Chiến sự ngày 71: Đức-Ukraine, Nga-Israel hàn gắn ngoại giao

06/05/2022 06:15 GMT+7

Lãnh đạo của Đức và Ukraine đã hóa giải khúc mắc ngoại giao giữa hai nước, trong khi Israel cho hay Tổng thống Putin đã xin lỗi vì phát biểu gây bức xúc của ngoại trưởng Nga.

Ngoài những chuyển động ngoại giao, những động thái của NATO cũng gây chú ý trong ngày thứ 70 của chiến sự Nga - Ukraine.

NATO sẽ tăng cường hiện diện ở Baltic nếu Thụy Điển xin gia nhập

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với đài truyền hình SVT của Thụy Điển rằng NATO sẽ tăng cường hiện diện xung quanh biên giới Thụy Điển và ở biển Baltic trong quá trình xử lý hồ sơ đăng ký gia nhập liên minh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

reuters

Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan vẫn đứng ngoài liên minh nhưng đang cân nhắc việc gia nhập sau khi chiến sự Ukraine nổ ra. Cả hai nước đều đang tìm kiếm sự đảm bảo về an ninh quốc phòng trong quá trình NATO xử lý hồ sơ, có thể mất tới một năm để được tất cả các thành viên NATO chấp thuận.

"Tôi tin rằng chúng tôi sẽ tìm ra giải pháp cho các nhu cầu an ninh mà Thụy Điển sẽ có trong giai đoạn chuyển tiếp", ông Stoltenberg nói. "Ngay từ thời điểm Thụy Điển nộp đơn trong tương lai, và NATO nói rằng họ muốn Thụy Điển tham gia, NATO có nghĩa vụ rất lớn là có thể đảm bảo an ninh cho Thụy Điển".

Phần Lan cáo buộc máy bay Nga xâm phạm không phận

Nga đã cảnh báo Thụy Điển và Phần Lan về "những hậu quả nghiêm trọng", rằng nước này có thể triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh ở vùng Kaliningrad (lãnh thổ của Nga nhưng nằm lọt giữa Ba Lan và Lithuania) nếu Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO.

Xem thêm: Ngoại trưởng Thụy Điển nói Phần Lan 'gần như chắc chắn' sẽ xin gia nhập NATO

Châu Âu cảnh báo rủi ro đối với hàng không dân sự

Cơ quan An toàn Hàng không của EU (EASA) hôm 5.5 cảnh báo về những rủi ro ngày càng tăng đối với các hãng hàng không do chiến sự ở Ukraine, chẳng hạn như máy bay dân dụng vô tình trở thành mục tiêu, cũng như nguy cơ bị tấn công mạng.

"Như đã chỉ ra trong các cuộc chiến trước đây, việc xác định sai rất dễ xảy ra trong bối cảnh chiến tranh hay có nhầm lẫn. Nếu chúng ta thêm vào khả năng gây nhiễu các thiết bị hỗ trợ điện tử có thể liên quan đến điều hướng hay các công cụ nhận dạng, thì dễ thấy khả năng một máy bay vô tội trở thành mục tiêu của tên lửa hoặc vũ khí có radar", một văn bản của EASA nêu.

Xem nhanh: Ngày 70 chiến dịch quân sự, Nga-Ukraine tiếp tục giao tranh nhiều nơi

Tuyên bố của EASA không nêu rõ cảnh báo của họ có liên quan đến không phận Ukraine, mà chỉ nói chung chung là liên quan đến rủi ro đối với các máy bay do xung đột giữa Nga và Ukraine.

Đức và Ukraine hóa giải hiềm khích ngoại giao

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 5.5, trong động thái được xem là nỗ lực hóa giải mâu thuẫn ngoại giao giữa hai nước.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky năm 2019

văn phòng tổng thống ukraine

Trên Twitter, ông Zelensky cho biết ông đã có một "cuộc trò chuyện quan trọng, tốt đẹp và mang tính xây dựng" với ông Steinmeier. Trong khi đó, các nguồn tin từ văn phòng tổng thống Đức tiết lộ cả tổng thống và thủ tướng Đức đều đã được mời tới Kyiv.

"Những hiềm khích trong quá khứ đã được hóa giải", người phát ngôn của ông Steinmeier cho biết, dường như ám chỉ việc Kyiv từng công khai chỉ trích và mỉa mai nguyên thủ quốc gia Đức cách đây ít tuần.

Trong một cuộc họp báo sau đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo Ngoại trưởng Annalena Baerbock sẽ thăm Ukraine trong vài ngày tới.

Ukraine nói cần thêm vũ khí để phản công Nga; Kyiv hòa giải với Berlin

Xem thêm: Cuối cùng Tổng thống Đức đã được mời tới Kyiv

Israel: Tổng thống Putin xin lỗi về phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov

Văn phòng Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 5.5 cho biết trong cuộc điện đàm giữa hai bên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xin lỗi ông Bennett vì những bình luận gây bức xúc của nhà ngoại giao hàng đầu Moscow cách đây ít ngày.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett (giữa) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tại Sochi hồi tháng 10.2021

chụp màn hình the times of israel

Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết ông Putin đã trao đổi với ông Bennett về "ký ức lịch sử, nạn diệt chủng Holocaust và tình hình ở Ukraine", mà không đề cập đến việc xin lỗi.

Israel và Nga đã lâm vào cuộc khẩu chiến sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong một cuộc phỏng vấn hôm 1.5, nói rằng Adolf Hitler có nguồn gốc Do Thái.

Israel nói Tổng thống Putin xin lỗi về phát biểu liên quan Hitler của ngoại trưởng Nga

Xem thêm: Israel: Tổng thống Putin đã xin lỗi về phát biểu liên quan Hitler của Ngoại trưởng Lavrov

Ukraine "không thể" phản công Nga cho đến giữa tháng 6

Ông Oleksiy Arestovich, cố vấn của tổng thống Ukraine, nói lực lượng nước này không có khả năng tiến hành phản công Nga cho đến giữa tháng 6, khi họ nhận thêm vũ khí từ phương Tây. Vị cố vấn cũng cho biết ông không nghĩ các cuộc tấn công của Nga tại Ukraine sẽ thu được "kết quả đáng kể" trước ngày 9.5.

Trước đó ít ngày, ông Arestovich nói Ukraine có thể phản công Nga trong giai đoạn từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 nhờ vào vũ khí mà Mỹ và các nước châu Âu cung cấp.

Nga diễn tập phóng tên lửa hạt nhân tại Kaliningrad

Xem thêm: Ukraine nói 'không thể' phản công Nga cho đến giữa tháng 6

Mỹ và Nga cùng phản bác The New York Times

Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã chỉ trích báo The New York Times về thông tin tình báo Mỹ đã giúp Ukraine hạ tướng quân đội Nga tại Ukraine. Phát ngôn viên Adrienne Watson nói tờ báo đã đưa tin một cách "vô trách nhiệm", cho biết Mỹ "không cung cấp tình báo với ý định tiêu diệt tướng lĩnh Nga".

Trong khi đó từ phía Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố dù Mỹ, Anh và các nước NATO khác đang "liên tục" cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine, điều này sẽ không ngăn được Nga đạt được các mục tiêu quân sự ở đó.

Xem thêm: Nhà Trắng: NY Times 'vô trách nhiệm' về thông tin tình báo Mỹ giúp Ukraine hạ tướng Nga

Xem thêm diễn biến chiến sự Nga - Ukraine

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.