Chiến sự Ukraine ngày 1007: Nga ồ ạt tấn công, lên tiếng về vũ khí hạt nhân

27/11/2024 05:00 GMT+7

Nga tiếp tục ồ ạt tấn công Ukraine bằng máy bay không người lái (UAV), đồng thời chỉ trích thông tin cho rằng Mỹ có thể cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine.

Hãng RBC-Ukraine đưa tin Nga ồ ạt tấn công Ukraine trong đêm 25.1 và rạng sáng 26.1 với 4 tên lửa đạn đạo Iskander M và 188 máy bay không người lái (UAV) cảm tử, trong đó phía Ukraine bắn rơi 76 UAV.

Không quân Ukraine cho biết Nga phóng 4 tên lửa trên từ các vùng Voronezh và Kursk, còn các UAV được phóng từ các khu vực Oryol, Bryansk, Kursk và Primorsk-Akhtarsk.

Điểm xung đột: ATACMS mang đạn chùm tàn phá sân bay Nga; Pháp, Anh tính đưa quân đến Ukraine?

"Không may là có những mục tiêu hạ tầng trọng yếu và một vài tòa nhà chung cư và nhà riêng bị thiệt hại trong đợt tấn công ồ ạt bằng UAV nhằm vào nhiều tỉnh. Các báo cáo sơ bộ cho thấy không có thương vong", theo Không quân Ukraine.

Trong khi đó, trang The Kyiv Independent dẫn thông tin từ chính quyền các địa phương ở Ukraine cho hay có ít nhất 2 người thiệt mạng và 45 người bị thương.

Chiến sự Ukraine ngày 1007: Nga ồ ạt tấn công, lên tiếng về vũ khí hạt nhân- Ảnh 1.

Sân một khu dân cư tại Kharkiv bị thiệt hại sau đợt tấn công bằng tên lửa vào ngày 25.11

ẢNH: AFP

Tại Kharkiv, một tên lửa S-400 của Nga phóng đến khiến 26 người bị thương và gây thiệt hại 5 xe hơi và hơn 40 nhà cửa, theo Tỉnh trưởng Oleh Syniehubov.

Vào đêm trước đó, Ukraine cho biết phía Nga phóng 145 UAV.

Hãng Interfax ngày 26.11 dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay lực lượng nước này vừa giành quyền kiểm soát làng Kopanky ở tỉnh Kharkiv của Ukraine. Ngoài ra, bộ này cho biết lực lượng Nga đã bắn hạ 3 UAV của Ukraine gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Nga và Ukraine chưa bình luận về những thông tin trên của đối phương.

Lời kêu gọi NATO kết nạp Ukraine

Trang The Kyiv Independent đưa tin các đại biểu từ nghị viện các nước thành viên NATO vừa lên tiếng ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên thứ 33 của liên minh này, trong một nghị quyết được Đại hội đồng Nghị viện NATO thông qua vào ngày 25.11.

Đại hội đồng này không có vai trò trực tiếp nào trong việc phụ trách các chính sách của NATO.

Nhiễu thông tin về vũ khí bí mật ‘Mini-Taurus’ Ukraine sắp nhận từ Đức

Đại hội đồng kêu gọi các quốc gia thành viên "tăng cường các nỗ lực chính trị và thực tiễn để giúp Ukraine nhận được lời mời và trở thành thành viên thứ 33 của NATO trong thời gian sớm nhất, theo nghị quyết.

Kyiv đã nộp đơn xin gia nhập vào tháng 9.2022. Đến tháng 7, NATO khẳng định "con đường không thể đảo ngược của Ukraine" hướng tới sự gia nhập NATO, dù Ukraine vẫn chưa nhận được bất kỳ tin tức chắc chắn nào về việc gia nhập trong tương lai.

Bảy nước trong đó có Mỹ, Đức và Hungary, đang tỏ ra chưa muốn bật đèn xanh cho việc gia nhập nhanh chóng của Ukraine, Politico đưa tin hồi tháng 10. Việc Kyiv gia nhập sẽ đòi hỏi sự nhất trí của tất cả 32 thành viên.

Các thành viên của đại hội đồng trên cũng kêu gọi duy trì và tăng cường "hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine, đảm bảo cung cấp kịp thời đạn dược và hệ thống vũ khí tiên tiến, bao gồm hệ thống phòng không, vũ khí chính xác tầm xa và máy bay chiến đấu đa năng".

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere ngày 26.11 cho hay nước này đã đồng ý tăng hỗ trợ cho Ukraine trong năm tới lên 2,7 tỉ USD, đảo ngược một đề xuất trước đó về cắt giảm tiền hỗ trợ.

Thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Na Uy tăng vọt sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ vào năm 2022, khi giá năng lượng tăng vọt, thúc đẩy quy mô quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy.

Tổng thống Zelensky: Ukraine sẽ thua nếu mất đoàn kết và Mỹ cắt viện trợ

Nga chỉ trích vấn đề hạt nhân

Hãng Reuters ngày 26.11 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc thảo luận ở phương tây về khả năng trang bị vũ khí hạt nhân cho Ukraine là "hoàn toàn vô trách nhiệm".

Tuần trước, tờ The New York Times dẫn lời các quan chức phương Tây ẩn danh cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine trước khi ông mãn nhiệm.

"Một số quan chức thậm chí còn đề xuất rằng ông Biden có thể trả lại vũ khí hạt nhân cho Ukraine vốn bị lấy đi sau khi Liên Xô tan rã. Đó sẽ là một biện pháp răn đe tức thời và to lớn. Nhưng một bước đi như vậy sẽ phức tạp và có những tác động nghiêm trọng", theo bài báo.

Nhận đình về bài báo trên, ông Peskov nói rằng đó là "những lập luận hoàn toàn vô trách nhiệm của những người có hiểu biết kém về thực tế và không cảm thấy có một chút trách nhiệm nào khi đưa ra những tuyên bố như vậy".

"Chúng tôi cũng lưu ý rằng tất cả những tuyên bố này đều ẩn danh", ông Peskov nói thêm.

Trước đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết nếu phương Tây cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine thì Moscow có thể coi hành động chuyển giao đó tương đương với một cuộc tấn công vào Nga, tạo cơ sở cho một cuộc đáp trả hạt nhân.

Trong một diễn biến khác, hãng TASS ngày 26.11 dẫn lời ông Sergei Naryshkin, giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) cho hay Nga sẵn sàng đối thoại với Ukraine dựa trên những điều khoản do Tổng thống Putin đặt ra và phương Tây nên chấp nhận ngay vì lợi ích của mình.

Theo ông, Nga phản đối việc chỉ đóng băng xung đột ở Ukraine vì Moscow cần "hòa bình chắc chắn và lâu dài" giúp giải quyết những nguyên nhân cốt lõi của cuộc khủng hoảng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.