Chiến sự ngày 228: Nga tấn công dồn dập, Mỹ lên tiếng sau vụ nổ cầu Crimea

10/10/2022 05:30 GMT+7

Bộ Quốc phòng Nga công bố tổn thất của lực lượng Ukraine trong các cuộc tấn công mới, trong khi Mỹ đã lên tiếng theo sau vụ nổ trên cây cầu kết nối bán đảo Crimea với lục địa Nga.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 9.10 tuyên bố lực lượng phòng không nước này đã phá hủy 6 máy bay không người lái của Ukraine và bắn hạ 9 rốc két, trong đó có 4 quả thuộc hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp, ở một số khu vực thuộc miền đông và nam Ukraine, theo Hãng tin TASS.

Ông Konashenkov còn nói chiến đấu Nga đã bắn hạ một máy bay cường kích ném bom Su-24 và một trực thăng tấn công của Ukraine ở hai tỉnh Mykolaiv và Kherson ở miền nam.

Xem nhanh: Ngày 227 chiến dịch quân sự, Ukraine tập trung quân sát Donbass, Nga thay tư lệnh

Cũng theo ông Konashenkov, các chiến đấu cơ, tên lửa và binh sĩ Nga đã tấn công hơn 200 mục tiêu quân sự trong ngày qua trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong khi đó, Bộ chỉ huy quân sự miền nam Ukraine ngày 8.10 tuyên bố lực lượng Ukraine đã hạ 83 lính Nga, phá hủy 4 xe tăng, 4 pháo Msta-B, 2 súng cối 120 mm và 7 xe bọc thép, theo trang The Kyiv Independent. Các đơn vị phòng không Ukraine cũng đã bắn hạ 4 máy bay không người lái của Nga ở hai tỉnh Mykolaiv và Odessa.

Quân nhân Ukraine lái xe bọc thép chở quân ở thành phố Lyman thuộc miền đông Ukraine ngày 7.10

Reuters

Ngoài ra, người phát ngôn Bộ chỉ huy quân sự miền nam của Ukraine Natalia Humeniuk ngày 9.10 cho hay quân đội nước này đã giành lại hơn 1.170 km2 đất ở tỉnh Kherson kể từ khi bắt đầu cuộc phản công chống lại lực lượng Nga vào cuối tháng 8, theo Reuters.

Bà Humeniuk cho biết thêm lực lượng Ukraine đang đạt bước tiến trên mặt trận Kherson, nhưng cần phải nỗ lực thêm để giữ vững các vùng lãnh thổ mới vừa giành lại được. Đến tối 9.10 chưa có thông tin về phản ứng của Nga.

Các quan chức Ukraine từ lâu đã nói về ưu tiên tái chiếm Kherson, một khu vực nông nghiệp mà lực lượng Nga giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn trong những ngày đầu của cuộc xung đột.

Ukraine chịu sức ép phải giành thêm chiến thắng tại miền nam trước mùa đông

Bất kỳ tổn thất lớn nào về lãnh thổ ở Kherson sẽ đe dọa các tuyến tiếp tế của Nga tới bán đảo Crimea có ý nghĩa chiến lược xa hơn về phía nam. Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và mới sáp nhập Kherson.

Xem thêm: Binh sĩ Ukraine bị thương lúc phản công ở Kherson kể về phản ứng của quân Nga

Ukraine tập trung 40.000 quân ở tiền tuyến gần Donbass?

Ông Rodion Miroshnik, đại diện tại Moscow của "Cộng hòa Nhân dân Luhansk" (LPR) tự xưng, cho biết Ukraine đã tăng cường binh sĩ tại các khu vực gần Luhansk giữa lúc lực lượng của Kyiv đang cố gắng tìm kiếm đột phá.

"Ở các khu vực mà lực lượng của Kyiv đang nỗ lực tìm kiếm đột phá, một lượng lớn nhân lực và khí tài đã được tập trung ở phía Ukraine", ông Miroshik nói khi xuất hiện trong chương trình Soloviev Live trên YouTube ngày 7.10, theo RT. LPR ước tính số lượng binh sĩ của Ukraine tại các khu vực này lên đến khoảng 40.000 người.

Ukraine tập trung 40.000 quân ở tiền tuyến gần Donbass?

Xem thêm: Ukraine tập trung 40.000 quân ở tiền tuyến gần Donbass?

Mỹ lên tiếng sau vụ nổ ở cầu kết nối Crimea với lục địa Nga

Nhà Trắng ngày 9.10 từ chối bình luận về vụ nổ vào sáng 8.10 đã làm hư hỏng cây cầu Kerch, kết nối lục địa Nga với bán đảo Crimea, nhưng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, theo Reuters.

