Chiến sự Ukraine ngày 1.075: Tổng thống Trump đặt điều kiện gì cho Kyiv?

03/02/2025 04:45 GMT+7

Mỹ muốn Ukraine tổ chức bầu cử, có thể vào cuối năm nay, đặc biệt trong trường hợp chính quyền Kyiv có thể đạt được lệnh tạm thời ngừng bắn với Nga trong những tháng tới, theo Reuters dẫn lời đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump.

 Nga, Ukraine cáo buộc lẫn nhau vụ tấn công trường nội trú Kursk

Ít nhất 4 người thiệt mạng sau vụ tên lửa hôm 1.2 bắn trúng một trường nội trú nằm trong khu vực Ukraine đang kiểm soát ở vùng Kursk thuộc Nga, theo Reuters.

Trên Telegram, lực lượng vũ trang Ukraine cáo buộc Nga tổ chức một vụ ném bom nhằm vào trường nội trú ở thành phố Sudzha, cách biên giới với Ukraine khoảng 12 km và là nơi tập trung những người chuẩn bị sơ tán.

Nga có những lựa chọn gì nếu kiểm soát được trung tâm hậu cần then chốt Pokrovsk của Ukraine?

Còn trên Facebook, người phát ngôn quân đội Ukraine Oleksiy Dmytrashkivskyi cho hay có gần 100 người bị chôn vùi bên dưới đống đổ nát sau vụ ném bom do Nga thực hiện.

Tính đến rạng sáng 2.2 (giờ Việt Nam), 84 người được giải cứu hoặc điều trị y tế. Trong đó 4 người bị trọng thương.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng Ukraine từ bên kia biên giới đã thực hiện một vụ tấn công bằng tên lửa có chủ đích nhằm vào ngôi trường ở thành phố Sudzha.

Chiến sự Ukraine ngày 1.075: Tổng thống Trump đặt điều kiện gì cho Kyiv?- Ảnh 1.

Một khu vực trúng bom đạn thuộc thành phố Sudzha của tỉnh Kursk hiện do Ukraine kiểm soát

ảnh: reuters

Trong tuyên bố chính thức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi đây là "vụ tấn công khủng bố" và sẽ truy cứu trách nhiệm của Kyiv đối với vụ việc.

Quyền tỉnh trưởng Kursk Alexander Khinshtein cũng đổ lỗi cho quân đội Ukraine trong vụ tấn công.

Ở Belgorod của Nga, Tỉnh trưởng Vyacheslav Gladkov tố cáo Ukraine hôm 2.2 sử dụng máy bay không người lái tấn công khu vực giáp biên giới, khiến 2 dân thường thiệt mạng.

Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cho hay trong vòng 24 giờ đã bắn hạ 44 UAV của Ukraine.

Chính quyền Kyiv chưa bình luận về thông tin trên, nhưng cáo buộc Nga thực hiện các vụ tấn công vào cuối tuần khiến 3 người tử vong ở tỉnh Sumy, 1 nạn nhân ở Kharkiv, và 1 nạn nhân ở Kherson.

Chiến sự Ukraine ngày 1.075: Tổng thống Trump đặt điều kiện gì cho Kyiv?- Ảnh 2.

Ông Keith Kellogg, đặc phái viên về Ukraine và Nga của chính quyền Tổng thống Trump

ảnh: reuters

Ukraine phải tổ chức bầu cử nếu đàm phán thành công?

Trong lúc giao tranh tiếp diễn, ông Keith Kellogg, đặc phái viên về Ukraine và Nga của chính quyền Tổng thống Mỹ Trump, cho rằng các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Ukraine vốn đã bị hoãn lại trong thời gian chiến sự "cần phải được hoàn thành".

Cả Tổng thống Trump lẫn đặc phái viên Kellogg đều nói đang xúc tiến thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, với hy vọng sẽ hoàn thành mục tiêu trong những tháng đầu của nhiệm kỳ ông Trump.

Ông Trump hé lộ gì về cách giải quyết xung đột Nga-Ukraine

Kế hoạch của Tổng thống Trump vẫn đang trong quá trình xây dựng và đến nay chưa có quyết định chính sách nào được thực hiện. Tuy nhiên, ông Kellogg và những quan chức khác của Nhà Trắng trong thời gian gần đây đã thảo luận về việc thuyết phục Ukraine tổ chức bầu cử theo một phần thỏa thuận với Nga, Reuters dẫn 2 nguồn thạo tin và một cựu quan chức Mỹ.

Các quan chức của ông Trump cũng tranh luận về việc liệu có nên thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ban đầu trước khi tiến tới một thỏa thuận lâu dài hơn hay không. Nếu cuộc bầu cử tổng thống được tiến hành, người đắc cử có thể chịu trách nhiệm đàm phán để thông qua một thỏa thuận kéo dài với phía Moscow.

Hiện vẫn chưa rõ đề xuất của ông Trump sẽ được Kyiv đón nhận như thế nào. Tổng thống Volodymyr Zelensky từng nói Ukraine có thể tổ chức bầu cử trong năm nay nếu chiến sự chấm dứt và các đồng minh phải triển khai lực lượng nhằm bảo đảm được tình hình an ninh nếu muốn ngăn chặn Nga nối lại hoạt động tấn công.

Chiến sự Ukraine ngày 1.075: Tổng thống Trump đặt điều kiện gì cho Kyiv?- Ảnh 3.

Binh sĩ Nga ở vùng chiến sự đặc biệt

ảnh: bộ quốc phòng nga

Ý tưởng hòa đàm theo NATO

Trong khi đó, Tổng thư ký Mark Rutte của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng bất kỳ cuộc hòa đàm nào trong tương lai giữa Kyiv và Moscow đều cần phải đảm bảo Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không bao giờ thử tấn công Ukraine lần nữa.

Trả lời phỏng vấn tờ Bild (Đức) hôm 1.2, ông Rutte được hỏi liệu hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể thực sự xảy ra hay không?

"Tôi không thể mô tả chi tiết về cách thức cuộc đối thoại sẽ diễn ra theo chiều hướng nào", Tổng thư ký NATO cho biết, thêm rằng cần phải giữ bí mật liên quan đến nội dung có thể của cuộc thương thuyết.

Không quân NATO học lại bài từ chiến sự Ukraine

Theo ông, nếu Ukraine quyết định đàm phán, phía Nga cần phải có mặt Tổng thống Putin. Thế nhưng, chủ nhân Điện Kremlin đã từ chối thương thuyết trực tiếp với ông Zelensky vì cho rằng ông không chính danh là lãnh đạo Ukraine vì nhiệm kỳ đã kết thúc nhưng cuộc bầu cử tổng thống lại bị hoãn.

Về câu hỏi liệu Ukraine và các đồng minh phương Tây đang thua trận trong lúc quân Nga tiếp tục tiến quân ở miền đông, ông Rutt cho hay Nga đang phải trả giá đắt cho sự tiến quân, đồng thời khẳng định Moscow vẫn chưa bao giờ đạt được các mục tiêu đặt ra khi bước vào chiến sự với Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.