Chiến sự Ukraine khẳng định vị thế của ‘những vị thần chiến tranh’

28/11/2022 11:00 GMT+7

Chiến sự tại Ukraine được cho là đang thể hiện những thay đổi trong chiến thuật bộ binh, nhưng có một loại vũ khí vẫn tiếp tục thể hiện vai trò chủ lực qua nhiều thập niên.

Pháo hạng nặng 2S7 Pion của Ukraine

Bộ quốc phòng ukraine

Dù nhiều vũ khí hiện đại tràn ngập trong chiến sự ở Ukraine, xung đột căn bản vẫn là cuộc đấu tay đôi giữa lực lượng pháo binh hai phía, theo trang New Atlas mới đây dẫn lời giới phân tích.

Khi Nga đưa quân sang Ukraine vào tháng 2, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng chiến dịch sẽ giống như những chiến dịch quân sự gần đây của Mỹ và NATO, với sự thể hiện của công nghệ quân sự hiện đại, chiến thuật và các chiến lược.

Xung đột được dự kiến sẽ là cuộc đọ sức của những hệ thống công nghệ cao với sự phối hợp sát sao giữa các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không phối hợp như một đơn vị thống nhất với những diễn biến nhanh và đòn tấn công chính xác.

Nhiều tháng sau, xung đột lại có phần tái hiện những cảnh trong Thế chiến 1, nhưng với sự xoay vần đáng kinh ngạc trong thế kỷ 21.

Xung đột Ukraine khẳng định vị thế "thần chiến tranh" của pháo binh

Xung đột được dự kiến sẽ là những nỗ lực giành ưu thế trên không, những đoàn xe bọc thép di chuyển nhanh, vũ khí tấn công chính xác và tấn công mạng nhằm vào hạ tầng trọng yếu.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy mặt trận khác, tĩnh hơn, với 2 bên khai hỏa những khẩu pháo nhắm vào đối phương, tương tự như Thế chiến 1.

Sự vượt trội của pháo binh

Pháo là vũ khí mạnh mẽ nhất trong nhiều thế kỷ, nhưng sự phát triển của máy bay khiến chúng có vẻ trở nên cũ kỹ vào cuối Thế chiến 2 và dần dần bị xếp ở cấp thấp, nhất là bởi các nước NATO và Israel.

Sự tiến hóa mới của xung đột là thiết giáp cơ động cao với sự hỗ trợ của các tiêm kích và đòn giáng hạng nặng với tính chất nhanh, tầm xa, chính xác và cần ít nhân lực.

Yếu tố then chốt là không lực, nhưng vì lý do chưa rõ, Nga không sẵn sàng hoặc không thể đưa không lực vào chiến dịch với sức mạnh đủ để kiểm soát bầu trời Ukraine.

Pháo hạng nặng BM-30 Smerch của Nga

Bộ Quốc phòng nga

Không có ưu thế trên không, lực lượng Nga và các tuyến hậu cần vô cùng dễ bị tấn công và cục diện trở nên bất lợi. Kết quả là Bộ binh Nga dựa vào “kiểu mặc định” trong khoảng 300 năm, với những khẩu pháo.

Nga từ lâu có mối quan hệ đặc biệt với những khẩu pháo. Lãnh tụ Xô Viết Joseph Stalin từng gọi chúng là “những vị thần chiến tranh” và chúng là vũ khí còn lâu mới bị từ bỏ. So với máy bay, pháo có ưu thế là có thể khai hỏa suốt ngày trong bất cứ điều kiện thời tiết nào và không cần những sân bay dễ bị tấn công.

Nga dường như “tôn sùng” hỏa pháo kể từ khi Peter Đại Đế lệnh cho nhà thờ phải đóng góp một số quả chuông để đúc pháo dùng trong cuộc chiến chống Thụy Điển.

Ngoài ra, người Nga dường như rất sáng tạo trong chiến thuật pháo binh, trong đó có ý tưởng khai hỏa gián tiếp, nghĩa là những khẩu pháo bắn vào mục tiêu không nhìn thấy trực tiếp.

