Wagner giành được khu định cư gần Bakhmut
Lãnh đạo Yevgeny Prigozhin của lực lượng đánh thuê Wagner ngày 24.2 tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn khu định cư Berkhivka ở ngoại ô thành phố Bakhmut, tỉnh Donetsk, theo TASS.
Berkhivka cách Bakhmut khoảng 3 km về hướng tây bắc. Bakhmut là tâm điểm chiến sự và là mục tiêu của Nga trong vài tháng qua.
Phía Ukraine chưa bình luận gì về thông tin mới. Trong bài phát biểu rạng sáng 24.2, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết tình hình chiến sự tại miền đông "rất khó khăn và đau đớn" nhưng Ukraine đang làm mọi thứ để chống chịu, theo Reuters. Tại miền nam, nhà lãnh đạo mô tả tình hình khá nguy hiểm tại một số nơi. Tại thành phố Kherson, lực lượng thân Nga đã nã pháo làm tắt hệ thống sưởi cho 40.000 người. Nga chưa bình luận về thông tin này.
Xem nhanh: đã qua 365 ngày, xung đột sẽ còn nóng hơn, lan rộng?
Trước đó, trong cuộc họp báo tại Kyiv ngày 23.2, Phó lãnh đạo Tổng cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine Oleksiy Gromov nhận định trong tương lai gần, Nga muốn kiểm soát các khu định cư ở Donetsk và Luhansk và giành toàn bộ hai vùng này đến mùa hè.
Tuy nhiên, ông đánh giá việc này nói dễ hơn làm và khả năng binh sĩ Nga để đạt được thành công lớn như vậy là hạn chế do thiếu nguồn lực, đặc biệt là đạn pháo, theo chuyên san The Drive.
Trong báo cáo ngày 24.2, Bộ Quốc phòng Anh cho biết mục tiêu ban đầu chiến dịch của Nga là kiểm soát toàn bộ Ukraine nhưng đến tháng 4.2022, Moscow nhận ra điều đó đã thất bại và tập trung mở rộng, hợp thức hóa quyền quản lý vùng Donbass và miền nam.
Trong vài tuần gần đây, Nga có thể đã thay đổi cách tiếp cận và giờ chủ yếu tìm cách làm suy yếu quân đội Ukraine thay vì giành thêm những vùng đất mới. "Giới lãnh đạo Nga có thể đang theo đuổi chiến dịch lâu dài khi họ tin rằng lợi thế dân số và nguồn tài nguyên của Nga sẽ làm suy kiệt Ukraine", Bộ Quốc phòng Anh đánh giá.
Các nhà lãnh đạo nói gì trong ngày tròn 1 năm chiến sự?
Hãng Reuters ngày 24.2 đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ chiến thắng Nga trong năm nay, khi phát biểu đánh dấu tròn một năm chiến sự.
Trong đoạn phim gửi cho giới truyền thông với tựa đề "Năm bất bại", nhà lãnh đạo 45 tuổi ngồi tại bàn và nhắc lại thời điểm ông phát biểu với người dân cách đây 1 năm, sau khi Nga đưa quân sang. Chúng ta không bị đánh bại và chúng ta sẽ làm mọi thứ để chiến thắng trong năm nay", ông Zelensky tuyên bố.
Một năm xung đột Nga-Ukraine: Những mốc đáng nhớ
Reuters đưa tin ông Zelensky đã khóc trong lúc quốc ca Ukraine vang lên trong buổi lễ trao huân chương anh hùng cho binh sĩ tại Kyiv ngày 24.2.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter: "Hỡi nhân dân Ukraine, nước Pháp đứng về phía các bạn. Vì đoàn kết, vì chiến thắng, vì hòa bình".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng ra tuyên bố khẳng định Tổng thống Nga càng sớm nhận ra rằng ông sẽ không đạt mục tiêu thì xung đột càng có cơ hội sớm chấm dứt. "Ông (Vladimir) Putin nắm quyền tự quyết trong tay và ông ấy có thể chấm dứt cuộc chiến này", ông Scholz nói, theo AFP.
Thế giới đánh dấu 1 năm xung đột Ukraine
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với báo chí tại Estonia rằng sau một năm chiến sự, lãnh đạo Nga đã không đạt được bất kỳ mục tiêu chiến lược nào. "Thay vì xóa sổ Ukraine khỏi bản đồ, ông ấy bị chạm trán với một nước mạnh mẽ hơn bao giờ", bà von der Leyen nói. Các nhà lãnh đạo NATO, Ý, Ba Lan cũng đưa ra thông điệp trong ngày 24.2.
Nga tuyên bố sẽ chiến thắng
Ngày 24.2, cựu Tổng thống Nga Dimitry Medvedev tuyên bố Nga sẽ giành chiến thắng tại Ukraine và sẵn sàng chiến đấu đến tận biên giới Ba Lan để đối phó các mối đe dọa.
