Cụ thể, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 9.10 cho biết giao tranh ở Israel sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, theo hãng thông tấn TASS.
"Chiến dịch quân sự là một quá trình độc lập. Đây là một hoạt động độc lập đang được Lực lượng vũ trang Nga thực hiện theo chỉ thị của Tổng tư lệnh tối cao và các kế hoạch hiện có. Mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Tình hình ở Israel khá khác biệt", ông Peskov nói.
Phát biểu được ông Peskov đưa ra sau khi được hỏi liệu xung đột ở Trung Đông, và khả năng Mỹ hỗ trợ cho Tel Aviv thay vì Kyiv, có ảnh hưởng đến tiến trình hoạt động quân sự của Nga hay không.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 592 diễn biến ra sao?
Diễn biến chiến trường
Ngày 9.10, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine báo cáo quân đội nước này đã đạt được thành công một phần tại các khu vực phía tây làng Verbove (tỉnh Zaporizhzhia), cũng như tại 2 làng Klishchiivka và Andriivka dọc theo thành phố Bakhmut (tỉnh Donetsk).
Hãng thông tấn Ukrinform đưa tin Lực lượng Phòng vệ Ukraine duy trì thế trận phòng thủ ở phía đông và phía nam, trong khi đẩy mạnh tấn công ở thành phố Melitopol (tỉnh Zaporizhzhia) và Bakhmut nhằm làm suy yếu Nga.
Kyiv thống kê trong ngày qua, 37 cuộc đụng độ đã diễn ra ở khắp Ukraine. Trong đó, Nga bị cáo buộc tiến hành 6 cuộc không kích và 29 loạt tên lửa nhằm vào các mục tiêu cả quân sự lẫn dân sự.
Trong khi đó, quan chức thân Nga Vladimir Rogov nói với TASS hôm 9.10 rằng quân đội Ukraine đã thực hiện 5 cuộc tấn công "vô ích" gần khu dân cư Rabotino ở tỉnh Zaporizhzhia và tổn thất khoảng 35 binh sĩ cho nỗ lực này.
Trong khi đó, Nga gọi việc ông Kirill Budanov, người đứng đầu Tổng cục Tình báo (GUR) của Bộ Quốc phòng Ukraine thừa nhận Kyiv đã 3 lần tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, sẽ là "lời cảnh tỉnh" đối với Liên Hiệp Quốc.
Nga "phòng thủ co giãn", linh hoạt để chống phản công của Ukraine
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trên Telegram: "Lời thú nhận của ông Budanov sẽ trở thành một lời cảnh tỉnh đối với Liên Hiệp Quốc. Những đại diện của tổ chức này đã nói suốt nhiều tháng qua rằng họ 'không thể xác định' [hướng] của các cuộc tấn công vào nhà máy".
Liên Hiệp Quốc ở thời điểm khó khăn nhất lịch sử
Tờ The Guardian dẫn lời ông Filippo Grandi, người đứng đầu Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), thừa nhận tổ chức này đang phải đối mặt với một trong những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử hơn 70 năm hoạt động.
Theo đó, UNHCR đang phải xử lý hàng loạt vấn đề, bao gồm thiếu hụt tài chính, trong bối cảnh khoảng 110 triệu người phải di dời trên khắp thế giới.
Xung đột từ Ukraine đến Sudan đã đẩy tình trạng di cư lên mức kỷ lục trên toàn cầu vào thời điểm một số chính phủ, bao gồm những nước sẵn lòng chào đón người tị nạn như Đức, phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để kiểm soát số lượng.
Ông nói thêm, tổ chức này phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn tài trợ lên tới 650 triệu USD (15.900 tỉ đồng) trong năm nay và triển vọng cho năm 2024 "thậm chí còn đáng lo ngại hơn".
Mùa đông không dễ dàng cho Ukraine với hệ thống năng lượng đầy thương tích
Đan Mạch kêu gọi phương Tây đừng mệt mỏi với Ukraine
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hôm 9.10 đã kêu gọi phương Tây đừng "mệt mỏi" vì chiến sự ở Ukraine.
Phát biểu tại một cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ở Copenhagen, bà thuyết phục các đồng minh sát cánh cùng Ukraine cho đến cùng. Theo bà Frederiksen, không ai trong NATO có thể tuyên bố mệt mỏi vì xung đột trong khi Ukraine vẫn tiếp tục các nỗ lực không mệt mỏi.
Bà Frederiksen cũng cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tính toán sai lầm khi đánh giá những lời ủng hộ của NATO đối với Ukraine sẽ "chỉ là lời nói suông".
Nga thảo luận về Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện
Sau khi Điện Kremlin tuần trước cho biết Nga có thể xem xét việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), Hội đồng Duma quốc gia Nga dự kiến nhóm họp trong hôm nay để thảo luận về vấn đề này, The Guardian đưa tin.
Tuần trước, Nga ra hiệu rằng họ có thể đảo ngược việc phê chuẩn hiệp ước và lưu ý rằng Mỹ dù đã ký nhưng vẫn chưa phê chuẩn. Điều này làm dấy lo ngại rằng Moscow có thể tiếp tục các vụ thử hạt nhân.
Tổng thống Ukraine tin phương Tây tiếp tục hỗ trợ dù có 'bão tố chính trị'
Theo phía Mỹ, bằng cách thu hồi phê chuẩn, Moscow muốn tăng áp lực lên Washington và các đồng minh để ngừng cung cấp vũ khí và viện trợ khác cho Ukraine.
Bình luận (0)