Tổng thống Putin (phải) và Tổng thống Zelensky |
reuters |
Hãng Reuters đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 4.10 ký sắc lệnh chính thức tuyên bố “không thể” có bất cứ khả năng nào về việc đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng lại để ngỏ khả năng đối thoại với Nga.
Sắc lệnh chính thức hóa phát ngôn trước đó của nhà lãnh đạo Ukraine, sau khi ông Putin tuyên bố 4 khu vực ở Ukraine sẽ trở thành một phần của Nga. “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng với một tổng thống khác của Nga”, theo ông Zelensky.
Xem nhanh: Ngày 222 chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine có diễn biến gì nóng? |
Trong khi đó, lực lượng Ukraine tiếp tục mở rộng phản công nhanh ở miền đông và phá vỡ tuyến phòng thủ của Nga ở miền nam.
Lực lượng Ukraine ở miền nam đã hạ 31 xe tăng và một hệ thống rốc két phóng loạt của Nga. Tổng thống Zelensky cho biết phía Ukraine tiếp tục giành lại nhiều khu vực tại một số tỉnh, nhưng không nêu tên những địa phương cụ thể.
Tỉnh trưởng Donetsk Pavlo Kyrylenko ngày 4.10 cáo buộc hỏa lực Nga khiến 1 người thiệt mạng tại Krasnohorivka và 2 người bị thương ở Kramatorsk và Bakhmut.
Ông cho biết Nga còn tấn công tại Nikopol (tỉnh Dnipropetrovsk) bằng đạn pháo và hệ thống rốc két Grad khiến 4 người bị thương và hơn 30 tòa nhà cao tầng và nhà cửa thiệt hại. Nga chưa bình luận các thông tin này.
Phản ứng về sắc lệnh của Tổng thống Zelensky, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4.10 cho biết chiến dịch tại Ukraine sẽ không chấm dứt nếu Kyiv loại trừ khả năng đối thoại, khi cho rằng “cần có 2 bên để đàm phán”.
“Chúng tôi sẽ chờ tổng thống hiện tại thay đổi quan điểm hoặc chờ tổng thống tiếp theo thay đổi quan điểm vì lợi ích của nhân dân Ukraine”, ông Peskov.
Vùng Nga sa thải ủy viên quân sự, trả lại một nửa số người huy động nhập ngũ vì không đủ điều kiện |
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết hơn 200.000 người đã được động viên nhập ngũ kể từ khi Nga công bố “động viên một phần” cách đây 2 tuần. Ông cho biết Nga dự định tuyển thêm 300.000 quân nhân trong kế hoạch trên.
Trong một diễn biến khác, Hội đồng Liên bang (thượng viện) Nga đã thông qua việc sáp nhập 4 vùng ở Ukraine và dự định Tổng thống Putin sẽ ký ban hành sắc lệnh trong cùng ngày.
Ý tưởng hòa bình của tỉ phú Mỹ
Hãng AFP ngày 4.10 đưa tin tỉ phú Elon Musk gây tranh cãi với giới chức Ukraine, trong đó có cả Tổng thống Volodymyr Zelensky, sau khi có những ý tưởng mới nhằm chấm dứt chiến dịch của Nga tại nước này.
Nhà sáng lập hãng SpaceX và Tesla ở Mỹ viết trên Twitter đề xuất thỏa thuận hòa bình bao gồm việc tổ chức lại trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga với sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, thừa nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea và trao cho Ukraine vị thế trung lập.
Tỉ phú Elon Musk gây thị phi với Ukraine bằng đề xuất hòa bình lạ |
Tỉ phú này còn lập một khảo sát để 107 triệu người theo dõi tài khoản Twitter của ông có thể bỏ phiếu về ý tưởng trên.
Đáp trả, Tổng thống Zelensky cũng tạo một khảo sát trên tài khoản Twitter của mình với câu hỏi “bạn thích Elon Musk nào hơn?”, kèm 2 lựa chọn gồm “Người ủng hộ Ukraine” và “Người ủng hộ Nga”.
Theo Reuters, Điện Kremlin ngày 4.10 cho rằng ý tưởng của tỉ phú Musk là “bước tích cực”, và Moscow luôn cởi mở về việc kết thúc chiến sự thông qua đàm phán.
Xem thêm: Vì sao 'kế hoạch hòa bình' của tỉ phú Elon Musk khiến Ukraine tức giận?
Khả năng Nga dùng vũ khí hạt nhân
Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns tỏ ra thận trọng và cho biết chưa có bằng chứng về khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột tại Ukraine.
CIA nói gì về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine |
Trong một chương trình trên đài CBS ngày 3.10, Giám đốc CIA William Burns đã được hỏi về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine và trả lời rằng cần phải xem xét rất nghiêm túc tất cả các hình thức đe dọa, theo tờ The Hill.
“Những ngôn từ mà ông ấy (Tổng thống Nga Vladimir Putin) và các lãnh đạo cấp cao khác của Nga đã sử dụng thật khinh suất và cực kỳ vô trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng thực tế nào hôm nay trong cộng đồng tình báo Mỹ rằng ông ấy đang tiến gần đến việc sử dụng, rằng một mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sắp xảy đến”, ông Burns nói.
Điện Kremlin ngày 4.10 cho biết Moscow không muốn tham gia vào những giọng điệu về hạt nhân của các thế lực và truyền thông phương Tây.
Xem thêm: CIA nói gì về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine?
