Chiến sự ngày Ukraine thứ 89: Xung đột leo thang tại miền đông

24/05/2022 06:03 GMT+7

Chiến sự ngày 23.5, ngày thứ 89 trong chiến dịch của Nga ở Ukraine, nổi bật với xung đột dữ dội ở miền đông kèm dự báo thương vong, thiệt hại gia tăng.

Một khẩu pháo của Ukraine khai hỏa tại vùng Donbass vào ngày 23.5

reuters

Hãng Sputnik ngày 23.5 đưa tin không quân Nga đã không kích tổng cộng 4 trung tâm chỉ huy, một trung tâm liên lạc, 7 kho đạn dược, một hệ thống tên lửa phòng không và 87 khu vực mà theo Nga là nơi các đơn vị và những phương tiện quân sự của Ukraine đang đóng quân.

Bên cạnh đó, pháo binh Nga phá hủy 73 chốt chỉ huy và hơn 570 vị trí đóng quân của Ukraine, cũng như 37 nơi nã pháo của các đơn vị pháo binh và pháo cối.

Xem nhanh: Ngày 89 chiến dịch quân sự Nga: Điều kiện ngưng bắn của Ukraine, "gáo nước lạnh" của Pháp

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho hay lực lượng nước này bắn hạ 3 cường kích Su-25, và sử dụng tên lửa tầm xa khai hỏa từ biển để phá hủy những chuyến hàng viện trợ quân sự cho miền đông Ukraine đang tập kết ở ga tàu hỏa Malin thuộc vùng Zhytomyr.

Chính quyền Kyiv vẫn chưa bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, quân Ukraine xác nhận Nga đang “tập trung nỗ lực” vào chiến dịch ở Severodonetsk, miền đông Ukraine và thị trấn Toshkivka gần đó.

Còn Hãng thông tấn RIA cho hay phía Nga đã phá hủy một đơn vị lựu pháo M777 của Mỹ gửi cho Ukraine. Trong các gói viện trợ vũ khí cho Ukraine, Mỹ đã đồng ý cung cấp 90 khẩu lựu pháo M777 155 mm. Phía Mỹ và Ukraine chưa bình luận về tuyên bố mới của Nga.

Xem thêm: Nga tuyên bố phá hủy lựu pháo Mỹ cung cấp cho Ukraine

Dự báo 50-100 người thiệt mạng mỗi ngày

Trong khi đó, Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ sáng 23.5 báo cáo các lực lượng Nga tiếp tục tấn công trên bộ quanh thành phố Severodonetsk ở tỉnh Luhansk nhưng không đạt bước tiến nào trong khu vực trong ngày 22.5.

Lính Ukraine ở Donbass: "Chúng tôi sẵn sàng cho tất cả"

Tổng thống Ukraine cho biết có khoảng 50-100 người thiệt mạng mỗi ngày tại mặt trận miền đông, có vẻ như muốn nói đến thương vong về quân sự, theo The Guardian. Hiện tại, cuộc giao tranh ác liệt nhất đang tập trung quanh hai thành phố Severodonetsk và Lysychansk tại tỉnh Luhansk. Phía Ukraine cáo buộc Nga đang sử dụng chiến lược tàn phá mọi thứ tại Donbass và Mykolaiv bằng pháo binh và không kích nhằm kiểm soát mặt trận miền đông.

Trong một diễn biến liên quan, ông Denis Pushilin, Lãnh đạo "Cộng hoà Nhân dân Donetsk" tự xưng, cho hay đã sẵn sàng mở phiên tòa xét xử những người lính Ukraine đầu hàng ở nhà máy Azovstal thuộc Mariupol.

Còn tòa án ở Kyiv vừa tuyên án chung thân đối với lính Nga tên Vadim Shishimarin vì tội sát hại thường dân ở Sumy trong những ngày đầu của chiến dịch quân sự.

