Chiến sự ngày 307: Ukraine sắp giành lại quyền kiểm soát thành phố quan trọng ở miền đông?

28/12/2022 05:30 GMT+7

Lực lượng Ukraine dường như sắp có thể giành thành phố Kreminna mà Nga đang kiểm soát ở tỉnh Luhansk, giữa lúc giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra ở miền đông và miền nam đất nước.

Ukraine áp sát Kreminna buộc Nga phải rút lui?

Thống đốc tỉnh Luhansk Serhiy Haidai cho biết các binh sĩ Nga đóng tại một khu vực của thành phố Kreminna đã buộc phải rút lui về Rubizhne, một thị trấn cách đó vài km về phía đông nam, do áp lực của quân đội Ukraine.

"Người Nga hiểu rằng nếu họ mất Kreminna, toàn bộ phòng tuyến của họ sẽ sụp đổ", ông Haidai viết trên ứng dụng Telegram ngày 27.12, theo The Guardian.

Ông nói: "Quân Nga đã xây dựng hàng rào phòng thủ rất mạnh trong một tháng qua, thậm chí là lâu hơn chút. Họ đang đưa đến đó một lượng lớn quân dự bị và vũ khí. Họ không ngừng củng cố lực lượng".

Xem nhanh: Ngày 306 chiến dịch, Nga lại lên giọng cứng rắn, dự báo gì cho năm 2023?

Việc giành lại quyền kiểm soát Kreminna và thành phố Svatove gần đó có thể mở đường cho Kyiv mở cuộc tấn công vào Sievierodonetsk và Lysychansk, hai thành phố thuộc tỉnh Luhansk mà Ukraine đã để mất quyền kiểm soát trong mùa hè qua.

Nhà phân tích quân sự Ukraine, Oleh Zhdanov, cho biết giao tranh đang diễn ra ác liệt xung quanh các cao điểm gần Kreminna, cũng như xung quanh hai thành phố Bakhmut và Avdiivka ở tỉnh Donetsk lân cận. Theo tình báo quốc phòng Anh, quân đội Nga tiếp tục tập trung dồn sức cho việc giành quyền kiểm soát thành phố Bakhmut.

Lực lượng Ukraine ở Bakhmut

reuters

Trong bài phát biểu đêm 26.12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tình hình ở Bakhmut, Kreminna và các khu vực khác ở Donbass đang rất "khó khăn và đau đớn".

Cảnh báo không kích đã vang lên trên khắp Ukraine, bao gồm cả Kyiv, vào chiều 27.12, song chưa lập tức có báo cáo về các vụ tấn công.

Tổng thống Putin ra sắc lệnh cấm bán dầu cho các nước áp giá trần

Nga trả đũa các nước áp đặt trần giá với dầu Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27.12 đã ký ban hành sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và các chế phẩm từ dầu mỏ cho các quốc gia thực thi chính sách trần giá đối với dầu Nga, bắt đầu từ ngày 1.2.2023 và kéo dài trong 5 tháng, theo Reuters.

Nhóm G7, Liên minh châu Âu (EU) và Úc tháng này đã nhất trí về mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga và chính sách này có hiệu lực từ ngày 5.12, nhằm trừng phạt Moscow vì xung đột ở Ukraine.

Theo sắc lệnh mới nhất của Điện Kremlin, xuất khẩu dầu thô sẽ tạm dừng từ ngày 1.2.2023, nhưng thời điểm ngừng xuất khẩu các chế phẩm từ dầu sẽ được chính phủ Nga quyết định sau và có thể là sau ngày 1.2.2023. Sắc lệnh cũng bao gồm một điều khoản cho phép ông Putin hủy bỏ lệnh cấm trong những trường hợp đặc biệt.

Hai kịch bản nào cho chiến dịch Nga ở Ukraine năm 2023?

Ông Putin không thực sự muốn đàm phán với Ukraine?

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW, trụ sở tại Mỹ), việc Tổng thống Putin nói rằng ông "sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên" liên quan đến xung đột ở Ukraine là một phần của chiến dịch thông tin có chủ ý nhằm đánh lạc hướng phương Tây để họ chấp nhận nhượng bộ trước Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại St Petersburg ngày 26.12

reuters

Trong báo cáo cập nhật tình hình chiến sự mới nhất, ISW nói tổng thống Nga không hề đưa ra đề nghị đàm phán với Ukraine, trái ngược với một số báo cáo. "Phát biểu của ông Putin về các cuộc đàm phán tập trung vào khả năng thương thảo có thể xảy ra với phương Tây hơn là với Ukraine, và phản ánh những cáo buộc liên tục của ông rằng Ukraine chỉ là một con tốt của phương Tây chứ không có quyền lực thực sự", báo cáo nhận định.

Trong khi đó, ông Alexander Rodnyansky, cố vấn kinh tế của ông Zelensky, nói với CNN rằng tuyên bố "sẵn sàng đàm phán" của ông Putin chỉ là cách để Moscow câu giờ và không thể tin cậy được. Ông cho rằng Điện Kremlin đang cố gắng ngăn cản thế giới gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine và kêu gọi các nước "không rơi vào cái bẫy đó".

Ukraine đề nghị Mỹ cung cấp máy bay A-10 từ lúc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt

Ngoại trưởng Nga ra tối hậu thư

Theo hãng tin TASS, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26.12 đã đưa ra tối hậu thư cho Kyiv.

“Những đề xuất của chúng tôi về việc phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa các vùng lãnh thổ do chính quyền (Kyiv) kiểm soát, việc loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh của Nga bắt nguồn từ nơi đó, bao gồm cả những vùng lãnh thổ mới của chúng tôi, đã được đối phương biết rõ. Vấn đề rất đơn giản là thực hiện những đề xuất đó vì lợi ích của chính quý vị. Nếu không, vấn đề sẽ do quân đội Nga quyết định”, ông Lavrov tuyên bố.

Xem thêm: Nga ra tối hậu thư cho Ukraine sau tuyên bố mới của Tổng thống Putin

Ukraine đối diện năng lực tác chiến điện tử Nga

Ukraine muốn tổ chức hội nghị hoà bình

Trong một cuộc phỏng vấn với AP, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Ukraine muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để chấm dứt xung đột vào tháng 2.2023. Ông Kuleba cũng hy vọng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres sẽ đứng ra làm trung gian dàn xếp hội nghị này.

Tuy nhiên, ông Kuleba nói Nga chỉ có thể được mời đến hội nghị nếu nước này bị đưa ra xét xử ở một tòa án về tội phạm chiến tranh trước đó.

LHQ đã phản ứng một cách thận trọng. "Như tổng thư ký đã nói nhiều lần trước đây, ông ấy chỉ có thể hòa giải nếu tất cả các bên muốn ông ấy làm như thế”, Phó phát ngôn viên LHQ Florencia Soto Nino-Martinez cho hay hôm 26.12, theo AP.

Không quân Nga còn gì để chiếm ưu thế trước Ukraine?

Xem thêm diễn biến xung đột Nga - Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.