từ chối cung cấp các loại vũ khí có thể giúp lực lượng Kyiv tấn công mục tiêu nằm trên lãnh thổ Nga cách xa chiến tuyến.

Xem thêm: Ông Putin nói chuyện 'tấn công phủ đầu', NATO lo xung đột vượt tầm kiểm soát

Ông Putin nói Nga quyết định đúng

Đài RT ngày 9.12 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay ông “thất vọng” về phát ngôn gần đây của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel khi thừa nhận rằng thỏa thuận Minsk chỉ là biện pháp “câu giờ” nhằm giúp quân đội Ukraine có thời gian chuẩn bị.

“Các bạn có thể nói gì về điều đó?”, ông Putin phát biểu tại một cuộc họp báo và cho hay ông bị sốc khi nghe lời thừa nhận của cựu lãnh đạo Đức. Ông từng cho rằng những đối tác ở Đức “cư xử với chúng ta bằng sự chân thành”.

Ông Putin nói gì về phát ngôn gây xôn xao của bà Merkel?

Nhà lãnh đạo Nga cho biết phát ngôn của bà Merkel một lần nữa chứng minh rằng Nga đã quyết định đúng khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Về phần mình, Chủ tịch Duma quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho rằng Đức và Pháp nên bồi thường cho những người dân ở Donbass, sau phát biểu của bà Merkel.

Xem thêm: Ông Putin nói gì về phát ngôn gây xôn xao của bà Merkel?

Xem thêm diễn biến tình hình chiến sự Nga-Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.