Ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G7 (gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) hôm nay 18.4 đã đưa ra tuyên bố chung kêu gọi Nga lập tức rút quân khỏi Ukraine một cách vô điều kiện.
Tuyên bố được đưa ra sau khi các ngoại trưởng G7 kết thúc cuộc họp kéo dài ba ngày tại thị trấn Karuizawa thuộc tỉnh Nagano, miền trung Nhật Bản vào sáng 18.4, theo Đài NHK.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 418 có diễn biến gì nóng?
Cũng theo tuyên bố trên, G7 tiếp tục hỗ trợ Ukraine và kêu gọi các nước bên thứ ba ngừng cung cấp vũ khí cho Nga.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga.
Xem thêm: G7 quyết tâm chống lại hành động thay đổi nguyên trạng, nhắm vào Nga và Trung Quốc
Tổng thống Putin đến hai vùng Nga kiểm soát ở Ukraine
Điện Kremlin hôm nay 18.4 xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17.4 đã đến thăm căn cứ các lực lượng quân sự Nga tham chiến ở Kherson và Luhansk, hai vùng ở Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập nhưng bị Kyiv và phương Tây lên án, theo Hãng tin TASS.
Theo thông báo từ Điện Kremlin, tại Kherson, ông Putin đã nghe báo cáo từ các chỉ huy lực lượng đổ bộ đường không, nhóm quân "Dnepr" cũng như các sĩ quan cấp cao khác về tình hình ở vùng này và Zaporizhzhia, đều ở phía nam Ukraine.
Tổng thống Putin đến thăm Kherson, Luhansk
Phát biểu mở đầu cuộc họp ở Kherson, ông Putin nói ông không muốn các chỉ huy quân sự phân tâm khỏi trách nhiệm quản lý quân đội. "Điều quan trọng đối với tôi là được nghe ý kiến của các chỉ huy về tình hình, lắng nghe và trao đổi thông tin", ông Putin nói.
Sau đó, ông Putin di chuyển bằng trực thăng đến căn cứ của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga ở Luhansk để nghe báo cáo về tình hình ở đó.
Xem thêm: Tổng thống Putin đến Kherson, Luhansk
Nga đang tăng cường sử dụng pháo hạng nặng nhắm vào Bakhmut?
Chỉ huy lực lượng trên bộ của Ukraine, tướng Oleksandr Syrskyi, hôm nay 18.4 nói các lực lượng Nga đang tăng cường sử dụng pháo hạng nặng và các cuộc không kích nhắm vào thành phố Bakhmut bị tàn phá ở Donetsk, theo Reuters.
Ông Syrskyi còn nói rằng Nga vẫn quyết giành quyền kiểm soát Bakhmut "bằng mọi giá" nhưng đang chịu tổn thất đáng kể trong trận chiến giành thành phố. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga.
Việc giành được Bakhmut có thể tạo bàn đạp để Nga tiến tới hai thành phố lớn hơn mà nước này đã muốn kiểm soát ở Donetsk, gồm Kramatorsk và Sloviansk, theo Reuters.
Tài liệu mật Lầu Năm Góc đánh giá Nga có nhiều khả năng giành được Bakhmut
Người đứng đầu nhóm lính đánh thuê thuộc công ty quân sự tư nhân Wagner, nhóm dẫn đầu nỗ lực giành Bakhmut của Nga, gần đây nói rằng các chiến binh của họ đã kiểm soát hơn 80% thành phố.
Phía Ukraine phủ nhận tuyên bố của Wagner, nói rằng họ vẫn kiểm soát đáng kể hơn 20% Bakhmut. Quân đội Ukraine được cho là sẽ tổ chức một cuộc phản công trong vài tuần hoặc vài tháng tới nhằm giành lại lãnh thổ bị lực lượng Nga nắm giữ.
Xem thêm: Đồng minh châu Âu vì sao không quá lạc quan về chiến dịch phản công của Ukraine?
Tổng thống Brazil được Nga ca ngợi, phương Tây chỉ trích
Trong chuyến thăm Brasilia ngày 17.4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và cảm ơn Brazil vì những nỗ lực giải quyết xung đột ở Ukraine. Song một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã cáo buộc ông Lula "nhắc lại lời Nga và Trung Quốc mà không nhìn vào sự thật".
Bị Mỹ chỉ trích, Tổng thống Brazil lại được Nga ca ngợi về đề xuất cho Ukraine
Ông Lula đã nỗ lực quảng bá bản thân trong vai trò người trung gian kết nối đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine. Đề xuất đó được cho là dựa trên truyền thống ngoại giao cởi mở và không can thiệp của Brazil.
Song ông Lula đã khiến nhiều người ở phương Tây tức giận với phát biểu vào cuối tuần qua, khi ông kêu gọi các cường quốc phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Kyiv. Phát biểu được đưa ra ngay sau khi ông trở về từ Trung Quốc, nơi ông đã thảo luận vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Xem thêm: Tổng thống Brazil bị Mỹ chỉ trích nhưng được Nga ca ngợi về đề xuất cho Ukraine
Bình luận (0)