Vũ khí hạng nặng rút khỏi Mariupol

Lực lượng vũ trang của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk”, phe ly khai ở miền đông Ukraine, đã rút vũ khí hạng nặng như xe tăng khỏi thành phố Mariupol để đưa đến những địa điểm khác.

Trận chiến tại Mariupol bắt đầu vào ngày 25.2 và lực lượng Nga gần đây tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thành phố sau khi nhóm binh sĩ cuối cùng của Ukraine cố thủ trong nhà máy thép Azovstal ra đầu hàng. Hiện tại, binh sĩ Nga được cho là vẫn rà phá mìn tại khu nhà máy này, theo Reuters.

Mỹ cân nhắc đưa binh sĩ đến Ukraine

Các quan chức quân đội và ngoại giao Mỹ được cho là đang cân nhắc đưa lực lượng đặc nhiệm của quân đội đến Kyiv để bảo vệ đại sứ quán nằm trong khu vực tầm ngắm của Nga, theo tờ The Wall Street Journal ngày 22.5.

Mỹ cân nhắc đưa quân đặc nhiệm, thủy quân lục chiến bảo vệ sứ quán tại Ukraine

Tùy vào tình hình, Mỹ cũng có thể gia tăng hiện diện quân sự tại Ukraine để giám sát việc phân phối số vũ khí đã viện trợ cho Ukraine và thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, cố vấn cho quân đội Ukraine.

Sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại Ukraine sẽ đánh dấu sự leo thang so với cam kết ban đầu của Tổng thống Joe Biden rằng sẽ không đưa quân sang.

Trong một động thái khác, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho hay 20 nước công bố gói viện trợ an ninh mới cho Ukraine. Trong số đó, Đan Mạch sẽ cung cấp hệ thống tên lửa Harpoon giúp Ukraine bảo vệ bờ biển, theo Reuters.

Tổng thống Ukraine kêu gọi cấm vận dầu mỏ Nga

Phát biểu trực tuyến trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) ngày 23.5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các bên hãy giáng đòn cấm vận tối đa nhằm vào Nga, bao gồm dầu mỏ.

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak đã bác bỏ việc đạt được lệnh ngừng bắn với Nga và chính quyền Kyiv sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào với Moscow liên quan đến việc nhượng bộ lãnh thổ.

“Cuộc chiến sẽ không ngừng lại (sau bất kỳ nhượng bộ nào)”, Reuters dẫn lời ông Podolyak. Cố vấn tổng thống Ukraine cho rằng việc lùi bước chỉ mang đến hậu quả tiêu cực hơn cho Ukraine. Theo ông, quân Nga sẽ quay lại tấn công mạnh hơn sau thời gian tạm thời ngưng chiến.

"Gáo nước lạnh" từ Pháp: “mất 15-20 năm nữa” Ukraine mới có thể gia nhập EU

Ông Andriy Yermak, người đứng đầu Văn phòng tổng thống Ukraine, cũng khẳng định “cuộc chiến phải chấm dứt với việc Ukraine khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ”.

Nhà ngoại giao Nga tại LHQ từ chức

Tờ The Washington Post ngày 23.5 đưa tin một nhà ngoại giao Nga tại Văn phòng LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ) đã từ chức, sau khi không đồng tình với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Trong thư gửi các đồng nghiệp tại Geneva và đăng trên tài khoản LinkedIn của ông, tham tán Boris Bondarev thuộc Phái đoàn thường trực Liên bang Nga tại Văn phòng LHQ ở Geneva cho biết ông nghỉ việc từ ngày 23.5.

Ông cho biết trong 20 năm sự nghiệp ngoại giao, ông đã thấy nhiều chuyển biến trong chính sách ngoại giao của Nga, nhưng chưa từng chứng kiến sự việc như ngày 24.2 vừa qua, khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Theo Reuters, phái đoàn thường trực của Nga tại Văn phòng LHQ ở Geneva chưa bình luận về thông tin ông Bondarev từ chức.

Xem thêm: Rộ tin một nhà ngoại giao Nga tại LHQ từ chức

Xem thêm tình hình chiến sự Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.