Trong ngày giao chiến thứ 112, tâm điểm vẫn là thành phố Severodonetsk ở tỉnh Luhansk miền đông Ukraine, nơi lực lượng Nga đang tìm cách giành quyền kiểm soát hoàn toàn.
Ukraine phớt lờ tối hậu thư của Nga
Thị trưởng Severodonetsk Oleksandr Stryuk cho biết Ukraine vẫn giữ quyền kiểm soát quận công nghiệp tại Severodonetsk và có thể kết nối với thành phố Lysychansk kế bên. Ông thông báo tình hình "khó khăn nhưng ổn định" và thành phố chưa bị cắt đứt hoàn toàn.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự ngày 112 , Mỹ tiếp tục khẳng định giúp Ukraine làm suy yếu Nga |
Hiện tại, hàng ngàn dân thường bị mắc kẹt tại thành phố này trong tình cảnh nguồn cung cấp thực phẩm, nước sạch và điện ngày càng vơi dần. Tình hình cấp bách hơn diễn ra bên dưới nhà máy hóa chất Azot, nơi còn khoảng 500 dân thường cùng các binh sĩ Ukraine.
Xem thêm: Chiến sự ngày 111: Nga ra 'tối hậu thư' cho binh sĩ Ukraine ở nhà máy Azot
Binh sĩ Ukraine bắn pháo của Pháp tại tiền tuyến ở Donbass ngày 15.6 |
AFP |
Nga đã kêu gọi binh sĩ Ukraine tại Severodonetsk đầu hàng và đồng ý mở hành lang nhân đạo cho dân thường bên dưới nhà máy sơ tán nhưng phải đi về vùng do Nga kiểm soát. Ukraine muốn đưa họ sang Lysychansk nhưng Nga không đồng ý vì sợ các binh sĩ Ukraine sẽ thoát ra theo đường này. Theo đài RT, các chỉ huy quân sự Nga cáo buộc Ukraine đã phá hỏng kế hoạch sơ tán khi nổ súng về phía Nga. Chỉ có một cụ ông 74 tuổi thoát ra được vì tưởng rằng việc sơ tán diễn ra như kế hoạch. Phía Ukraine chưa bình luận về thông tin này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu trước quốc hội Cộng hòa Czech đã kêu gọi EU siết chặt cấm vận Nga, đồng thời cảnh báo lực lượng Moscow có thể tấn công các nước khác sau Ukraine. Theo tờ The Guardian, ông Zelensky nói rằng tấn công Ukraine là "bước đầu tiên mà lãnh đạo Nga cần để mở đường sang các nước khác".
Phương Tây sẽ cấp thêm vũ khí cho Ukraine
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố NATO sẽ cung cấp thêm vũ khí hạng nặng và tầm xa cho Ukraine. Thỏa thuận về gói viện trợ mới dự kiến sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào cuối tháng 6. Số vũ khí sẽ giúp Ukraine chuyển đổi từ các vũ khí thời Liên Xô lên các hệ thống hiện đại hơn theo tiêu chuẩn NATO.
Mỹ tiết lộ loại tên lửa sẽ cung cấp cùng hệ thống HIMARS cho Ukraine |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng ngày đánh giá Ukraine đang đứng trước thời điểm bước ngoặt trên chiến trường tại Severodonetsk. Ông kêu gọi Mỹ và đồng minh không nên lơi lỏng và phải tăng cường cam kết chung về việc giúp Ukraine phòng vệ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15.6 có cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky và công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 1 tỉ USD cho Ukraine. Theo Reuters, gói viện trợ gồm các hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon, rốc két phóng loạt và đạn pháo.
Hệ thống rốc két đa nòng MARS II của Đức |
Quân đội Đức |
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói nước này sẽ sớm cung cấp các giàn phóng rốc két đa nòng và đạn kèm theo cho Ukraine. Đồng thời, London cũng cân nhắc gửi tên lửa Harpoon như Đan Mạch và Hà Lan đã hứa. Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram trong cuộc họp báo với ông Wallace nói Na Uy cũng xem xét cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine sau khi đã gửi sang 22 lựu pháo M-109, hàng trăm tên lửa phòng không Mistral và khoảng 4.000 vũ khí chống tăng M72.
Tại hội nghị ở Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht thông báo sẽ cung cấp 3 hệ thống rốc két đa nòng MARS II cho Ukraine. Hệ thống này có thể phóng rốc két xa hơn 80 km, theo Reuters.
Lầu Năm Góc nói rõ mục tiêu của Mỹ ở Ukraine |
Nga - Trung tăng cường hợp tác
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15.6 đã có cuộc điện đàm, trong đó ông Tập nói rằng tất cả các bên nên làm việc để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine theo cách có trách nhiệm.
