Chiến sự Ukraine đang tác động xấu tới Vành đai và Con đường của Trung Quốc?

13/06/2022 21:04 GMT+7

Giới phân tích cho rằng sự hợp tác giữa Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) do Nga dẫn đầu và sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang có nguy cơ hứng phải những “lệnh cấm vận thứ cấp” từ phương Tây.

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 11.6 đăng bài phân tích cho thấy những lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga đang buộc Trung Quốc điều chỉnh các mối quan hệ với EAEU, khi sự hợp tác với EAEU theo sáng kiến Vành đai và Con đường đang có nguy cơ đối diện những “lệnh cấm vận thứ cấp”. Những “lệnh cấm vận thứ cấp” được cho là chủ yếu do Mỹ áp đặt và nhắm vào các nước bên thứ ba, buộc họ phải chọn giữa việc tiếp tục hợp tác với Nga hay ngả về phương Tây.

Nhân viên dỡ hàng nhập khẩu từ một trong những tàu hỏa chở hàng tuyến Trung Quốc-châu Âu tại một nhà ga ở phía tây bắc Trung Quốc

Chụp màn hình SCMP

Bắc Kinh và Moscow đã ký một tuyên bố chung về hợp tác giữa EAEU và những dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2015, một năm sau khi EAEU giữa Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan được thành lập. Trung Quốc và EAEU đã nhất trí về sự hợp tác kinh tế lớn hơn trong 13 lĩnh vực, trong đó có hải quan, thương mại, quyền sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử. Sự hợp tác này đồng nghĩa các nước liên quan sẽ không phải chọn giữa Nga và Trung Quốc, theo một bài bình luận từ Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc.

Ngày càng khó khăn?

Tuy nhiên, với tình trạng Nga hứng phải nhiều lệnh cấm vận từ phương Tây sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2, các mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Nga và những nước khác thuộc EAEU ngày càng khó khăn, theo SCMP. “Sự cộng tác giữa EAEU và [sáng kiến Vành đai và Con đường] bị ảnh hưởng vì những lệnh cấm vận từ Mỹ và châu Âu đã làm gia tăng nguy cơ về những lệnh cấm vận thứ cấp đối với các công ty Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Triệu Long thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nhận định. Các nhà thầu và nhà đầu tư ở EAEU và những dự án chung thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường có thể đi ngược lại với các hạn chế nếu họ tìm cách hỗ trợ tài chính hoặc có hoạt động kinh doanh với những công ty bị những lệnh cấm vận phương Tây nhắm tới, theo ông Triệu.

Nguy cơ về những “lệnh cấm vận thứ cấp” gần đây đã thúc giục hàng trăm doanh nghiệp và tổ chức tài chính tạm dừng các mối quan hệ với Nga. Trong đó, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và Ngân hàng Trung Quốc đã cắt giảm việc tiếp cận liên quan Nga đối với các thị trường tài chính, theo cơ sở dữ liệu do Trường Quản lý thuộc Đại học Yale (Mỹ) tổng hợp. Tập đoàn Công nghệ Huawei cũng đã dừng các đơn hàng mới và cho nghỉ phép một số nhân viên ở Nga, theo cơ sở dữ liệu nói trên.

Xem nhanh: Chiến sự quân sự Nga ngày 108, Ukraine than cạn vũ khí, tỉ lệ chọi pháo 1-10

“Cuộc chiến tranh ở Ukraine đang tác động tới sự phát triển quan hệ song phương giữa Nga và Trung Quốc, và sự phối hợp trong liên minh Á Âu”, nhà nghiên cứu Paul Stronski, thuộc chương trình Nga và Á Âu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ), bình luận. Ông Stronski cho rằng về các lệnh cấm vận, Bắc Kinh đang âm thầm hỗ trợ Nga, nhưng vượt xa sự hỗ trợ về ngoại giao và động cơ mua năng lượng giá rẻ, nhiều công ty Trung Quốc cảnh giác về việc đi ngược lại những lệnh cấm vận của Mỹ hay Liên minh châu Âu” vì cả hai nền kinh tế này là những thị trường thương mại và xuất khẩu quan trọng hơn nhiều đối với các công ty ở Trung Quốc.

Cách đối phó của Trung Quốc, Nga

Tác động của những lệnh cấm vận áp đặt lên Nga sẽ được cảm nhận trong khắp EAEU vì “thiết kế” của liên minh này gắn chặt họ với “số phận của Nga”, theo ông Kataryna Wolczuk, nhà nghiên cứu thuộc chương trình Nga và Á Âu của tổ chức Chatham House (Anh), và giáo sư Rilka Dragneva thuộc trường luật của Đại học Birmingham (Anh). Chẳng hạn, Kazakhstan và Kyrgyzstan có thể thấy tác động tiêu cực đối với tiền tệ và kiều hối của họ.

"Những lệnh cấm vận cũng được áp dụng đối với các đường sắt Nga và đây có thể là lý do tình trạng không chắc chắn về sáng kiến Vành đai và Con đường gia tăng”, bà Dragneva nhận định. Một tuyến đường sắt từ biên giới Trung Quốc đi qua Kazakhstan, Nga, Belarus và vào châu Âu, vốn từng được phía Trung Quốc trợ giá và được xem có vai trò quan trọng trong việc đưa hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu thông qua EAEU, “bây giờ đang chết”, theo ông Stronski. “Các nhà cung cấp ở châu Âu bây giờ đang cảnh giác về việc đưa hàng hóa của họ lên một chuyến tàu chạy qua Nga do các nguy cơ về danh tiếng, hoặc nỗi sợ rằng Nga sẽ giam giữ hàng của họ. Các nhà sản xuất Trung Quốc ngày càng cảnh giác trong việc sử dụng tuyến đường sắt này, với lý do tương tự”, ông Stronski nhận định.

Khủng hoảng Ukraine: Cấm vận từ phương Tây có khiến Nga 'tổn thương'?

Báo động với tình trạng không chắc chắn từ bên ngoài, Trung Quốc đang ưu tiên kiểm soát nguy cơ và không thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường trong năm nay, theo một báo cáo do Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia của Trung Quốc công bố trong tháng 3. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc bắt đầu giảm quy mô đầu tư quốc tế theo sáng kiến Vành đai và Con đường, theo SCMP.

Đối với Nga, tình trạng bị cô lập sẽ thúc đẩy nước này "xoay trục sang phía Đông" bằng cách xây dựng liên minh với những nước bạn bè, có cùng quan điểm, theo nhà nghiên cứu Triệu Long thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải. “Các thành viên EAEU sẽ đẩy nhanh dòng chảy tự do về thương mại, dịch vụ, vốn, lao động và tiến trình của các cuộc dàn xếp trong khu vực trước năm 2025. Họ cũng sẽ củng cố các sáng kiến an ninh để mở rộng tầm ảnh hưởng hậu Liên Xô”, ông Triệu nhận định, theo SCMP.

.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.