Chiến sự ngày 345: Nga nói phá hủy HIMARS, Tổng thống Ukraine ra tuyên bố cứng rắn

04/02/2023 04:32 GMT+7

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã gây thêm tổn thất cho quân đội Ukraine, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra tuyên bố cứng rắn về Bakhmut.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tối 3.2 tuyên bố các lực lượng Nga đã tấn công hai lữ đoàn Ukraine ở tỉnh Zaporizhzhia thuộc miền nam Ukraine trong 24 giờ trước đó, theo Hãng tin TASS.

Ông Konashenkov nói rằng tổn thất của phía Ukraine trong hai cuộc tấn công trên là hơn 20 quân nhân, một hệ thống pháo M777 do Mỹ sản xuất, hai khẩu pháo D-20 và một khẩu pháo D-30.

Chiến sự ngày 345: Nga nói phá hủy HIMARS, Tổng thống Ukraine ra tuyên bố cứng rắn - Ảnh 1.

Quân nhân Ukraine trong một lần khai hỏa lựu pháo M777 ở tỉnh Kharkiv thuộc miền đông Ukraine

Reuters

Ông Konashenkov còn nói rằng các lực lượng Nga đã làm thiệt mạng khoảng 40 binh sĩ Ukraine, phá hủy một xe chiến đấu bọc thép và một radar phản pháo AN/TPQ-50 do Mỹ sản xuất ở khu vực Kupyansk thuộc tỉnh Kharkiv, thuộc đông bắc Ukraine.

Cũng theo ông Konashenkov, lực lượng Nga đã tấn công các đơn vị Ukraine ở khu vực Krasny Liman thuộc tỉnh Donetsk ở miền đông Ukraine, "loại bỏ hơn 70 quân nhân Ukraine", hai xe chiến đấu bọc thép, một khẩu pháo D-20 và một hệ thống M777.

Xem nhanh: Ngày 344 chiến dịch Nga, Đức gửi thêm xe tăng cho Ukraine, ông Putin nhắc trận Stalingrad để răn đe

Ông Konashenkov còn tuyên bố lực lượng Nga đã phá hủy một Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất và bắn hạ một máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine ở tỉnh Kherson thuộc miền nam Ukaine trong 24 giờ trước đó.

Đến tối 3.2 chưa có thông tin về phản ứng của Ukraine cũng như Mỹ đối với tuyên bố trên của Bộ Quốc phòng Nga.

Xem thêm: HIMARS có còn là vũ khí 'tối thượng' của Ukraine trong xung đột với Nga?

Tổng thống Ukraine ra tuyên bố cứng rắn về Bakhmut

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 3.2 tuyên bố Ukraine sẽ chiến đấu để giữ thị trấn Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk miễn còn có thể, đồng thời kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa để giúp Kyiv đẩy lực lượng Nga ra khỏi vùng Donbass ở miền đông, theo Reuters.

Chiến sự ngày 345: Nga nói phá hủy HIMARS, Tổng thống Ukraine ra tuyên bố cứng rắn - Ảnh 2.

Quân nhân Ukraine khai hỏa pháo 2S7 Pion về phía các vị trí của lực lượng Nga trên tiền tuyến gần Bakhmut ngày 24.1.2023.

Reuters

"Không ai sẽ từ bỏ Bakhmut. Chúng tôi sẽ chiến đấu chừng nào còn có thể. Chúng tôi xem Bakhmut là pháo đài của mình. "Nếu (nguồn cung cấp) vũ khí được tăng nhanh, đặc biệt là vũ khí tầm xa, chúng tôi không những không rời Bakhmut mà còn bắt đầu giải phóng Donbass, vốn đã bị chiếm đóng từ năm 2014", Tổng thống Zelensky nói trong một cuộc họp báo với các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) sau hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine ở Kyiv.

Tổng thống Zelensky: Ukraine sẽ chiến đấu để giữ ‘pháo đài’ Bakhmut càng lâu càng tốt

Bakhmut đã trở thành tâm điểm trong cuộc chiến của lực lượng Ukraine chống lại chiến dịch quân sự của Nga cũng như nỗ lực của Moscow nhằm lấy lại động lực trên chiến trường.

Giới chức Nga cho hay các lực lượng nước này đang bao vây Bakhmut từ nhiều hướng và chiến đấu để giành quyền kiểm soát một con đường mà cũng là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Ukraine, theo Reuters.

Xem thêm: Cuộc bao vây đẫm máu gây rủi ro cho Ukraine

Đức, Thụy Điển thảo luận về gói vũ khí mới cho Ukraine

Hãng tin Bloomberg ngày 3.2 dẫn một số nguồn tin cho hay Đức và Thụy Điển đang đàm phán về một gói vũ khí mới. Theo đó, Stockholm sẽ cung cấp cho Kyiv tên lửa đất đối không và bệ phóng cho các hệ thống phòng không IRIS-T.