Ukraine dùng pháo quá "hao", Lầu Năm Góc đau đầu tìm cách sửa chữa thay thế

Đế chế Nga dần dần phát triển quân đội dựa trên pháo binh, với học thuyết tiêu chuẩn về việc ồ ạt dội pháo khiến đối phương suy yếu và xuống tinh thần, trước khi đưa lực lượng bộ binh rầm rộ xông lên.

Học thuyết này tiếp nối và được tăng cường dưới thời Liên Xô, được sử dụng với hiệu quả cao trong Thế chiến 2 chống lại Đức. Hiệu quả tác động sâu sắc đến mức quân đội Nga cho rằng pháo là sự lựa chọn của quân đội tại Chechnya, Syria, Afghanistan và nhiều nơi khác.

Không phải những khẩu pháo cổ

Với Ukraine, nước này cũng từng thuộc Liên Xô và cũng phản ánh những nét tương tự, khi cũng bị một số bất lợi trong chiến sự.

Cho đến vài tháng gần đây, phần lớn thiết bị quân sự của Ukraine thừa hưởng từ Liên Xô và quân đội cũng theo nhiều học thuyết quân sự như Nga. Pháo của Nga và Ukraine đều thừa hưởng của Liên Xô và một số có từ thời Thế chiến 2.

Dù Nga gặp tổn thất đáng kể và đối diện những vấn đề hậu cần lớn, số pháo của Nga được cho là vượt hơn Ukraine.

Nga và Ukraine đều sử dụng pháo từ thời Liên Xô như lựu pháo D-30 Lyagushka với tầm bắn 22 km, pháo 2A36 Giatsint-B với tầm bắn 40 km và pháo hạng nặng BM-30 Smerch với tầm bắn 70 km.

Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao của Ukraine khai hỏa trong xung đột với Nga

reuters

Sự tương đồng này giúp Ukraine hiểu về vũ khí của đối phương và dễ dàng sử dụng nếu chiếm được còn nguyên. Tuy nhiên, điều này cũng gây trở ngại vì kho đạn dược dành cho pháo thời Liên Xô của Ukraine rất hạn chế.

Tuy nhiên, Ukraine được hỗ trợ từ các nước với những khẩu pháo như CAESAR 155 mm với tầm bắn 46 km, pháo M777 với tầm bắn 40 km và nhiều đạn 155 mm từ Úc, Canada và Mỹ.

Forbes: Nga đã chi 5,5 tỉ USD chỉ để bắn pháo ở Ukraine

Ukraine còn nhận pháo M119A3 do Anh thiết kế với tầm bắn 17 km, hạng nhẹ phù hợp sử dụng bởi bộ binh, bên cạnh hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) đình đám của Mỹ.

Hiện tại, về đạn dược, ước tính Nga khai hỏa 50.000 lần/ngày trong chiến sự, còn Ukraine có lẽ ít hơn gấp 10 lần. Trong khi những vũ khí tinh vi kèm đạn dược đang được gửi đến Ukraine trị giá hàng tỉ USD, ngành công nghiệp, hạ tầng và kinh tế Nga dường như cũng đang chịu áp lực lớn. Chiến dịch quân sự đặc biệt ban đầu được cho là chỉ kéo dài 4 ngày, giờ đây đã 9 tháng và kéo dài vào mùa đông băng giá. Các binh sĩ Nga đã bị đẩy lùi tại một số mặt trận, nhưng họ đang đào những cứ điểm phòng thủ và phá cầu để ngăn Ukraine tấn công.

Trong khi đó, cuộc đấu pháo tay đôi vẫn tiếp diễn, trong khi Nga hướng hỏa lực, nhất là tên lửa và UAV cảm tử vào hạ tầng Ukraine khiến mùa đông trở thành trở ngại cho đối phương. Cho dù kết quả xung đột ra sao, giới phân tích cho rằng điều chắc chắn là chiến sự thể hiện vai trò quan trọng của những khẩu pháo và khiến những lực lượng quân sự phải nghiêm túc đánh giá lại vai trò của chúng trên chiến trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.