Trang tin Kyiv Independent ngày 17.4 dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW-Mỹ) cho rằng trách nhiệm tiến hành các chiến dịch tấn công của Nga ở Ukraine dường như ngày càng được chuyển nhiều cho lực lượng lính dù.
Bộ Quốc phòng Anh cũng cho rằng thượng tướng Mikhail Teplinsky chỉ huy Lực lượng Đổ bộ đường không tinh nhuệ Nga (VDV) "nhiều khả năng quay lại vai trò chính ở Ukraine", sau khi bị mất chức hồi tháng 1.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 417 có gì nóng?
Sự tái bổ nhiệm ông Teplinsky, dù vai trò chưa rõ, dường như là dấu hiệu cho thấy Nga chuẩn bị sắp xếp lại các chỉ huy cấp cao sau đợt tấn công mùa đông không thành công như mong đợi, và giữa khả năng Ukraine phản công, theo ISW.
Song song đó, giới quan sát cho rằng "sự nghiệp bấp bênh" của tướng Teplinsky dường như cho thấy căng thẳng cao độ giữa các bộ phận trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga về cách tiếp cận đối với chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, ISW cho rằng sự quay lại của vị tướng này dường như không thể khôi phục vị thế trước đó của VDV là lực lượng tinh nhuệ, do đã chịu tổn thất lớn. Nga chưa bình luận về những nhận định này.
Về diễn biến xung đột, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine ngày 17.4 cho biết các đơn vị quân đội nước này đã tiến hành 5 cuộc tấn công vào các khu vực tập trung lực lượng và những hệ thống tên lửa phòng không của Nga trong vòng 24 giờ trước đó.
Cùng thời gian trên, phía Nga tổ chức hơn 50 cuộc tấn công bằng tên lửa và bom tại nhiều khu vực, trong đó Zaporizhzhia, Mykolaiv hứng đến 25 quả tên lửa đất đối không S-300 của Nga. Ngoài ra, các tỉnh Sumy, Kharkiv, Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia, Kherson, Dnipropetrovsk đều trúng hỏa lực Nga.
Trong khi đó, hãng TASS đưa tin phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho hay lực lượng Nga đã tấn công các vị trí khai hỏa, nhân sự và khí tài của 92 đơn vị pháo binh của Ukraine tại 127 quận, huyện.
Theo ông Konashenkov, Ukraine tổn thất đến 80 binh sĩ, một xe chiến đấu bọc thép, 2 xe cộ khác và một khẩu pháo D-30. Ukraine và Nga chưa bình luận về những thông tin trên của đối phương.
Tổng thống Putin tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ca ngợi hợp tác quân sự
G7 đối phó Nga
Hãng Kyodo ngày 17.4 đưa tin ngoại trưởng các nước G7 nhóm họp tại Nhật Bản đồng ý tăng cường hợp tác nhằm ngăn ngừa Nga tránh các lệnh cấm vận về kinh tế và nhận vũ khí từ các nước khác để phục vụ chiến dịch tại Ukraine.
G7 gồm các nước Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý. Trong khi khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine, các nhà ngoại giao đồng ý "tăng cường, phối hợp hoàn toàn và thực thi" các bước cấm vận đối với Nga, theo Bộ Ngoại giao Nhật.
Ngoài ra, G7 còn lên án thông báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc sẽ điều động vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, người chủ trì cuộc họp, cho biết G7 dự định thể hiện "quyết tâm mạnh mẽ" của mình để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Dự kiến G7 sẽ ra tuyên bố chung vào ngày 18.4, ngày cuối của cuộc họp kéo dài 3 ngày, với những thảo luận liên quan sẽ được phản ánh tại cuộc họp thượng đỉnh của nhóm vào tháng tới tại thành phố Hiroshima (Nhật).
Nga huấn luyện phi công Su-25 Belarus triển khai vũ khí hạt nhân
Tranh cãi vụ kết án người chỉ trích Điện Kremlin
Theo Reuters, chính phủ Anh ngày 17.4 triệu tập Đại sứ Nga để lên án cái mà London gọi là việc kết án "mang động cơ chính trị" đối với ông Vladimir Kara-Murza (42 tuổi).
Công dân mang song tịch Nga - Anh này trong nhiều năm đã chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin và vận động chính phủ các nước phương Tây cấm vận Nga và các công dân Nga về cáo buộc vi phạm quyền con người.
Trước đó vào cùng ngày, tòa án tại Moscow tuyên ông Kara-Murza mức án 25 năm tù giam về tội phản quốc và các tội danh khác mà ông bác bỏ.
"Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình, bao gồm quyền của Vladimir Kara-Murza được chăm sóc sức khỏe phù hợp", theo Ngoại trưởng Anh James Cleverly.
Theo Đài RT, bên cạnh tội phản quốc, ông Kara-Murza còn bị tuyên tội truyền bá thông tin sai lệch về lực lượng vũ trang Nga và các tội danh khác.
Nhiều đồng minh của Ukraine ở EU hoài nghi về chiến dịch phản công
Viện trợ cho Ukraine
Theo Kyiv Independent, Bộ Quốc phòng Slovakia ngày 17.4 thông báo rằng tất cả 13 tiêm kích MiG-29 mà nước này cam kết viện trợ đều đã được chuyển cho phía Ukraine.
"Việc chuyển giao được tiến hành trên bộ nhằm đảm bảo an ninh tối đa. Chúng tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tất cả các bên liên quan, vì các hoạt động như vậy đòi hỏi nỗ lực đáng kể và sự chú ý đến chi tiết hậu cần", Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho biết.
Ông Nad nói thêm rằng các máy bay chiến đấu thời Liên Xô "không thể sử dụng được" tại đất nước của ông, nên việc cung cấp chúng cho Ukraine là "điều đúng đắn" khi được sử dụng trên chiến trường.
Trong một diễn biến khác, hãng TASS ngày 17.4 dẫn lời Đại sứ Nga tại Đan Mạch Vladimir Barbin cho rằng giới chức Đan Mạch không tuân theo bất cứ lằn ranh đỏ nào trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Bom dẫn đường của Nga đang phát huy hiệu quả tại chiến trường Ukraine
"Copenhagen tin chắc rằng phương Tây có thể đem đến một thất bại quân sự đối với Nga ở Ukraine. Đan Mạch không nghĩ đến số phận mà Ukraine và công dân nước này sẽ phải đối mặt trong trường hợp xung đột leo thang hơn nữa", ông chỉ trích.
Nhà ngoại giao này lưu ý rằng một quỹ đặc biệt gần đây đã được lập tại Đan Mạch lên đến 1 tỉ USD nhằm tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.
Đan Mạch đã chuyển giao 900 triệu USD vũ khí cho Ukraine, gồm những hệ thống tên lửa chống hạm, chống tăng và phòng không, bên cạnh súng cối, xe chở quân bọc thép, máy bay không người lái và nhiều loại đạn dược, theo ông Barbin.
"Việc vận chuyển 19 đơn vị pháo tự hành Caesar dự định sẽ tiến hành vào tháng 5 và xe tăng Leopard 1 vào mùa hè. Khả năng cung cấp máy bay chiến đấu F-16 đang được thảo luận. Các chuyên gia Đan Mạch đang huấn luyện quân nhân Ukraine", ông liệt kê thêm.
Phía Đan Mạch chưa bình luận về phát biểu của ông Barbin.
Ukraine cần xe bọc thép vận chuyển quân hơn là xe tăng?
Bình luận (0)