Chiến sự đến tối 7.10: Nga sẽ không còn phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân

07/10/2023 19:13 GMT+7

Quyết định trên được công bố trong lúc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (trụ sở Mỹ) ghi nhận chính quyền Kyiv tiếp tục triển khai thành công chiến dịch quân sự ở khu vực cách thành phố Bakhmut khoảng 8 km về hướng đông nam.

Chiến sự đến tối 7.10: Nga sẽ không còn phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân - Ảnh 1.

Lực lượng phòng không Nga đánh chặn thành công các tên lửa Ukraine bắn về Belgorod hôm 7.10

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Diễn biến ở Zaporizhzhia, Donetsk

Những hình ảnh đã được xác định vị trí cho thấy lực lượng Ukraine tiến quân về hướng rừng cây nằm giữa làng Robotyne và làng Verbove thuộc Zaporizhzhia, cách làng Verbove khoảng 6 km về hướng đông nam.

Người phát ngôn Illia Yevlash của Lực lượng phía đông Ukraine, cho biết các đơn vị đang chuẩn bị chiến dịch phản công xuyên suốt giai đoạn thu-đông.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 590 có diễn biến gì nóng?

Bà Yevlash thừa nhận quân đội Ukraine đối mặt không ít thách thức trong thời gian tới như nhu cầu vũ khí, đạn dược phải gia tăng, điều kiện thời tiết mù sương có thể làm phức tạp thêm việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) cũng như các nhánh chiến thuật và không quân.

Tuy nhiên, lực lượng Ukraine sẽ kiên trì tiếp tục chiến đấu qua mùa đông.

Trong ngày 7.10, tỉnh trưởng Yurii Malashko của Ukraine tại Zaporizhzhia cáo buộc phía Nga đã giáng đòn tấn công bằng bom chùm ở miền nam Zaporizhzhia, khiến 1 người chết, 2 người bị thương. Cùng ngày, chính quyền Odessa cũng cho biết 4 người bị thương trong vụ Nga tấn công bằng tên lửa vào khu vực.

Về phần mình, người phát ngôn Oleg Chekhov của Nhóm tác chiến miền đông thuộc quân đội Nga cho hay các đơn vị đã cải thiện vị trí chiến đấu ở hướng nam Donetsk, và giành được quyền kiểm soát hơn 10 thành trì của Ukraine tại đây, TASS đưa tin.

Cũng theo ông Chekhov, Nhóm tác chiến miền đông Nga hôm 7.10 đã vô hiệu hóa 2 âm mưu tiến công của các nhóm bộ binh Ukraine ở miền nam Donetsk.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết lực lượng phòng không nước này đã chặn đứng đợt tấn công của Ukraine nhằm vào vùng Belgorod thuộc Nga bằng tên lửa Tochka-U. Cả 3 tên lửa Tochka-U đã bị bắn hạ.

Chiến sự đến tối 7.10: Nga sẽ không còn phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân - Ảnh 2.

Ông Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna

AFP

Nga chuẩn bị rút lại việc phê chuẩn hiệp ước thử hạt nhân

Tại Vienna (Áo), phái bộ Nga tại Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBTO) thông báo chính quyền Moscow sẽ rút lại việc phê chuẩn thỏa thuận sau khi Tổng thống Vladimir Putin không loại trừ khả năng thử vũ khí có liên quan vụ nổ hạt nhân đầu tiên trong hơn 3 thập niên.

Cụ thể, đại diện thường trực của Nga Mikhail Ulyanov tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna thông báo trên X (tên cũ Twitter) về quyết định trên của Moscow. "Mục đích của hành động này là nhằm đạt được vị thế cân bằng với Mỹ, nước đã ký vào hiệp ước nhưng đến nay vẫn chưa phê chuẩn", theo nhà ngoại giao Nga.

Nga đã phê chuẩn CTBTO vào năm 2000.

Tuyên bố của ông Ulyanov đã "châm thêm dầu vào lửa" cho quan hệ đang căng thẳng giữa Nga và Mỹ liên quan đến chiến sự Ukraine, cũng như tranh cãi về việc kiểm soát vũ khí của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.

CTBTO được 187 nước ký kết, trong số này 178 nước phê chuẩn. Tuy nhiên, đến nay hiệp ước vẫn chưa được thi hành cho đến khi được 8 nước cụ thể ký kết và phê chuẩn. Trung Quốc, Ai Cập, Iran và Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn. CHDCND Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan thậm chí chưa ký.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng quan ngại về thông tin từ nhà ngoại giao Ulyanov, cho rằng động thái của Moscow đã đe dọa hệ thống tiêu chuẩn toàn cầu về chống thử nghiệm chất nổ hạt nhân.

Chiến sự đến tối 7.10: Nga sẽ không còn phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân - Ảnh 3.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump

AFP

Ông Trump đề xuất bất ngờ về Ukraine

Trả lời phỏng vấn trang tin Just The News, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Ukraine nên nhượng bộ những khu vực có dân số nói tiếng Nga cho Moscow nếu muốn tiếp tục tồn tại như một quốc gia.

"Tôi sẽ thương lượng một thỏa thuận", ông Trump nói, "nhưng các bạn (Ukraine) nên nhượng lại một số khu vực có dân số là người Nga và nói tiếng Nga".

Cựu chủ nhân Nhà Trắng cũng cho rằng chiến lược đang được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden theo đuổi, theo đó Washington tiếp tục ủng hộ Kyiv đến tận cuối cùng, có thể gây ra chiến tranh thế giới thứ ba.

Vào đầu tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Putin đã chủ trì lễ ký hiệp ước sáp nhập vào Nga 4 tỉnh của Ukraine, bao gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước này sẽ giành lại quyền kiểm soát mọi lãnh thổ bị Nga sáp nhập, bao gồm bán đảo Crimea.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.