Trong bài viết đăng trên Telegram đúng dịp tròn 1 năm từ khi xung đột bùng phát, ông Medvedev nói binh sĩ Nga đã "khôi phục trật tự, hòa bình và công lý trên lãnh thổ của chúng tôi, bảo vệ nhân dân và tiêu diệt gốc rễ của chủ nghĩa tân phát xít".
Nguy cơ hạt nhân gia tăng sau khi Nga đình chỉ hiệp ước New START
Theo tờ The Guardian, ông Medvedev, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh liên bang, tuyên bố Nga sẽ giành chiến thắng và sẽ có những cuộc đàm phán khó khăn do những người đối diện trên bàn đàm phán và những người lãnh đạo thực tế là hoàn toàn khác nhau. Ông Medvedev ám chỉ chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bị chi phối bởi sự ảnh hưởng của phương Tây, "những người đã cung cấp vũ khí cho Kyiv và phân bổ tiền để đảm bảo duy trì nền kinh tế Ukraine".
"Điều rất quan trọng là đạt được toàn bộ mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Đẩy các mối đe dọa ra khỏi biên giới càng xa càng tốt, thậm chí đến cả biên giới Ba Lan", ông Medvedev viết.
Anh, Mỹ gia tăng cấm vận Nga
Mỹ ngày 24.2 công bố lệnh cấm vận mới nhắm vào các lĩnh vực ngân hàng, khai khoáng và quốc phòng của Nga. Hơn 200 cá nhân và thực thể, gồm của Nga và của nước thứ ba nằm trong danh sách cấm vận, theo AFP. Một trong những biện pháp mới là giới hạn xuất khẩu chất bán dẫn có công nghệ Mỹ, bất kể do Mỹ sản xuất hay ở nước ngoài.
Mỹ và đồng minh đã đổ bao nhiêu tiền để giúp Ukraine đối phó Nga?
Trước đó, Mỹ vừa công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 2 tỉ USD cho Ukraine nhưng không bao gồm chiến đấu cơ F-16.
Cùng ngày, Anh cũng ban hành lệnh cấm vận mới lên 92 cá nhân và thực thể của Nga. Anh sẽ cấm xuất khẩu toàn bộ những vật phẩm mà Nga sử dụng trên chiến trường. Bên cạnh đó, Anh cấm nhập khẩu 140 loại sản phẩm, gồm sắt thép, của Nga thông qua các nước thứ ba.
Ukraine có thể nhận chiến đấu cơ?
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen ngày 24.2 cho biết nước ông cởi mở với ý tưởng chuyển chiến đấu cơ cho Ukraine để giúp chống lại Nga. "Tôi sẽ không bác bỏ điều đó. Đến một thời điểm nào đó, có thể cần thiết để xem xét đóng góp chiến đấu cơ", Reuters dẫn lời ông Poulsen.
Đan Mạch đã mua 77 chiến đấu cơ F-16 từ thập niên 1970, trong đó khoảng 30 chiếc còn hoạt động.
Chuyên gia: Xung đột Nga-Ukraine sẽ nóng hơn
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cùng ngày cho biết London chuẩn bị cung cấp chiến đấu cơ cho các đồng minh Đông Âu để họ chuyển các chiến đấu cơ thời Liên Xô của họ cho Ukraine.
"Một cách nhanh để Ukraine có thể hưởng lợi từ các chiến đấu cơ là từ các nước tại châu Âu có máy bay thời Liên Xô như MiG-29, Su-24. Nếu họ trao các máy bay đó, chúng tôi có thể sử dụng chiến đấu cơ của chúng tôi để lấp chỗ trống và cung cấp an ninh cho họ", ông Wallace nói. Tuy nhiên, vị bộ trưởng nói không chắc có nước nào sẵn sàng làm điều này hay không.
Trong cùng ngày, Bloomberg đưa tin Ba Lan sẽ cung cấp những xe tăng Leopard 2 đầu tiên trong số 14 chiếc mà nước này đã hứa cho Ukraine. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đang thăm Kyiv trong ngày 24.2 và được cho là sẽ công bố thông tin này. Chuyến đi diễn ra ngay dịp tròn 1 năm từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, nhằm thể hiện sự ủng hộ dành cho Kyiv.
Trung Quốc ra lập trường về Ukraine
Trung Quốc công bố lập trường gồm 12 điểm vào dịp tròn 1 năm chiến sự tại Ukraine, kêu gọi hòa đàm, ngừng cấm vận đơn phương và tái thiết hậu xung đột.
Trung Quốc đề xuất gì trong lập trường 12 điểm về xung đột Ukraine?
Trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24.2 đăng tải thông tin cho biết nước này muốn ngăn khủng hoảng Ukraine vượt ngoài tầm kiểm soát, trong 12 quan điểm chính trị đưa ra vào dịp tròn 1 năm chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Nổi bật trong các quan điểm, Bắc Kinh cho rằng đối thoại, đàm phán là cách khả dĩ duy nhất nhằm giải quyết khủng hoảng Ukraine.
Bình luận (0)