Chiến sự Ukraine ngày 1.088: Rộ tin châu Âu âm thầm tính chuyện điều quân đến Ukraine

16/02/2025 05:10 GMT+7

Truyền thông đưa tin Pháp và Anh đang dẫn đầu sáng kiến 'đưa quân vào thực địa' ở Ukraine, do lo ngại Mỹ có thể thay đổi các ưu tiên về an ninh trong khu vực.

Chiến sự Ukraine ngày 1.088: Rộ tin châu Âu âm thầm tính chuyện điều quân đến Ukraine- Ảnh 1.

Các binh sĩ Ukraine tại vùng Donetsk

ẢNH: AFP

Hãng AP ngày 15.2 đưa tin một nhóm các nước châu Âu đang âm thầm xây dựng kế hoạch gửi các binh sĩ gìn giữ hòa bình tới Ukraine do lo ngại về việc thay đổi các ưu tiên của Mỹ về an ninh trên lục địa này.

Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh các nước phương Tây đang thảo luận về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình nếu thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Ukraine và Nga. Mỹ đã nhiều lần tuyên bố sẽ không gửi quân đến Ukraine, buộc châu Âu phải chủ động.

Pháp sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp châu Âu về Ukraine

Pháp và Anh đang dẫn đầu sáng kiến "đưa quân vào thực địa" ở Ukraine, theo AP. Hãng tin này dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevklur cho biết các đồng minh châu Âu "đang trong giai đoạn rất sớm" của việc xây dựng kế hoạch triển khai quân gìn giữ hòa bình tới Ukraine.

Theo ông, nếu quân đội Nga và Ukraine giảm quân số xuống còn "vài ngàn" ở mỗi bên, thì sẽ không thành vấn đề đối với châu Âu "khi cũng có mặt ở đó". Nhưng việc thực hiện kế hoạch sẽ khó khăn hơn nhiều nếu có "xung đột dữ dội".

Ukraine lo ông Trump gặp ông Putin

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) hôm 15.2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng sẽ là điều "nguy hiểm" nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi gặp ông.

Ông Zelensky còn cho rằng ông Putin sẽ cố gắng mời ông Trump đến Moscow vào dịp diễu hành mừng chiến thắng trong Thế chiến 2 vào ngày 9.5 "không phải với tư cách là một nhà lãnh đạo được kính trọng mà là một đạo cụ trong màn trình diễn", theo Reuters.

Chiến sự Ukraine ngày 1.088: Rộ tin châu Âu âm thầm tính chuyện điều quân đến Ukraine- Ảnh 2.

Ông Trump và ông Putin (phải) trong cuộc gặp tại Phần Lan vào năm 2018

ẢNH: AFP

Ukraine nhiều lần bày tỏ ý định muốn cùng Mỹ và châu Âu đưa ra chiến lược chung trước bất kỳ cuộc gặp nào có thể diễn ra giữa ông Trump và ông Putin. Tại hội nghị trên, ông Zelensky nhắc lại các phát biểu trước đây của mình rằng Kyiv muốn đạt hòa bình với Nga trong năm nay.

Trả lời phỏng vấn với Đài NBC News bên lề hội nghị, ông Zelensky còn cho rằng Tổng thống Putin muốn bắt đầu đàm phán, nhưng mục tiêu của thỏa thuận hòa bình là để xây dựng và tái hợp lực lượng Nga, nhờ khả năng được dỡ bỏ cấm vận.

Bên cạnh đó, Tổng thống Ukraine cho rằng Nga có kế hoạch điều động khoảng 15 sư đoàn, với tổng cộng khoảng 100.000-150.000 binh sĩ, chủ yếu đến Belarus.

Nga chưa lập tức bình luận về các phát biểu trên của ông Zelensky.

Nga có thể giữ thế chủ động ở Ukraine thêm một năm nữa

Nga tiến lên ở tiền tuyến

Bộ Quốc phòng Nga ngày 15.2 cho hay lực lượng nước này vừa giành kiểm soát làng Berezivka thuộc vùng Donetsk phía đông Ukraine.

Một ngày trước đó, cơ quan này cho biết quân Nga giành quyền kiểm soát thêm làng Zelene Pole nằm giữa thị trấn Pokrovsk - tâm điểm tiến công hiện nay của Nga - và khu vực Velyuka Novosilka do Nga kiểm soát hồi tháng trước.

Bên cạnh đó, Nga còn kiểm soát thêm làng Dachne phía tây thị trấn Kurakhove.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho hay 2 làng trên nằm trong số 11 khu vực bị Nga tấn công ở hướng Pokrovsk, nhưng không đề cập việc bị Nga giành quyền kiểm soát hay chưa.

Theo trang tin The Kyiv Independent ngày 15.2 dẫn thông cáo của Không quân Ukraine, phía Nga phóng 70 máy bay không người lái (UAV) tấn công Ukraine trong đêm.

Lực lượng phòng không Ukraine bắn rơi 33 chiếc tại các khu vực Mykolaiv, Kharkiv, Poltava, Dnipropetrovsk, Zaporizhzhia và Donetsk. Có 37 chiếc khác biến mất khỏi màn hình radar mà không gây thiệt hại.

Tại tỉnh Kherson, Tỉnh trưởng Oleksandr Prokudin cho hay Nga nhắm vào 35 ngôi làng trong đợt tấn công khiến 1 người thiệt mạng và 10 người bị thương. Còn tại tỉnh Zaporizhzhia, Tỉnh trưởng Ivan Fedorov cho hay có 2 người thiệt mạng do bom lượn của Nga.

Nga chưa bình luận về thông tin trên. Nga và Ukraine trước nay đều bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào dân thường trong xung đột.

Nỗ lực tìm giải pháp

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 15.2 cho biết cuộc chiến giữa Ukraine và Nga chỉ thực sự kết thúc bằng hòa bình nếu chủ quyền của Ukraine được đảm bảo. "Chỉ có hòa bình nếu chủ quyền của Ukraine được đảm bảo. Do đó, một nền hòa bình bị áp đặt sẽ không bao giờ nhận được sự ủng hộ của chúng tôi", ông phát biểu.

Nhà lãnh đạo Đức nói thêm rằng "chúng tôi cũng sẽ không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào dẫn đến việc tách rời an ninh châu Âu và Mỹ. Chỉ có một người được hưởng lợi từ điều này: Tổng thống (Nga Vladimir) Putin".

"Chúng tôi, những người châu Âu, sẽ đại diện cho những lợi ích này một cách tự tin và thống nhất trong các cuộc đàm phán sắp tới", ông Scholznhấn mạnh.

Phát biểu được đưa ra trước phần phát biểu của Tổng thống Zelensky tại Hội nghị An ninh Munich với tuyên bố rằng Ukraine không chấp nhận những thỏa thuận liên quan việc chấm dứt chiến sự với Nga mà không có sự tham dự của Kyiv.

Cũng tại hội nghị, theo Reuters, Ủy viên Bộ chính trị - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại T.Ư Đảng - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc tin rằng tất cả các bên trong xung đột tại Ukraine nên tham gia hòa đàm, đồng thời nhấn mạnh vai trò của châu Âu.

Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói rằng châu Âu cần có kế hoạch riêng về Ukraine và về an ninh của mình, nếu không muốn tương lai bị quyết định bởi các thế lực khác.

"Châu Âu đang rất cần một kế hoạch hành động riêng liên quan Ukraine và an ninh của chúng ta, nếu không những thế lực toàn cầu khác sẽ quyết định tương lai của chúng ta. Không nhất thiết phải phù hợp với lợi ích của chúng ta", ông viết trên mạng xã hội X.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.