Trang The Kyiv Independent ngày 10.1 đưa tin các máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã tấn công nhiều tỉnh của Nga trong đêm, gây ra nhiều đám cháy tại Leningrad và Rostov.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không đã ngăn chặn 40 UAV Ukraine trong đêm, gồm 16 chiếc tại Rostov, 8 chiếc tại Kursk và Voronezh, 3 chiếc tại Bryansk, 2 chiếc tại Kuban, 1 chiếc tại Belgorod và 10 chiếc tại biển Azov.
Điểm xung đột: Thêm mối nguy từ Nga ở Kharkiv; Ukraine muốn quân đội phương Tây triển khai
Đợt tấn công gây đám cháy lớn tại thị trấn Gatchina ở tỉnh Leningrad, cách thành phố St. Petersburg 45 km về hướng tây nam. Đám cháy bắt nguồn từ một khu công nghiệp.
Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga nói rằng đám cháy bao phủ khu vực có diện tích 1.900 m2 nhưng không làm ai bị thương. Một đám cháy khác do UAV tấn công xảy ra tại cơ sở sản xuất công nghiệp rộng 2.000 m2 gần thành phố Rostov, tỉnh Rostov.
The Kyiv Independent dẫn một nguồn tin từ Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) tiết lộ Ukraine đã tấn công một nhà kho chứa đạn và UAV trinh sát của Nga gần làng Chaltyr ở Rostov.
SBU và Hải quân Ukraine phối hợp thực hiện đợt tấn công bằng cách cho UAV đến trước để áp đảo lực lượng phòng không Nga, sau đó dùng tên lửa nội địa Neptune để tấn công nhà kho. Các video được đăng trên mạng xã hội được cho là quay cảnh vụ nổ tại Rostov với cột khói cao bốc lên. Mức độ thiệt hại chưa được công bố. Neptune là tên lửa chống hạm do Ukraine tự sản xuất, có tầm bắn tối đa 300 km.
Nga chưa bình luận về vụ việc trên. Trong ngày 10.1, hãng TASS dẫn nguồn tin cáo buộc quân đội Ukraine tấn công một siêu thị tại quận Kievsky thuộc thành phố Donetsk hiện do Nga kiểm soát. Vụ tấn công được thực hiện bằng hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS), làm 4 người bị thương và nhiều thiệt hại khác.
Trong khi đó, Ukraine thông báo Nga đã phóng 72 UAV tấn công lãnh thổ Ukraine trong đêm. 33 chiếc bị ngăn chặn và 34 chiếc bị biến mất khỏi màn hình radar và không rơi trúng mục tiêu.
Theo Reuters, 5 UAV rơi xuống các tòa nhà tại tỉnh Chernihiv ở miền bắc, làm một người bị thương, trong khi các vụ nổ cũng xảy ra tại thủ đô Kyiv.
Nga không muốn đóng băng chiến sự Ukraine
Nga quan tâm đến một giải pháp lâu dài cho các vấn đề dẫn đến xung đột tại Ukraine hơn là đóng băng chiến sự, theo đại sứ Nga tại Anh Andrey Kelin.
Hãng TASS trích dẫn lời ông Kelin nói trong cuộc phỏng vấn đăng trên mạng xã hội của đại sứ quán Nga, trong đó vị đại sứ khẳng định Moscow không muốn đóng băng xung đột.
"Điều đó sẽ không giải quyết các vấn đề tồn đọng trước mắt chúng ta. Chúng ta sẽ cần một giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng và đương nhiên là liên quan mọi thứ, một lần và mãi mãi", ông Kelin nói.
Ông Trump muốn chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong 100 ngày
Đại sứ Nga cho rằng việc hợp tác kinh tế và chính trị giữa Nga và Ukraine trong tương lai là điều không thể tránh khỏi và việc quan trọng là Kyiv phải giữ vị thế trung lập. Ông Kelin nói rằng Ukraine sẽ bị sai khiến nếu gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Cùng ngày, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nhấn mạnh rằng lập trường của Nga trong việc giải quyết xung đột Ukraine đã được nói rõ và vẫn không thay đổi. Ông Peskov nhắc lại rằng Tổng thống Vladimir Putin đã nêu rõ lập trường của Nga, gồm 4 điều kiện. Theo đó, Ukraine phải rút khỏi Donbass và các vùng mà Nga mới sáp nhập, đồng thời không được gia nhập NATO. Nga cũng yêu cầu dỡ bỏ các lệnh cấm vận của phương Tây đối với Moscow và thiết lập tình trạng phi hạt nhân, không liên kết của Ukraine.
Mỹ cấm vận ngành năng lượng Nga
Bộ Tài chính Mỹ ngày 10.1 công bố lệnh cấm vận quy mô lớn đối với 183 tàu chở dầu, nhà giao dịch dầu mỏ Nga và các nhà cung cấp mỏ dầu, hai công ty dầu khí Gazprom Neft và Surgutneftegas cùng hơn 20 công ty con, theo AFP.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết đây là lệnh cấm vận lớn nhất đối với lĩnh vực năng lượng của Nga và dự kiến sẽ gây thiệt hại hàng tỉ USD mỗi tháng cho nền kinh tế Moscow. Lệnh cấm vận nhằm thực hiện cam kết của G7 trong việc giảm nguồn thu năng lượng của Nga.
Ukraine buộc châu Âu 'cai' khí đốt Nga, Moscow thất thu 5 tỉ USD
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ngăn chặn 2 dự án khí tự nhiên hóa lỏng của Nga, một dự án dầu mỏ lớn và các thực thể của nước thứ ba đang hỗ trợ cho việc xuất khẩu năng lượng của Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có hành động đối với nhiều nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu tại Nga và các quan chức cấp cao thuộc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử nhà nước Nga (Rosatom). Anh cũng cấm vận 2 nhà sản xuất dầu mỏ lớn của Nga.
Lệnh cấm vận được đưa ra chỉ 10 ngày trước khi Tổng thống Joe Biden mãn nhiệm. Động thái này được cho là sẽ đặt Tổng thống đắc cử Donald Trump vào thế khó xử khi ông đang mong muốn sớm chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, theo AFP.
Ông Putin sẵn sàng gặp ông Trump
Điện Kremlin ngày 10.1 thông báo Tổng thống Putin sẵn sàng đối thoại với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump mà không cần điều kiện gì. "Điều cần là ý định chung và ý chí chính trị cho một cuộc đối thoại và giải quyết các vấn đề đang tồn tại thông qua đối thoại", người phát ngôn Peskov của Điện Kremlin nói, lưu ý rằng cuộc gặp chỉ có thể diễn ra sau khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20.1.
Trước đó, Tổng thống đắc cử Trump nói muốn gặp ông Putin và đang sắp xếp cho sự kiện đó. "Tổng thống Putin muốn gặp, ông ấy đã nói công khai chuyện đó và chúng ta phải kết thúc cuộc chiến đó. Đó là mớ hỗn độn đẫm máu", ông Trump nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Georgiy Tykhy nêu quan điểm của Kyiv rằng muốn cuộc chiến chấm dứt theo cách công bằng cho Ukraine. Ông cũng cho hay Ukraine đang chuẩn bị cho các cuộc thảo luận cấp cao giữa Kyiv và Washington ngay sau lễ nhậm chức tại Mỹ, gồm cuộc gặp giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và ông Trump.
Bình luận (0)