Mặt khác, lãnh đạo Trung Quốc nói rằng nước này sẽ tiếp tục ủng hộ chủ quyền và an ninh của Nga.
Theo thông báo của Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã đồng ý với Chủ tịch Tập về việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tài chính, công nghiệp, giao thông vận tải và các ngành khác, "giữa lúc tình hình kinh tế toàn cầu trở nên phức tạp hợp do chính sách cấm vận không chính thức của phương Tây".
Trung Quốc ủng hộ tăng cường hợp tác chiến lược với Nga, Mỹ phản ứng |
Xem thêm: Lãnh đạo Nga - Trung điện đàm, tăng cường hợp tác năng lượng, tài chính
Tổng thống Pháp kêu gọi đối thoại
Trong chuyến thăm Romania và Moldova trong hai ngày 14-15.6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ làm hết sức để ngăn chặn "lực lượng chiến tranh của Nga" và giúp Ukraine, đồng thời tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, ông Macron nói rằng đến một lúc nào đó, Tổng thống Zelensky cùng các quan chức Ukraine sẽ cần phải đối thoại với Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nữ Tổng thống Moldova Maia Sandu tại Chisinau ngày 15.6 |
Reuters |
Theo truyền thông phương Tây, Tổng thống Macron cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ý Mario Draghi có thể sẽ thăm Kyiv trong ngày 16.6. Ba vị lãnh đạo hàng đầu châu Âu này đến nay vẫn chưa sang Ukraine từ khi chiến sự bùng phát.
Tổng thống Pháp kêu gọi Ukraine tái khởi động đàm phán với Nga |
Nga cắt giảm khí đốt sang châu Âu
Công ty năng lượng Eni của Ý ngày 15.6 thông báo Tập đoàn Gazprom của Nga đã giảm nguồn xuất khẩu khí đốt sang Ý khoảng 15% so với ngày trước đó nhưng không giải thích.
Cùng ngày, Gazprom thông báo cắt giảm thêm lượng khí đốt bơm qua đường ống Nord Stream 1 sang châu Âu. Theo Reuters, đường ống này sẽ chỉ còn hoạt động 40% công suất sau đợt cắt giảm này. Gazprom giải thích rằng việc cắt giảm là do trang thiết bị do công ty Siemens của Đức cung cấp đang được sửa chữa tại Ukraine và chưa thể đưa về sớm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng hành động của Nga là một quyết định chính trị, không phải do vấn đề kỹ thuật. "Lý lẽ của phía Nga đơn giản chỉ là cái cớ. Rõ ràng đây là chiến lược để gây bất ổn và đẩy giá lên cao", ông Habeck chỉ trích.
Xem thêm: EU quay sang Israel để mua khí đốt sau khi nói bị Nga 'tống tiền'
Thế giới sẽ không bớt "ngọt ngào" nếu thiếu khí đốt |
Trở ngại cho kế hoạch xuất khẩu lương thực từ Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14.6 thông báo sẽ xây dựng các kho chứa tạm thời tại biên giới Ukraine với các nước đối tác để trữ ngũ cốc. Do đường ray tại Ukraine và các nước có khổ khác nhau, nên tàu lửa Ukraine sẽ chở ngũ cốc đến biên giới và cho vào các kho chứa. Tại đây, ngũ cốc được đưa lên tàu lửa của châu Âu để chở ra các bến cảng và xuất đi nước ngoài.
Kế hoạch này được cho là sẽ tốn nhiều thời gian và Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Henryk Kowalczyk ngày 15.6 ước tính việc xây dựng kho chứa tại biên giới sẽ mất từ 3-4 tháng.
Các quan chức Ukraine nhấn mạnh cách xuất khẩu hiệu quả nhất vẫn là thông qua các cảng biển của Ukraine tại biển Đen. Tuy nhiên, các cảng này đang bị Nga phong tỏa và có nhiều mìn biển nên đã bị tê liệt.
Bãi biển rải thủy lôi, thành phố du lịch Odessa tổn thất kinh tế nặng nề |
Ukraine lo ngại việc phá mìn sẽ khiến nước này dễ bị Nga tấn công từ biển Đen. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 15.6 nói sẽ tốn một thời gian để gỡ mìn và thiết lập hành lang an toàn trên biển theo đề xuất của Liên Hiệp Quốc. Ông Cavusoglu cũng nói các tàu có thể đi đường vòng theo hướng dẫn của Ukraine và không cần phải rà phá mìn.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia cùng ngày tuyên bố rằng nước này sẵn sàng đảm bảo việc di chuyển an toàn nếu hành lang được thiết lập, nhưng Moscow không chịu trách nhiệm cho việc thiết lập hành lang này, có thể ý nói Nga sẽ không chịu rà phá mìn.
Bình luận (0)