Động thái của Chechnya
Lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga Ramzan Kadyrov tuyên bố sẽ cho các con trai đang ở độ tuổi thiếu niên của ông tham gia cuộc xung đột tại Ukraine.
Đội quân Chechnya hiệu quả ra sao ở Ukraine? |
Những thất bại gần đây của Nga trên chiến trường gây ra mâu thuẫn giữa giới chỉ huy quân sự của nước này. Ông Kadyrov, người đứng đầu Cộng hòa Chechnya thuộc Nga và là đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, đã tăng cường đả kích các chỉ huy sau khi Nga rút quân khỏi thị trấn Lyman tại tỉnh Donetsk.
Theo đài Al-Jazeera ngày 3.10, ông Kadyrov đã đăng một đoạn video lên ứng dụng nhắn tin Telegram quay cảnh 3 người con trai Akhmat (16 tuổi), Eli (15 tuổi) và Adam (14 tuổi) tập bắn súng và cho biết những thiếu niên này sẽ sớm tham chiến tại những khu vực khó khăn nhất trên chiến tuyến.
Xem thêm: Lãnh đạo Chechnya nói sẽ cho con trai tham chiến tại Ukraine
Mỹ muốn viện trợ ổn định cho Ukraine
Mỹ sẵn lòng chi 1,5 tỉ USD/tháng cho Ukraine xuyên suốt chiến sự với Nga và đang thúc đẩy các đồng minh châu Âu đưa ra những cam kết tương tự, theo Hãng Bloomberg dẫn nguồn thạo tin.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tiến hành thảo luận với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề này, và thúc giục đồng minh hãy làm nhiều hơn nữa cho Ukraine. Tuần trước, Nhà Trắng đã ký khoản chi 4,5 tỉ USD tiền viện trợ cho Ukraine từ đây cho đến hết năm.
Mỹ sẽ chi 1,5 tỉ USD tháng cho Ukraine xuyên suốt cuộc xung đột với Nga |
Theo một nguồn thạo tin, trong bối cảnh EU đang dàn xếp nội bộ nhằm thực hiện các cam kết trước đó với Kyiv, các đồng minh phương Tây tiếp tục thảo luận một cơ chế thường xuyên hơn với mục tiêu duy trì nền kinh tế Ukraine vào thời điểm chiến sự vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Xem thêm: Mỹ sẽ chi 1,5 tỉ USD/tháng cho Ukraine xuyên suốt chiến sự với Nga
Anh, Na Uy tuần tra biển
Hãng AP ngày 4.10 đưa tin Anh điều một tàu hải quân tuần tra Biển Bắc, trong bối cảnh các nước phương Tây gia tăng bảo vệ những đường ống dẫn khí và tuyến cáp dưới biển sau những vụ nổ gây 2 điểm đứt gãy đường ống tại biển Baltic.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết một tàu hộ tống đang ở vùng biển trên, phối hợp với Hải quân Na Uy nhằm “đảm bảo cho những người làm việc gần các đường ống dẫn khí”.
Leo thang nghiêm trọng nếu Nga thực sự tấn công Nord Stream |
Thông báo được đưa ra sau cuộc họp của lực lượng viễn chinh hỗn hợp của các nước châu Âu trong khu vực. Lực lượng này gồm các binh sĩ đến từ 10 nước, bao gồm các nước vùng biển Baltic và Bắc Âu, với tầm quan trọng ngày càng gia tăng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trong một diễn biến khác, cảnh sát Na Uy cho biết đã đặt những hệ thống phát hiện UAV trên những dàn khoan ngoài khơi nhằm điều tra những vi phạm an toàn gần đây, trong nỗ lực tăng cường an ninh sau sự cố đường ống Nord Stream.
Xem thêm: Anh điều tàu chiến bảo vệ các tuyến cáp, đường ống dưới biển
Triều Tiên ủng hộ Nga
Trong thông báo được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải ngày 4.10, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế Jo Chol-su thuộc Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên nói rằng các cuộc trưng cầu dân ý tại 4 vùng ở Ukraine là hợp thức, tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, theo Reuters.
“Nhằm duy trì thế giới đơn cực không bị thách thức, Mỹ can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước độc lập và xâm phạm quyền hợp pháp của họ bằng cách lạm dụng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”, ông Jo nói.
Vị quan chức lên án Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép khi lên án Nga trong khi đã khơi mào các cuộc chiến tranh tại Nam Tư cũ, Afghanistan và Iraq. Ông Jo cũng cảnh báo Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ đối diện với hậu quả nếu đi theo “những hành động tự cao, tùy tiện, thiên vị và tiêu chuẩn kép” của Mỹ.
Trước đó, Triều Tiên đã công nhận 2 phe ly khai ở miền đông Ukraine gồm “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng và “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” tự xưng là nước cộng hòa độc lập, quyết định khiến Ukraine cắt quan hệ với Triều Tiên.
Xem thêm: Triều Tiên ủng hộ Nga, chỉ trích Mỹ 'tiêu chuẩn kép'
Xem thêm diễn biến chiến sự Nga - Ukraine:
- Chiến sự ngày 221: Ukraine đạt đột phá ở miền nam, Nga cách chức thượng tướng?
- Chiến sự ngày 220: Lyman ‘sạch bóng quân Nga’, lực lượng Ukraine tiếp tục tiến triển
- Chiến sự ngày 219: Nga từ bỏ Lyman, lãnh đạo Chechnya gợi ý dùng vũ khí hạt nhân
- Ngày 218: Chiến sự chuyển sang giai đoạn quyết liệt, Ukraine không đàm phán nếu còn ông Putin
Bình luận (0)