Đức cho gửi xe tăng Leopard 1 đến Ukraine, có thể cấp thêm xe phòng không Gepard

Đức đã yêu cầu Thụy Điển cung cấp bệ phóng cho hệ thống phòng không IRIS-T, theo Bloomberg gẫn một số nguồn tin giấu tên. Cuộc đàm phán cũng sẽ cho phép nhiều loại đạn dược hơn có thể được sử dụng cho các hệ thống IRIS-T mà đã được Đức giao cho Ukraine, theo các nguồn tin.

Cũng theo Bloomberg, Đức đang đi đúng hướng với kế hoạch gửi thêm 3 hệ thống phòng không IRIS-T trong năm nay sau khi hệ thống đầu tiên được chuyển đến Ukraine vào tháng 10.2022.

Xem thêm: Đức chuẩn bị chuyển hệ thống phòng không tối tân cho Ukraine

Người Lithuania quyên góp 1 triệu euro để mua radar cho Ukraine

Ông Andrius Tapinas, nhà sáng lập đài truyền hình Laisves TV của Lithuania ngày 3.2 viết trên Facebook rằng nhiều người Lithuania đã quyên góp hơn 1 triệu euro chỉ trong một giờ để mua radar chiến thuật đa chức năng cho Ukraine, theo trang The Kyiv Independent.

Đây là một phần của chiến dịch gây quỹ Radarom. Chiến dịch này bắt đầu vào ngày 30.1.2023, và kể từ đó, hơn 5 triệu euro đã được quyên góp để cung cấp các radar chiến thuật cho Ukraine.

Chuyện cụ bà Ukraine phải hai lần rời bỏ Kyiv đi sơ tán vì chiến sự

Ông Tapinas cho biết thêm ông dự kiến tổng số tiền quyên góp sẽ tăng gấp đôi vào ngày 24.2, ngày đánh dấu chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine tròn một năm.

Xem thêm: Lầu Năm Góc lần đầu tiên thừa nhận chuyển giao tên lửa chống radar cho Ukraine

Xe tăng phương Tây có thể khiến Ukraine đau đầu?

Các loại xe tăng phương Tây gửi Ukraine đặt ra những thách thức đáng kể về vận hành và hậu cần cho Kyiv.

Cuối tháng 1, Mỹ và các đồng minh đã đồng ý gửi cho Ukraine 3 loại xe tăng chiến đấu - điều mà các quan chức Kyiv cho rằng sẽ thay đổi cục diện chiến sự. Tuy nhiên, việc được trang bị nhiều loại xe tăng chiến đấu chủ lực nhưng mỗi loại đều có những đặc điểm và yêu cầu riêng sẽ cản trở Ukraine nhiều hơn là hỗ trợ.

Xe tăng chủ lực phương Tây cung cấp cho Ukraine sẽ vượt trội xe tăng Nga?

Theo trang Business Insider, với 3 mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây từ 3 quốc gia khác nhau đang được triển khai, và có thể nhiều hơn nữa trong tương lai, các đội xe tăng, thợ máy và chỉ huy trưởng quân đội Ukraine sẽ phải học cách thích nghi với nhiều kiểu thiết giáp khác nhau.

Xem thêm: Vì sao Ukraine sẽ đau đầu vì xe tăng từ phương Tây?

Lý do Mỹ chưa gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine

Dù là vũ khí được kỳ vọng sẽ thay đổi cục diện chiến sự, Mỹ vẫn chưa gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine.

Ông Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov, mới đây kêu gọi các đồng minh gửi máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo để giúp Kyiv đẩy lùi quân Nga, theo hãng tin Reuters. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề và khả năng cao Ukraine sẽ chưa thể sớm nhận được loại vũ khí này.

"Kẻ hủy diệt" BMPT Terminator Nga có làm được gì tại Ukraine?

Xem thêm: Vì sao Mỹ chưa gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine?

Na Uy sẽ mua 54 xe tăng Leopard 2 thế hệ mới

Na Uy vừa thông báo sẽ mua 54 xe tăng Leopard 2 thế hệ mới để thay thế phiên bản cũ hơn.

Thông báo mua 54 xe tăng Leopard 2 thế hệ mới nói trên được chính phủ Na Uy đưa ra hôm nay 3.2, theo AFP. Được lên kế hoạch trong vài năm, đơn đặt hàng mua xe tăng Leopard 2A7 sẽ cho phép Na Uy đổi mới đội xe tăng gồm 36 chiếc Leopard 2A4 cũ.

Đơn đặt hàng mua xe tăng Leopard 2A7 của Na Uy với nhà sản xuất quốc phòng Đức Krauss-Maffei Wegmann là một phần trong khoản phân bổ chi tiêu quốc phòng trị giá 19,7 tỉ NOK (1,96 tỉ USD) đã được quốc hội nước này thông qua. Chi phí chính xác cho việc mua 54 xe tăng Leopard 2A7 chưa được công bố. Ngoài ra, Na Uy còn có lựa chọn mua thêm 18 chiếc xe tăng Leopard 2A7.

Nhà kho chứa đầy xe tăng Leopard 1 gây tranh cãi ở Bỉ

Xem thêm: Vì sao Na Uy chọn mua 54 xe tăng Leopard 2 thế hệ mới?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.