"Chúng tôi thực sự không có thêm bất cứ điều gì để bổ sung vào các báo cáo về vụ nổ trên cây cầu đó”, phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói với chương trình “Tuần này” của Đài ABC. Ông Kirby còn nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine và có thể kết thúc chiến dịch này “ngay hôm nay, chỉ đơn giản bằng cách chuyển quân ra khỏi đất nước đó”. Cũng theo ông Kirby, cả hai bên cần tìm cách đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột nhưng ông Putin tỏ ra không muốn làm như thế.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy khói bốc lên từ vụ nổ trên cầu Kerch vào ngày 8.10

Reuters

Đến tối 9.10 chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với phát ngôn của ông Kirby. Trước đó, Hãng thông tấn TASS ngày 8.10 dẫn lại thông báo của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tăng cường các biện pháp an ninh cho cầu Crimea, cũng như cầu năng lượng và đường ống dẫn khí đốt nối bán đảo này với nước Nga.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 9.10 cho hay Tổng thống Putin sẽ có cuộc gặp với các thành viên thường trực của Hội đồng An ninh Nga vào ngày 10.10, theo TASS. Ông Peskov không nói rõ liệu tình hình về cầu Kerch có được thảo luận trong cuộc họp hay không.

Indonesia chuẩn bị tiếp đón tổng thống Nga và Ukraine tại hội nghị G20

Xem thêm: Tổng thống Putin ký sắc lệnh tăng cường an ninh cầu Crimea

Lời kêu gọi trả đũa ở Nga sau vụ sập cầu Crimea

Một số nhân vật nổi tiếng ở Nga đã kêu gọi trả đũa giữa lúc Moscow đối mặt thách thức mới trong việc tiếp tế cho tiền tuyến, sau khi cây cầu quan trọng dẫn đến bán đảo Crimea bị hư hại trong một vụ nổ.

Vụ nổ vào đầu ngày 8.10 làm sập hai nhịp của cầu Kerch, cây cầu kết nối bán đảo Crimea với đất liền Nga, và khiến một đoàn tàu chở nhiên liệu trên tuyến đường sắt bên cạnh bốc cháy. Sự việc đã làm tê liệt giao thông trên tuyến đường mà quân đội Nga sử dụng để vận chuyển vật tư và thiết bị đến vùng chiến sự ở miền nam Ukraine.

Ông Sergei Markov, một chính trị gia có liên hệ với Điện Kremlin và là cựu nghị sĩ đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin, tin rằng "vụ tấn công khủng bố" trên cầu Kerch là bằng chứng cho thấy "Mỹ và chế độ tay sai của họ tại Ukraine sẽ ngày càng lấn tới ranh giới đỏ", theo Politico.

Washington Post: Quan chức Ukraine nói nước này đứng sau vụ nổ trên cầu Crimea

Xem thêm: Lời kêu gọi trả đũa ở Nga sau vụ sập cầu kết nối bán đảo Crimea

Đức kêu gọi NATO làm nhiều hơn để đối phó Nga giữa mối lo hạt nhân

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói NATO phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các thành viên trước Nga, giữa lúc những lời đe dọa và cảnh báo về chiến tranh hạt nhân liên tục xuất hiện gần đây.

Phát biểu trước quân đội Đức đóng tại Lithuania, Bộ trưởng Lambrecht nói sở dĩ bà kêu gọi như vậy là vì không biết phía Nga có thể đi xa đến mức nào, theo Reuters. "Một điều chắc chắn là tình hình hiện tại buộc chúng ta phải làm nhiều thứ hơn nữa cùng nhau", bà Lambrecht nói, nhấn mạnh rằng xung đột ở Ukraine đang ngày càng "khốc liệt" và "vô nguyên tắc".

Đặc vụ tình báo Pháp đang được triển khai tại Ukraine

Xem thêm: Đức kêu gọi NATO làm nhiều hơn để đối phó Nga giữa mối lo hạt nhân

Đức, Slovakia cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine

CNN ngày 8.10 đưa tin Đức mới đây tuyên bố chuyển thêm vũ khí cho Ukraine, trong đó có hệ thống phòng không IRIS-T, và tổng cộng 100 xe tăng từ Hy Lạp và Slovakia.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaro Nad ngày 9.10 viết trên Twitter rằng nước này đã chuyển giao hai lựu pháo Zuzana 2, và sẽ gửi thêm nhiều khẩu nữa cho Ukraine, theo trang The Kyiv Independent.

Hôm 8.10, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói với truyền thông Ukraine rằng các nước NATO nên trang bị cho Ukraine tất cả các loại vũ khí hiện có, theo Đài RT.

Bộ trưởng Đức chỉ trích Mỹ bán khí đốt với giá trên trời

Xem thêm: Tổng thống Biden cảnh báo trực tiếp Tổng thống Putin về NATO

Xem thêm diễn biến chiến sự Nga - Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.